06/08/2010 - 20:49

“Gia sản” của ông giáo già

Một ông giáo đã dành phần lớn đời mình tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Điều mà ông mãn nguyện nhất là 8 người con đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định. Giờ đây, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông lấy việc đọc sách, báo, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và chăm sóc vườn tược làm thú vui. Ông khoe với mọi người rằng: “8 người con và mấy kệ sách là hai gia sản lớn nhất của đời tôi...”.

* Một đời tâm huyết

Đến khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, hỏi nhà thầy giáo Vĩnh ở xóm Miễu Ông thì ai cũng biết.

Ông giáo Vĩnh là Nguyễn Tấn Vĩnh, quê gốc ở làng Tân An, nay là phường Tân An, quận Ninh Kiều. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp trường Võ Văn Cần Thơ, ông bắt đầu dạy học tại trường tiểu học ở Mỹ Hương, Sóc Trăng. Ba năm sau, ông chuyển về dạy ở Long Tuyền, Bình Thủy đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau năm 1975, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông người lớn. Ngày ngày, ngoài việc lên lớp, ông Vĩnh lại đi đến từng nhà để vận động người dân đi học. Ông thường nói với bà con: “Làm công dân một nước độc lập thì ít nhất phải biết đọc biết viết”. Lúc bấy giờ, ngoài việc kiến thiết lại làng xóm, quê hương thì việc diệt “giặc dốt” cũng được đảng bộ, chính quyền địa phương và những người làm công tác giáo dục như ông rất quan tâm. Những lớp học do ông dạy, có học trò tóc đã điểm bạc vẫn kiên trì đánh vần từng chữ cái. Đó cũng là những kỷ niệm mà ông Vĩnh không thể quên.

 Ông Nguyễn Tấn Vĩnh ngày ngày cặm cụi viết trên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ.

Do sức khỏe không được tốt, lại thêm phải lo cho kinh tế gia đình nên cuối năm 1984, ông Vĩnh xin nghỉ hưu sớm. Nhưng ngọn lửa nghề vẫn luôn nung nấu trong ông nên dù không còn đứng trên bục giảng, ông Vĩnh vẫn quan tâm đến tình hình học tập của con em trong ấp, xã. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm Hội phó Hội khuyến học xã Long Tuyền nhiều năm liền. Khoảng thời gian ấy, kinh tế của đa phần người dân còn nhiều khó khăn, chuyện cho con đi học khá xa lạ trong nếp nghĩ của nhiều người. Thế là ông Vĩnh lại “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” phân tích thấu đáo, vận động bà con cho con đi học. Biết trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học thì ông Vĩnh lại tìm mọi cách giúp đỡ, động viên. Là thầy giáo lâu năm lại là người có uy tín ở địa phương, ông có được “cái thế” để vận động bà con tốt hơn.

Hiện nay, đã ở tuổi 75, ông Vĩnh vẫn tham gia công tác, là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Long Tuyền. Bên cạnh những vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội, điều mà ông Vĩnh quan tâm nhất vẫn là chuyện học hành của con em trong phường. Ông Đặng Xuân Phương, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Long Tuyền, nói: “Vào đầu mỗi năm học mới hay dịp lễ Tết, thầy Vĩnh đều liên hệ với những người bạn, những học trò cũ đang sống ở mọi miền đất nước hay ở nước ngoài để xin họ giúp đỡ học trò nghèo. Mỗi năm, thầy Vĩnh đều vận động được hàng mấy trăm phần quà gồm tập, sách, quần áo...”.

Nhiều học trò giờ đã thành đạt, có lần về thăm và hỏi ông Vĩnh: “Sao thầy cứ mãi lo cho mọi người mà không nghĩ đến bản thân? Thầy có muốn con giúp cho thầy gì không?” Ông chỉ cười tươi, đáp: “Thầy cám ơn con nhưng thầy đã già rồi, còn cần gì nữa đâu. Nếu có khả năng con cứ giúp đỡ những học trò nghèo, cho ngọn lửa của sự học luôn cháy mãi”.

Dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi phường tổ chức các cuộc đi vận động trẻ em đi học, quyên góp tiền hỗ trợ học sinh nghèo... ông Vĩnh đều hăng hái tham gia. Chúng tôi cảm nhận được, mọi việc làm, hành động cho chuyện học của con em ở địa phương như xuất phát từ cái tâm của một ông giáo đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người.

* “Gia sản” một đời

Chúng tôi tìm đến nhà ông Vĩnh vào một buổi sáng. Ông Vĩnh đang cặm cụi cắt tỉa, chăm sóc vườn mai trước sân nhà. Căn nhà của ông nhỏ nhắn, đơn sơ nằm nép mình bên những gốc cây cổ thụ. Xung quanh nhà là một vườn hoa kiểng xanh tươi, vẳng đâu đó tiếng chim kêu ríu rít. Chúng tôi cảm nhận được lối sống nhàn hạ, yên tĩnh của một ông giáo già.

Ông Vĩnh nhớ lại những kỷ niệm thời còn làm bạn với phấn trắng, bảng đen, thời mà cuộc sống của vợ chồng ông còn nhiều khó khăn. Ông nói: “Có được mái ấm như thế này, có công rất lớn của vợ tôi”. Bà Phạm Ngọc Nữ, vợ ông Vĩnh, năm nay 70 tuổi, cũng từng là giáo viên. Xưa hai ông bà cùng học chung ở trường Võ Văn. Có những khoảng thời gian vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn, con đông, đồng lương ít ỏi lại phải ở nhà thuê. Ngoài việc đi dạy, vợ chồng ông còn mở ra một tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm sống, nuôi 8 đứa con nhỏ. Khó khăn trăm bề nhưng vợ chồng ông Vĩnh động viên nhau cố gắng vượt qua và lo cho con cái đàng hoàng.

Ông Vĩnh nói: “Dù có những lúc khó khăn nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ có ý định cho con nghỉ học. Nhà nghèo, chúng tôi đâu cho con được gì ngoài việc học...”. Người con gái lớn đi học ra trường thì đứa con thứ cũng tiếp theo chân của chị và cứ như thế cả tám người con đều được vợ chồng ông Vĩnh cho đi học đến nơi đến chốn. Đã có 6 người tốt nghiệp đại học, 2 người tốt nghiệp cao đẳng và hiện đều có việc làm ổn định. Nhiều người ở Long Tuyền này cho đó là “kỳ công” của vợ chồng thầy Vĩnh. Còn riêng ông, ông coi đó là “gia sản” lớn nhất của đời mình. Khi các con còn đi học, ông thường xuyên nhắc các con phải học tập thật chăm chỉ. Khi các con đã đi làm, ông lại nhắc con phải giữ gìn đạo đức, tác phong, cố gắng làm việc thật tốt, cho mọi người yêu mến. Ông Vĩnh đã có chín đứa cháu, tất cả đều ngoan ngoãn, học giỏi, trong đó có người đã tốt nghiệp đại học đi làm. Mỗi dịp lễ, Tết hay ngày kỷ niệm của gia đình, căn nhà nhỏ của ông đông đủ cháu con. Với các cháu, ông Vĩnh cũng ý thức truyền ngọn lửa hiếu học của gia đình. Đặc biệt, ông chú ý dạy cho các cháu lễ nghĩa, học làm người, cư xử tốt đẹp với người xung quanh.

Ở tuổi 75, có thể nói mọi gánh nặng về tiền bạc, cơm áo gạo tiền đã vơi bớt trên đôi vai vợ chồng ông. Bà Nữ giờ lo việc nội trợ, bếp núc, hay đi thăm các con. Còn ông Vĩnh, vườn kiểng trước nhà và mấy kệ sách chính là “bạn chí cốt”. Ông sở hữu rất nhiều đầu sách đặc biệt là sách sử và nghiên cứu văn hóa, được cất giữ rất cẩn thận. Đặc biệt, kho sách có những cuốn sách quý, xuất bản gần một thế kỷ. Khi đọc sách, phát hiện những câu, đoạn tâm đắc hay có vấn đề, ông Vĩnh cẩn trọng lấy thước, viết gạch dưới rồi tìm hiểu, nghiên cứu thêm. “Xã hội ngày càng tiến bộ nhưng tôi luôn ý thức phải tìm hiểu về lịch sử của dân tộc, địa phương để thêm yêu quê hương đất nước mình”, ông tâm niệm.

Với vùng đất Cầm Thi Giang xưa và Cần Thơ nay, ông Nguyễn Tấn Vĩnh có hẳn một tập tư liệu dày cộm, có giá trị lịch sử, nghiên cứu, được ông tích cóp từ thời còn đi dạy học. Bên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, hằng ngày ông Vĩnh vẫn miệt mài gõ ra những gì mình hiểu biết, những gì còn trăn trở với xã hội và gửi đi cộng tác ở các báo. Các bài viết của ông được đăng tải trên nhiều tạp chí chuyên ngành, các báo... Ông Vĩnh nói: “Tôi viết không chỉ vì tiền nhuận bút mà là muốn giới thiệu với mọi người, đặc biệt là giới trẻ những thuần phong mỹ tục của đất nước nói chung và Cần Thơ nói riêng mà ít nhiều đã bị mai một. Đó cũng là niềm vui cuối đời của tôi”.

Đi dọc theo ngọn của sông Bình Thủy, ông tâm sự với chúng tôi nhiều điều về văn hóa xã hội thời ông còn trẻ với nỗi lòng của một nhà giáo hoài cổ. Mọi người qua lại, dù đã có tuổi hay trẻ con đều cúi đầu chào: “Chào thầy!”, cử chỉ rất kính trọng. Nếp sống giản dị, chân thành và nhiệt huyết cùng cái tâm thật sáng, hay giúp đỡ người khác càng làm cho người dân ở khu vực Bình Thường B và cả phường Long Tuyền thêm quý, kính yêu ông Vĩnh hơn. Đạo đức của ông giáo già đang lan tỏa nơi làng quê này...

* * *

Bà Nguyễn Gái Hoài, cán bộ Văn hóa phường Long Tuyền nhận xét về ông: “Thầy Vĩnh rất có uy tín và có ảnh hưởng tích cực đến các phong trào ở địa phương. Trong những đợt sinh hoạt, triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chúng tôi đều mời thầy phát biểu, chia sẻ. Những cuộc họp dân ở khu vực, chúng tôi cũng lấy gia đình thầy làm gương điển hình”.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Vĩnh đã được tuyên dương “Gia đình hiếu học tiêu biểu” cấp thành phố. Tháng 6-2010 vừa qua, gia đình ông được UBND thành phố tặng bằng khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết