17/05/2019 - 17:46

“Donald Trump của Úc” khó làm nên chuyện 

Mang tham vọng chính trị và dính líu đến một loạt vụ việc gây tranh cãi, tỉ phú Clive Palmer (ảnh) được ví như “Donald Trump của Úc”, mà thật ra chính ông cũng xem Tổng thống Mỹ là hình mẫu.

Ảnh: Junkee

Ảnh: Junkee

Nếu Tổng thống Trump từng vận động tranh cử bằng cam kết “Làm cho Mỹ vĩ đại trở lại”, thì Palmer cũng sử dụng câu “Làm cho Úc vĩ đại” làm khẩu hiệu cho đảng Thống nhất Úc (UAP) của ông. Palmer cũng vướng vào nhiều cuộc chiến pháp lý đáng chú ý, bao gồm vụ kiện tụng với công ty Citic của Trung Quốc và chuyện trả lương không đầy đủ cho các công nhân tại một trong những công ty khai thác mỏ của ông. Ông trùm này còn liên tục chỉ trích Trung Quốc và tự nhận mình là kẻ “ngoại đạo” trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Úc vào ngày mai 18-5. Điểm khác biệt lớn giữa hai nhân vật này là chủ nhân Nhà Trắng vận động tranh cử nhờ sự ủng hộ của một đảng chính thống (đảng Cộng hòa), trong khi ứng viên của UAP nhảy vào cuộc đua dựa theo những nguyên tắc của riêng mình.

Chính trường xứ chuột túi lâu nay bị chi phối bởi hai thế lực chính trị lớn là liên minh Tự do - Quốc gia bảo thủ và Công đảng trung tả. Tuy nhiên, trong chiến dịch lần này hai đảng lớn trên “lép vế” trước đảng của Palmer về khoản vung tiền để giành lá phiếu cử tri. Nhà tài phiệt 65 tuổi tuyên bố sẽ chi khoảng 60 triệu AUD cho cuộc vận động tranh cử, nhiều hơn số tiền hai đảng lớn cộng lại. Trong đó, UAP đã cho phát khoảng 60.000 quảng cáo trên truyền hình vào những “giờ vàng”, lắp đặt các bảng vận động in hình khuôn mặt của Palmer trên khắp cả nước và gửi cho cử tri những tin nhắn văn bản.

Thật ra, Palmer không xa lạ gì với chính trường nước Úc bởi ông từng giành một ghế trong Hạ viện hồi năm 2013. Khi đó, 3 ứng viên của đảng Thống nhất Palmer (sau đó cải tổ thành UAP) cũng được bầu vào Thượng viện, nhưng liên minh này sớm tan rã. Về phần Palmer, mặc dù chỉ có 3 năm phục vụ tại Quốc hội, nhưng vị này cũng không thiếu những chỉ trích vì thường xuyên vắng mặt. Sau đó, ông tuyên bố rút khỏi chính trường. Dù hồi sinh UAP hồi tháng 10-2018, nhưng người sở hữu khối tài sản trị giá 2,6 tỉ AUD đã vận dụng kỹ năng quảng cáo rầm rộ mang phong cách của ông Trump, mà gần đây là đưa ra tuyên bố mạnh miệng rằng UAP “sẽ giành chiến thắng” trong cuộc bầu cử.

Palmer đang đánh cược rằng nhiều người dân Úc mệt mỏi với các đảng lớn và đang tìm kiếm một sự thay thế khả thi.  Dù vậy, giới phân tích nhận thấy tổ chức chính trị của ông Palmer không “có cửa” giành thậm chí chỉ là một ghế tại Hạ viện 151 ghế- nơi mà một đảng phải có được 76 ghế để thành lập chính phủ. Giáo sư John Wanna tại Đại học Quốc gia Úc nhận định các chính sách dân túy của UAP, bao gồm cắt giảm thuế, tăng lương hưu và cách tiếp cận thương xót những người muốn tị nạn, hoàn toàn không khớp với bên tả lẫn bên hữu trong môi trường chính trị Úc. Trong khi đó, các cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Palmer dường như giảm dần khi ngày bầu cử cận kề. Còn theo nhà nghiên cứu bầu cử Paul Williams, lời lẽ khoa trương của ông Trump rót vào tai cử tri Úc quá nhiều rồi, nên họ cũng không thích sự “Mỹ hóa” này nữa.

UAP còn có một bất lợi khác là cương lĩnh tranh cử của họ chỉ vỏn vẹn 177 từ. Rất hiếm thấy một đảng phái chính trị đưa ra ít thông tin như thế. 

THANH BÌNH (Theo AFP, ABC) 

Chia sẻ bài viết