20/03/2024 - 15:29

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3)

“Hạnh phúc cho mọi người” 

Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay có chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”. Hạnh phúc từ chính bản ngã của mỗi người, trong gia đình, ngoài xã hội, đó là đích đến mà đôi khi để có được, chỉ cần thực hiện từ những điều rất nhỏ.

Hạnh phúc là khi gia đình sum vầy. 

Từ khi về sống ở phường An Thới, quận Bình Thủy khoảng 2 năm qua, cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai, tuổi đã U70, được nhiều người trong phường biết đến vì cô có cách sống trẻ trung, tham gia nhiều hoạt động thể thao và văn hóa, văn nghệ. Cô Huỳnh Mai nói về hạnh phúc của người lớn tuổi rằng, trước nhất là có sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Mà muốn có sức khỏe thì phải thường xuyên tập luyện, tăng cường thể lực. Một khi cha mẹ lớn tuổi mà khỏe mạnh, vui tươi, yêu đời, thì con cháu mới an tâm, gia đình mới vui vẻ, hạnh phúc được.

Thật khó có một định nghĩa thuyết phục về hạnh phúc. Hạnh phúc muôn hình vạn trạng, với mỗi người, mỗi độ tuổi, lại có cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Suy nghĩ của cô Huỳnh Mai cũng là nét phác họa trong bức tranh về hạnh phúc. Thực tế, cách biệt thế hệ cũng gây ra những khác biệt trong suy nghĩ, nếp sống giữa cha mẹ và con, cháu. Cô Huỳnh Mai chọn cách chủ động, cập nhật, tự làm mới bản thân, để khoảng cách thế hệ không quá xa, cũng là một cách để giữ gìn hạnh phúc.

Với các gia đình trẻ, việc giữ gìn hạnh phúc cũng là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện đại ngày nay. Vợ chồng trẻ thường bị cuốn vào vòng quay cuộc sống. Họ muốn kiếm tiền, họ muốn làm giàu, muốn thăng tiến… suy cho cùng cũng vì mong muốn tốt đẹp là gia đình, vợ/chồng con có cuộc sống sung túc hơn. Nhưng nghịch lý ở chỗ, càng phấn đấu thì họ lại càng áp lực và càng có ít thời gian dành cho gia đình. Ðó lại là nguyên nhân mất hạnh phúc của nhiều gia đình trẻ. Chị T.V, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, kể rằng, chị từng đổ vỡ hôn nhân và nhìn lại, chị thấy có lỗi của cả hai. Anh chị có cơ ngơi làm ăn ổn định, mỗi người một cơ sở, kinh tế dư dả. Nhưng đổi lại, chồng chị phải tất bật với công việc cả ngày lẫn đêm, lại phải bận rộn với các mối quan hệ đối tác. Chị cũng vậy, công việc cứ cuốn vào guồng quay, hết năm, hết tháng. Con chị phải gửi cho ngoại chăm. Cứ vậy, anh chị ngày càng lợt lạt tình cảm, con nhỏ cũng hờ hững vì thiếu tình cảm của cha mẹ. Ðến một ngày, họ nhận ra thì đã muộn.

Hạnh phúc có thể lớn lao mang tầm nhân loại, khi mọi người mong cho trái đất hết đói nghèo, hết chiến tranh. Nhưng cũng có khi hạnh phúc chỉ đời thường, đơn giản như hình ảnh một bà mẹ làm việc quần quật suốt ngày để kiếm tiền lo cho con ăn học, thành người, với bà đó là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc là những bữa cơm đầy đủ các thành viên, được nấu từ người vợ, người chồng và các con, mỗi người một việc vì bếp ấm yêu thương. Là những buổi chiều ông bố trẻ chở vợ và con đi dạo phố, ngắm đường. Là cảm giác hạnh phúc dâng trào khi cha, mẹ già nhận được món quà từ con cháu, dù chỉ là hộp bánh hay bọc trái cây…

Hạnh phúc không khước từ ai, chỉ có điều mỗi người tiếp nhận, cảm nhận và trao đi hạnh phúc trong cuộc sống như thế nào. Sáng nào, tôi cũng hay dạo quanh một vòng Bến Ninh Kiều và cũng đều bắt gặp hình ảnh của một cô tuổi U70 đẩy mẹ già U90 dạo phố trên chiếc xe lăn. Cô đút sữa cho mẹ uống, nói chuyện cho mẹ vui. Dừng lại ở một bóng mát, cô bóp tay, bóp chân, lau mặt cho mẹ. Khi tôi hỏi chuyện, cô ngại, chỉ nói rằng: “Còn mẹ để mình chăm sóc là hạnh phúc rồi em”. Hạnh phúc của cô là khi còn có mẹ, điều tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng lại là vĩ đại! Hay với cụ bà Ðặng Thị Hai ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, dù đã U80 nhưng vẫn bắt ốc hái rau nuôi mẹ già U100. Bà đã dành trọn thanh xuân, không lập gia đình, để nuôi mẹ, lo cho mẹ, tới già vẫn vậy. Bà Hai nói rằng: “Mẹ già là phước của con cháu!”. Chữ “phước” ấy cũng bao hàm điều thiêng liêng của hai từ hạnh phúc.

Ở chiều ngược lại trong gia đình, hạnh phúc của cha mẹ là được sống cho các con. Nhiều người chọn dành tuổi già để chăm cháu, chia sẻ gánh nặng cho con. Nhiều bà mẹ cứ hễ Tết tới là gói bánh, làm mứt; hễ rảnh là nấu thức ăn ngon cho cả nhà. Nhiều người con vẫn hay nói: “Má làm mần chi cho cực, ra chợ mua cái có liền” và nhận được câu trả lời: “Kệ, mấy đứa ăn ngon là má vui rồi”. Thế nên, có nhiều người phản đối việc để ông bà chăm cháu, phụ việc cho con, hãy dành thời gian an dưỡng tuổi già. Nhưng, hạnh phúc đôi khi không đến từ sự chủ quan…

Hạnh phúc lớn lao mà bình dị, từ những điều rất rõ, có thể chạm được, nói được, chia sẻ được. Hạnh phúc từ mỗi cá nhân, lan tỏa hạnh phúc gia đình, kiến tạo nên đất nước hạnh phúc. Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra những thông điệp như “Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc!”; “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”… Quả vậy, hạnh phúc không có đích đến mà là một hành trình. Hành trình càng có nhiều người đồng hành, càng thấy đời hạnh phúc bao la.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết