01/01/2016 - 15:59

“Fury” – Bản anh hùng ca về lính tăng

Khai thác giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ II, "Fury" là bản anh hùng ca dành cho những người lính xe tăng của quân Đồng Minh. Khốc liệt và bi tráng, "Fury" mang lại cho người xem nhiều cảm xúc và những khoảng lặng về chiến tranh.

Phim phát sóng lúc 21 giờ thứ bảy, ngày 2-1-2016 trên kênh HBO.

Bối cảnh phim vào năm 1945, khi thế chiến II đang đi vào giai đoạn cuối và quân Đồng Minh dồn tổng lực tấn công phe phát xít Đức. Tại chiến trường Tây Đức, một tiểu đội do trung sĩ Don Coliier chỉ huy có nhiệm vụ điều khiển chiếc xe tăng "Fury" cùng những chiếc xe tăng khác thọc sâu vào phòng tuyến của quân Đức để hỗ trợ lực lượng bộ binh. Khi chuẩn bị thực hiện chiến dịch mới thì một chiến sĩ của "Fury" hy sinh, người thay thế là Norman- tân binh nhập ngũ 8 tuần, làm nhiệm vụ đánh máy truyền tin, chưa hề cầm súng chiến đấu. Dưới sự dìu dắt của đồng đội, Norman trở nên dạn dĩ và quen dần với sự tàn khốc của chiến tranh. Trong một trận chiến quyết liệt, các xe tăng khác đều bị tiêu diệt, chỉ còn duy nhất chiếc "Fury". Tuy sống sót nhưng xe bị hư hỏng và chưa kịp sửa thì họ lại chạm mặt với một tiểu đoàn của Đức. Thay vì bỏ chạy, 5 người lính quyết định ở lại chiến đấu đến cùng…

5 người lính trên chiến tăng “Fury”. 

Dưới bàn tay của đạo diễn David Ayer, sự khốc liệt của thế chiến II được chuyển tải thành công bằng ngôn ngữ điện ảnh trong "Fury". Tông màu đen tối, u ám của bộ phim thể hiện rõ bầu không khí căng thẳng đến ngột ngạt của cuộc chiến đang bước vào giai đoạn cuối. Những con đường lầy lội bùn đất và máu, những ngôi làng Đức tan hoang vì bom đạn, những đống xác lính tử trận chất đầy, đoàn người tị nạn lũ lượt trên đường với vẻ mệt mỏi pha lẫn nỗi sợ hãi... Phim không hề có cảnh gào thét hay hoảng loạn nhưng cũng đủ khắc họa sự hoang tàn, bi thảm của chiến tranh. Đặc biệt, sự khốc liệt không chỉ thể hiện ở những trận chiến dữ dội mà còn ở cách nó thay đổi một con người. Tân binh Norman từ chỗ nôn ói khi thấy những mảnh vụn của xác người, kiên quyết không chịu cầm súng bắn chết tù binh, run rẩy khi đối đầu với quân địch, dần cứng cỏi, trưởng thành và sẵn sàng nã súng không khoan nhượng vào kẻ thù, bởi cậu đã thấm thía câu nói: "giết hoặc bị giết". Chiến tranh còn dập tắt mọi cảm xúc, tình yêu khi nó vừa nảy nở. Cảnh Norman lao vào đào bới đống đổ nát đè trên xác cô gái mà anh mới quen và nảy sinh tình cảm khiến người xem không khỏi ngậm ngùi, đau xót.

Đoàn kết, dũng mãnh trong chiến đấu nhưng giữa những lúc nghỉ ngơi hay thư giãn, những người lính bộc lộ rõ sự yêu, ghét, bất hòa, xung đột... Đứng giữa ranh giới mong manh của cuộc chiến sinh tử, họ càng trân trọng những giây phút được sống, được thể hiện con người của mình. Phim có sự chân thật, gần gũi dù đôi lúc có phần lỗ mãng và trần trụi. Đặc biệt, sự quả cảm và tinh thần đồng đội của 5 người lính đội "Fury" là điểm mấu chốt làm nên sức hấp dẫn của phim. Trong những tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", sự phối hợp ăn ý cùng tinh thần đoàn kết, biết nghĩ cho nhau đã giúp họ làm nên kỳ tích, nhất là khi họ quyết ở lại bên chiếc xe tăng bị hư để chiến đấu với 300 quân Đức. Lần lượt từng người ngã xuống, và sự hy sinh của họ là khúc tráng ca đầy ấn tượng trong lòng khán giả.

Dù nội dung đơn giản và tiết tấu chậm nhưng "Fury" hấp dẫn người xem nhờ truyền tải được cảm xúc qua hình ảnh và tính cách nhân vật; cảnh chiến trường ác liệt được tái hiện sinh động, chân thực; diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên… Đặc biệt, Brad Pitt trong vai chỉ huy Don Coliier và Lorgan Lerman trong vai Norman đã lột tả trọn vẹn thần thái, cảm xúc của nhân vật, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người xem.

"Fury" là một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh đáng để xem!

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết