28/11/2016 - 21:11

“Gỡ khó” dạy bơi trong trường học

Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, ngành giáo dục thành phố đã triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi (ưu tiên khối tiểu học). Tuy nhiên, công tác dạy bơi trong các trường gặp không ít khó khăn.

* Nỗ lực xóa mù bơi

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đưa nội dung xóa mù bơi vào quá trình thực hiện Đề án "Phát triển thể chất tầm vóc của người Việt Nam". Theo đó, các trường tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh hiểu ý nghĩa công tác xóa mù bơi. Hằng năm, ngành giáo dục thành phố tổ chức tập huấn cứu đuối cho giáo viên thể dục. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng thêm hồ bơi từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa; các trường, cơ sở giáo dục tổ chức, quản lý và hướng dẫn học sinh tham gia các lớp học bơi trong năm học và xóa mù bơi trong hè. Qua 5 năm thực hiện, tỷ lệ học sinh biết bơi tăng dần, cụ thể năm học 2014-2015, 60% học sinh biết bơi , đến năm 2015-2016 là 66,8% (khoảng 120.000 học sinh biết bơi).

 Giờ học bơi của học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều) tổ chức dạy bơi bằng hình thức xã hội hóa và có sự trao đổi với phụ huynh để thống nhất kế hoạch thực hiện. Do tổ chức học 2 buổi có bán trú, Ban giám hiệu yêu cầu tổ trưởng chuyên môn sắp xếp mỗi khối trống thời gian từ 15 giờ -16 giờ 20 phút để học sinh tham gia học bơi và phân công giáo viên dạy thể dục giám sát. Nhà trường hợp đồng xe đưa học sinh đến hồ bơi nếu phụ huynh không có điều kiện đưa rước; phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh chưa biết bơi, học sinh thuộc hộ nghèo.

Đều đặn các ngày thứ 2, 4 và 6 hằng tuần, học sinh Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy) đến Câu lạc bộ bơi lội Ánh Viên để học bơi. Đây là năm thứ 2 trường tổ chức dạy bơi cho học sinh. Nhà trường thường xuyên thống kê số học sinh chưa biết bơi, vận động học sinh đăng ký học bơi hoặc nhờ người lớn dạy bơi.

Trong điều kiện chưa có hồ bơi, Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai chỉ đạo các trường tổ chức dạy bơi trên cạn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dạy bơi trong nước. Giáo viên thể dục Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1 dành riêng một số tiết thể dục trang bị kiến thức, kỹ thuật bơi cho học sinh. Sau đó, nhà trường vận động phụ huynh học sinh tự dạy bơi cho con em tại nhà. Anh Ôn Văn Sùng, phụ huynh em Ôn Thị Xuân Mai, Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1, cho biết: "Con tôi được nhà trường hướng dẫn kỹ thuật bơi. Tôi mong địa phương hỗ trợ xây hồ bơi, tạo điều kiện cho học sinh học bơi tự bảo vệ bản thân".

* Khó do thiếu hồ bơi

Hằng ngày, học sinh nông thôn phải đi qua phà, đò, cầu, kênh rạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước nên việc học bơi rất cần thiết nhưng vì nhiều lý do, công tác này chưa đi vào chiều sâu. Thầy Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT thành phố, cho biết: "Hiện một số đơn vị, địa phương chưa có hồ bơi. Thời gian qua, các đơn vị nỗ lực vận dụng nhiều hình thức, giải pháp để dạy bơi cho các em nhưng hiệu quả không cao. Một số thầy cô tận dụng đoạn sông có rào chắn đảm bảo an toàn để học sinh học bơi nhưng phụ huynh e ngại nguồn nước ô nhiễm. Mặt khác, một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm việc xóa mù bơi cho con. Quan trọng hơn, bơi lội chưa phải là môn học chính thức bắt buộc trong chương trình nên gặp khó trong việc đề xuất cơ sở vật chất cũng như bắt buộc 100% học sinh tham gia".

Huyện Phong Điền chưa có hồ bơi nên việc xóa mù bơi cho học sinh gặp khó khăn. Giáo viên tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh tập bơi cho con nhưng lại ngại nguồn nước sông ô nhiễm. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, kiến nghị thành phố sớm bố trí vốn xây dựng Trung tâm thể thao huyện, trong đó có hạng mục hồ bơi để huyện có điều kiện thực hiện hiệu quả công tác xóa mù bơi. Để giải quyết vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, cho biết: "Thời gian tới, Phòng tham mưu với Huyện ủy, UBND xin chủ trương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hồ bơi tại các xã, thị trấn. Năm 2017, với nguồn kinh phí UBND phê duyệt, huyện sẽ có 13 hồ bơi. Hiện Ban quản lý dự án hướng dẫn các cơ quan chức năng tiến hành thiết kế bản vẽ và dự trù kinh phí từng hồ bơi đã được UBND huyện phê duyệt".

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ xây dựng Đề án "Xóa mù bơi cho học sinh", ưu tiên học sinh bậc tiểu học để đến năm 2020, có 100% học sinh tiểu học được học bơi. Đề án tập trung các nội dung như: tăng cường tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc biết bơi giúp các em không bị đuối nước, tăng cường thể lực; tiếp tục đào tạo chuyên môn cho giáo viên hướng dẫn học sinh phòng, chống đuối nước và bơi sống sót; xây dựng hồ bơi bằng ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa cho các trường học xóa mù bơi…

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết