11/12/2022 - 15:20

“Đứa con muộn”
Hãy yêu thương, thấu hiểu đúng cách 

CÁT ĐẰNG

“Đứa con muộn” (NXB Văn học) là tập truyện vừa của Anatoly Georgyevich Alexin, nhà văn thường viết cho thiếu nhi của văn học Nga. Tập truyện gồm 3 câu chuyện qua bản dịch của Trần Thị Phương Phương, kể về những đứa trẻ khi được yêu thương thái quá hoặc đối xử thiên vị, để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm.

“Anh trai tôi chơi kèn Clarinet”, “Đứa con muộn” và “Người thứ ba ở hàng thứ năm” là 3 truyện trong tập truyện, đưa bạn đọc đến nước Nga trong những năm 1950-1980, tái hiện cuộc sống thường nhật trong gia đình, trường học. Đồng thời, truyền tải thông điệp về yêu thương đúng cách đối với người thân.

Điển hình như trong “Đứa con muộn”, Lenka là đứa trẻ được cả bố mẹ và chị gái mong chờ suốt 16 năm. Khi cậu ra đời, tất cả mọi người đều thể hiện yêu thương, quan tâm thái quá khiến cậu cảm thấy đáng sợ và mệt mỏi, “chỉ muốn chạy trốn đến tận cùng thế giới, hay còn xa hơn thế nữa” (trang 63). Cậu làm gì sai cũng không bị mắng, bị điểm kém vẫn được khen, muốn giúp đỡ bố mẹ việc nhà cũng không được, muốn đi chơi xa hay làm gì cũng bị ngăn cản vì sợ những điều không hay xảy đến… Ngoài sự bao bọc quá mức, Lenka còn có một người chị quá xuất sắc khiến cậu cảm thấy khá áp lực. Nhưng không vì thế mà cậu bé trở nên hư hỏng hay có những hành động tiêu cực phản kháng lại người thân. Hiểu được tình cảm của mọi người, Lenka luôn cố gắng trở thành một người trưởng thành, dù đôi lúc mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát. Cậu luôn quan sát mọi người và tìm cách giúp đỡ bố mẹ, chị gái trong khả năng có thể...

Tình yêu thương sai cách cũng là vấn đề được đặt ra trong truyện “Anh trai tôi chơi kèn Clarinet”. Độc giả phải bật cười vì những ý nghĩ cực đoan và khá điên rồ của cô em gái dành cho anh trai của mình. Cô quá thần tượng khả năng chơi kèn Clarinet của anh trai đến nỗi nguyện không lấy chồng, dành hết thanh xuân để giúp anh trai tỏa sáng bằng mọi cách, đồng thời đưa ra những điều kiện khắt khe với anh trai. Tuy nhiên, cuộc đời không như là mơ và chính người anh đã làm trái quy ước với cô em khi vướng vào tình yêu. Trải qua những mâu thuẫn và sự cố, cô em mới nhận ra rằng, mình đã sai và không còn viển vông nữa.

Trong khi đó, “Người thứ ba ở hàng thứ năm” lại là bài học muộn của một bà giáo về hưu. Giỏi, tận tâm và nghiêm khắc nhưng mãi sau 35 năm làm nghề, bà mới nghiệm ra rằng phải tôn trọng sự khác biệt, cá tính của từng học sinh, từng con người; thay vì ép tất cả theo cùng một khuôn phép. Như cái cách bà đã từng đối xử bất công với con trai mình, với cậu học trò Vanya… Sau một biến cố nghiêm trọng liên quan đến tính mạng của cháu nội mà bà hết mực yêu thương, bà hiểu trước đây vì cố chấp, thành kiến mà bà đã có những đánh giá sai về không ít người.  

Mỗi câu chuyện chứa đựng những thông điệp ý nghĩa, không chỉ dành cho trẻ em hay lứa tuổi mới lớn, mà cả những người trưởng thành cũng cần hiểu để yêu thương, thấu hiểu đúng cách.

Chia sẻ bài viết