09/10/2012 - 19:42

“Điểm nghẽn” trong hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Bộ Tiêu chí quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được xem là "kim chỉ nam" trong quá trình XDNTM đối với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, Bộ Tiêu chí này cùng với Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM (20 tiêu chí) đã bộc lộ những điểm chưa hợp lý, gây lúng túng cho các địa phương trong việc lên kế hoạch thực hiện; quy trình, nguyên tắc để thẩm định những tiêu chí đã hoàn thành…

Gặp khó

Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM (Ban Chỉ đạo) Trung ương ban hành gồm 19 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm: quy hoạch; hạ tầng kinh tế-xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa-xã hội-môi trường và hệ thống chính trị. Đây là cơ sở giúp các tỉnh, thành triển khai thực hiện và đánh giá công tác XDNTM của từng địa phương. Ở TP Cần Thơ, để phù hợp với thực tiễn, Ban Chỉ đạo TP Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố ra Quyết định số 3589/QĐ-BCĐXDNTM ban hành Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM gồm 20 tiêu chí (bổ sung thêm tiêu chí 20 về cung ứng dịch vụ công).

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc xã hội hóa xây dựng chợ nhưng đến nay chợ Mỹ Khánh,
huyện Phong Điền còn khá “bề bộn” và chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư. 

Đến nay, TP Cần Thơ có 3 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 11 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí và 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các sở, ngành hữu quan và địa phương, một số tiêu chí như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, môi trường... chưa phù hợp. Đây là những nguyên nhân khiến công tác tổ chức thực hiện các tiêu chí XDNTM gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, bày tỏ: "Theo quy định, đối với đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xã phải có bề rộng mặt đường từ 3,5-4m. Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn nên địa phương rất khó vận động thực hiện đồng loạt, mà chỉ có thể thí điểm ở một số tuyến đường nhất định. Một bất cập khác là ở những nơi có nhu cầu mở rộng đường thì không có đất vì dân cư tập trung đông, trong khi những nơi khác có sẵn đất, thuận tiện mở đường thì nhu cầu lại không lớn". Nhiều ý kiến cho rằng, một số điểm bất cập trong các tiêu chí XDNTM khi áp dụng vào thực tế đã làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền ra dân và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các tiêu chí trong thời gian qua…

Việc hoàn thành các tiêu chí XDNTM không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn hướng đến nâng chất lượng sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía các địa phương, ở tiêu chí liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội như: quy định mỗi xã có 1 chợ diện tích 3.000m2 đạt chuẩn, mỗi ấp phải có 1 nhà văn hóa, nghĩa trang… là chưa hợp lý. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Hiện nay, huyện Phong Điền đang vướng ở 2 tiêu chí: nhà văn hóa và chợ nông thôn, do cần quỹ đất và nguồn vốn đầu tư lớn. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, thành phố và địa phương khó có thể phân bổ vốn đầu tư mà chỉ có thể kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, đến nay, các DN vẫn không mấy mặn mà tham gia do chưa thấy lợi nhuận sau đầu tư…".

Đâu là giải pháp?

Theo Ban Chỉ đạo thành phố, mỗi địa phương mang đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tiềm năng kinh tế - xã hội… Do đó, việc vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và từng bước điều chỉnh để có một bộ tiêu chí phù hợp là điều cần thiết. Nhằm tạo điều kiện cho 36 xã trên địa bàn TP Cần Thơ sớm hoàn thành 20 tiêu chí, thành phố đã đề nghị Trung ương điều chỉnh, sửa đổi một số tiêu chí và điều chỉnh Thông tư hướng dẫn đối với bộ, ngành có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Các tiêu chí được đề xuất điều chỉnh gồm: giao thông (tiêu chí số 2), thủy lợi (tiêu chí số 3), cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6), chợ nông thôn (tiêu chí số 7), thu nhập (tiêu chí số 10), môi trường (tiêu chí 17).

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn lớn, Ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu các địa phương cần năng động trong mời gọi đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, nhân dân nhằm đẩy mạnh nguồn lực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cho các xã, nhất là các xã điểm của huyện, thành phố. Theo bà Hoàng Kim Cương, thời gian qua, liên kết xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" trên địa bàn huyện đã mang lại kết quả bước đầu trong việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Do đó, ngành nông nghiệp huyện xác định sẽ tiếp tục lồng ghép nhiệm vụ XDNTM với hoạt động ngành. Bà Hoàng Kim Cương, cho rằng, thành công của mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" không những góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn tạo đà trong việc vận động đóng góp XDNTM…

Đến nay, Trung ương vẫn chưa có văn bản chính thức về việc điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện vùng, miền, nên việc chỉ đạo thực hiện XDNTM của TP Cần Thơ vẫn còn hạn chế. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Trong khi chờ những điều chỉnh về mặt chính sách từ Trung ương, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP) và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn (Nghị định 61/2010/NĐ-CP) để XDNTM. Ngoài ra, khi tiến hành các dự án, chương trình ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của người dân, các địa phương cần vạch ra lộ trình đầu tư cụ thể, phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong dân. Đây là điểm mấu chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành các tiêu chí đúng mục tiêu đề ra ban đầu…".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết