07/07/2020 - 09:19

Ðể đảm bảo chất lượng lúa gạo 

Gần đây, thời tiết và nhiều loại sâu bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ hè thu (HT) và thu đông (TĐ) 2020 tại vùng ĐBSCL. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phòng trị sâu bệnh đúng cách và chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi nhằm đảm bảo chất lượng lúa gạo, tránh thiệt hại. Với các diện tích lúa chuẩn bị xuống giống mới, nông dân cần chú trọng chọn các giống lúa chất lượng cao, thơm ngon, đặc sản  gieo cấy để có sản phẩm tốt, thuận lợi đầu ra...

Thu hoạch lúa hè thu 2020 bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Cờ Đỏ.

►Chăm sóc, thu hoạch kịp thời

Năm nay, vùng ÐBSCL dự kiến gieo trồng lúa vụ HT 2020 đạt 1,539 triệu héc-ta, với năng suất lúa ước đạt 56,61 tạ/ha, tăng 1,28 tạ/ha và sản lượng ước đạt 8,712 triệu tấn, tăng 31.000 tấn so với vụ HT 2019.

Tính đến ngày 25-6, các địa phương vùng ÐBSCL đã gieo trồng lúa HT 2020 được 1,430 triệu héc-ta. Trong đó, có hơn 180.700ha lúa mới ở giai đoạn mạ, hơn 267,2ha lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, hơn 368.800ha lúa trong giai đoạn đòng- trổ, hơn 291,5ha lúa giai đoạn chín và hơn 322,5ha lúa đã thu hoạch. Dự kiến tới đây, các tỉnh ven biển ở vùng ÐBSCL xuống giống thêm hơn 100.000ha lúa HT 2020.

Theo Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những ngày qua các đối tượng sinh vật gây hại lúa có khuynh hướng gia tăng diện tích nhiễm, nhất là các trà lúa HT giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ, tuy nhiên mức độ gây hại chỉ từ nhẹ đến trung bình. Cụ thể, diện tích nhiễm rầy nâu 4.599ha, tăng 3.152ha so với tuần trước; diện tích nhiễm đạo ôn lá 13.285ha, tăng 1.508ha; diện tích nhiễm bệnh lem lép hạt 10.820ha, tăng 4.213ha; bệnh bạc lá 3.528ha, tăng 94ha; diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ toàn vùng 23.038ha, tăng 6.658ha so với tuần trước...

Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, các địa phương vùng ÐBSCL không còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn như trước đây. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kèm theo gió mạnh và giông lốc... gây bất lợi cho các trà lúa bước vào giai đoạn trổ đến chín và thu hoạch. Ðã có tình trạng một số trà lúa ở giai đoạn chín chuẩn bị thu hoạch bị mưa gió làm đổ ngã, ướt nước chất lượng lúa gạo có thể bị giảm và gây khó cho thu hoạch. Từ đó, dẫn đến chi phí thu hoạch lúa có thể tăng và giá lúa bị sụt giảm.

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tại các địa phương vùng ÐBSCL đã khuyến cáo nông dân chủ động tiêu thoát nước ruộng lúa để nền ruộng khô ráo, thuận lợi cho thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Ðồng thời, chủ động chuẩn bị phương tiện, máy móc và lò sấy để tranh thủ lúc trời nắng thu hoạch lúa và đem về sấy kịp thời, đảm bảo chất lượng lúa gạo. Dù trời có mưa nhưng nhìn chung việc thu hoạch lúa của nông dân vẫn được thực hiện nhanh chóng nhờ các máy gặt đập liên hợp (GÐLH). Chi phí thuê máy GÐLH để thu hoạch lúa tại nhiều nơi ở mức 260.000-300.000 đồng/công (tầm lớn 1.300m2).

►Nâng cao chất lượng

Cùng với việc chủ động chăm sóc, thu hoạch kịp thời các diện tích lúa vụ HT, nhiều địa phương vùng ÐBSCL cũng đang khẩn trương xuống giống gieo trồng vụ lúa TÐ 2020 để kịp thời thu hoạch lúa trước khi lũ về.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Hiện lúa TÐ 2020 được tập trung xuống giống tại các vùng thuộc phía Bắc quốc lộ 1 thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp và các địa phương có thuận lợi về nguồn nước ngọt: TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long... với tổng diện tích khoảng 400.000ha. Trong kế hoạch dự kiến của Bộ NN&PTNT cùng các Sở NN&PTNT vùng ÐBSCL, năm nay toàn vùng xuống giống lúa TÐ đạt 800.000ha, tăng hơn 50.000ha so với vụ TÐ năm 2019. Việc tăng diện tích lúa TÐ này tùy thuộc vào hai yếu tố, một là tình hình tiêu thụ lúa gạo đang tốt, tăng diện tích sẽ giúp nông dân có thêm thu nhập, sinh kế và yếu tố thuận lợi thứ hai là dự báo mực nước lũ năm nay không cao. Vì thế, ta có thể mở rộng diện tích ở những vùng mà những năm trước lũ cao, không sản xuất được lúa TД. Cũng theo ông Lê Thanh Tùng để tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm, khi xuống giống các diện tích còn lại của vụ HT 2020 theo kế hoạch và sạ lúa TÐ, nông dân cần chú ý chọn các giống lúa chất lượng cao, hạn chế gieo sạ lúa IR 50404 và các giống lúa cho gạo có chất lượng trung bình.

Ngoài việc chọn giống tốt, để đảm bảo và nâng cao được chất lượng lúa gạo trong vụ HT và TÐ, nông dân cũng cần phải hết sức lưu ý quản lý chặt đồng ruộng để chăm sóc, bón phân phun thuốc phù hợp và thu hoạch, phơi sấy lúa kịp thời. Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, khuyến cáo: “Trong điều kiện thời tiết và nhiều loại dịch hại còn diễn biến phức tạp, nông dân phải thăm đồng thường xuyên để chủ động ứng phó. Ðặc biệt, cần chú ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tránh lúa bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm”. Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ lúc gieo sạ đến giai đoạn mạ cần có biện pháp quản lý tốt ốc bươu vàng, nhất là trên những cánh đồng không thoát nước được dễ bị ốc gây hại. Lúa vào giai đoạn phát triển sung yếu (đẻ nhánh-đòng) lưu ý sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá trên những trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm. Giai đoạn trổ-chín cũng là lúc bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, bệnh lem lép hạt phát sinh và gây hại cần phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sau này.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, có khoảng 400.000ha lúa HT 2020 tại ĐBSCL được thu hoạch, với năng suất xấp xỉ 6 tấn/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với vụ HT năm trước. Các địa phương cần tiếp tục chăm sóc tốt lúa HT, phòng trừ sâu bệnh để có vụ mùa thắng lợi trọn vẹn. Đối với vụ TĐ 2020, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các địa phương vùng ĐBSCL về kế hoạch xuống giống 800.000ha và hiện xuống giống được 400.000ha, lúa sinh trưởng tốt. Các địa phương cần tiếp tục tranh thủ xuống giống, tập trung vào nhóm giống đặc sản, lúa thơm và chất lượng cao.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết