Sau hơn 1 tháng tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 9, triển lãm với chủ đề “Đi qua cuộc chiến” đã đón hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu. Những câu chuyện đời thường được thể hiện trong triển lãm, giúp thế hệ hôm nay càng hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống trong hòa bình, trân trọng hy sinh của thế hệ cha, anh, vững tin vào nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Những câu chuyện cảm động
Theo chia sẻ của Đại tá Phan Hồng Thanh, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9, lấy ý tưởng từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh một số địa phương xây dựng được hơn 200 ảnh, tư liệu, hiện vật, gồm 3 chuyên đề chính: Ký ức nơi chiến trường, Khi cuộc chiến đi qua và Ước mơ. Theo từng chuyên đề là những câu chuyện của một số thương binh ở các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hậu Giang, Bến Tre, TP Cần Thơ… Đây là một phần rất nhỏ trong hàng ngàn câu chuyện của các thương binh trên khắp mọi miền Tổ quốc, được kể theo mạch hồi ức từ quá khứ đến hiện tại và những mong ước cho tương lai.
Triển lãm “Đi qua cuộc chiến” luôn thu hút mọi tầng lớp đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: ĐỨC QUANG
Thượng úy Néang Saly, nhân viên thuyết minh Bảo tàng Quân khu 9, cho biết, trong 3 chuyên đề chính, phần mở đầu “Ký ức nơi chiến trường” được nhiều người đón nhận với tình cảm thiêng liêng, cảm phục. Phần này có nhiều câu chuyện kể về ký ức của một thời anh dũng trong chiến đấu, khí thế lên đường nhập ngũ của lớp lớp thanh niên Việt Nam để chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Cùng với đó là những câu chuyện trên chiến trường ác liệt, tình quân dân, đồng chí, đồng đội, tình yêu thời chiến… và những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh.
Đơn cử như câu chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu. Năm 1948, ông xung phong đi bộ đội. Đêm 19- 9- 1950, ông được giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh vào lô cốt địch tại cứ điểm Đông Khê. Khi ôm quả bộc phá nặng 12kg đến nửa chừng, anh hùng La Văn Cầu bị thương và ngất lịm. Tỉnh lại, thấy cánh tay phải của mình lủng lẳng và vô cùng đau đớn, ông đã quyết định nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, đồng thời nhanh tay giật kíp nổ, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Không chỉ chiến đấu anh dũng trên chiến trường ác liệt, mà kể cả khi bị địch bắt tù đày, các chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung, không khuất phục trước những màn tra tấn dã man của kẻ thù. Câu chuyện về nữ thương binh Huỳnh Thị Kiểng, tại TP Cần Thơ là một minh chứng cho điều này. Năm 1967, bà Kiểng bị địch bắt khi đang làm giao liên. Sau khi dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc nhằm lấy lời khai bị thất bại, địch đã dùng dao chặt chân bà mà không dùng thuốc mê. Mặc dù chân bị cắt lìa khỏi thân thể, nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng, không khuất phục trước lưỡi dao xé thịt. Một tháng sau, chúng lại tiếp tục tra tấn bà. Lần này, bà cũng vẫn một mực không khai và chúng đã tiếp tục chặt chân bà lần thứ hai… Còn ông Hoàng Thức Bảo, ở TP Huế, khi bị thương trong vùng địch kiểm soát và xa trạm phẫu thuật quân y, đã tự cắt bỏ phần vỡ nát của chân mình. Khi về tới bệnh xá Quảng Điền, các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật cắt 1/3 chân, ông vẫn không một lời kêu than.
Đặc biệt, trong các cuộc chiến ác liệt ấy, vẫn ánh lên những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tình quân dân, tình yêu đôi lứa và niềm tin chiến thắng. Bà Lê Thị Thu Hạnh, ở TP Huế, không thể nào quên kỷ niệm khi làm hộ lý tại Đội điều trị 82. Với nhiệm vụ chăm sóc thương binh, hằng ngày, bà giúp họ vệ sinh cá nhân, đút cơm, cháo, thay băng, tiêm thuốc và giúp các bác sĩ mổ. Thậm chí có lần bà đã phải ngồi suốt cả đêm, lấy lưng mình cho một đồng chí thương binh ngồi tựa cho dễ thở.
Trong chiến tranh ác liệt, những người lính sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, xương máu vì tình yêu Tổ quốc, nhưng thẳm sâu trong tim họ vẫn nồng nàn tình yêu đôi lứa. Chuyện tình yêu của ông Huỳnh Phương Bá và vợ là bà Vương Thị Tiệng, TP Đà Nẵng, được giới thiệu trong trưng bày là câu chuyện thấm đượm tính nhân văn. Hiện nay, ông Bá vẫn giữ được hàng trăm bức thư mà vợ chồng ông đã gửi cho nhau trong thời chiến. Trong những lá thứ ấy, cả hai luôn dành cho nhau những tình cảm mến thương và đặc biệt là niềm tin vào chiến thắng của đất nước, động viên nhau sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do.
Trong những thương binh được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề lần này, có nhiều người đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Tiêu biểu như bà Trần Thị Bưởi ở TP Đà Nẵng. Không chỉ được gặp Bác Hồ, được Bác tặng hoa phong lan mà tên gọi của bà cũng do chính Bác đặt và bà luôn trân trọng điều này. Còn với ông Lê Thống Nhất, chiếc áo trấn thủ được Bác Hồ tặng, ông nâng niu như một báu vật, ông không dám mặc mà chỉ dám lồng vào bao gối để giữ gìn. Trung tướng Nguyễn Trung Thu, TP Đà Nẵng cũng là người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ và luôn khắc ghi lời dặn của Bác “Cố gắng học tập và nâng cao trình độ” để phấn đấu trong học tập và công tác.
Bài học cho các thế hệ
Có mặt tại Bảo tàng những ngày diễn ra triển lãm, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh TP Cần Thơ thường đi cùng những người bạn. Vừa tham quan, vừa trao đổi với nhau về những hình ảnh tư liệu, hiện vật, ông Hùng nói: “Những hình ảnh tư liệu, hiện vật rất quý giá, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là cách để giữ lửa truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tôi mong muốn có nhiều cuộc triển lãm như thế này”.
Ảnh: ĐỨC QUANG
Lật cho chúng tôi xem quyển sổ ghi cảm tưởng, Thiếu tá Hoàng Thị Tuyết, nhân viên thuyết minh Bảo tàng Quân khu 9, chia sẻ: “Mọi người không chỉ bày tỏ tình cảm qua lời nói mà còn bày tỏ qua những trang cảm xúc được ghi lại. Chúng tôi rất ấn tượng với những dòng chữ nắn nót, mượt mà của các bạn đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh, sinh viên và cán bộ, chiến sĩ”.
Cô giáo Nguyễn Lý Gia Nghi, Trường THPT Châu Văn Liêm bày tỏ: “Tuy triển lãm được tổ chức vào những ngày hè, nhưng chúng tôi vẫn sắp xếp thời gian để đến tham quan, tìm hiểu. Đây là điều kiện rất tốt để chúng tôi có thêm những tư liệu, làm phong phú thêm vốn kiến thức của bản thân trong việc giảng dạy môn học lịch sử cho các em”. Binh nhất Đoàn Văn Tuấn, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 29 xúc động: “Chúng tôi rất biết ơn và tự hào trước những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh dành cho đất nước. Đây sẽ là niềm tin để cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Còn bạn Mai Thị Yến Oanh, Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Cần Thơ, xúc động: “Câu chuyện tình yêu của bà Huỳnh Thị Kiểng và chồng là Nguyễn Văn Ngươn, vô cùng cảm động. Đặc biệt là lá thư ngày 17- 9- 1969, ông Ngươn viết: “…Anh và em yêu nhau trong cuộc đời non trẻ, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang diễn ra... Bây giờ, anh thì què, em thì đã cụt chân, không trực tiếp cầm súng chiến đấu được nữa. Như thế không có nghĩa là mất hết em ạ. Anh và em vẫn còn sống kia mà…”. Em thấy mình cần phải học tập tốt hơn nữa để sau này trở thành người có ích, đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.
Triển lãm “Đi qua cuộc chiến” giới thiệu về một thời hoa lửa chiến đấu anh dũng kiên cường, về những nỗi đau và khó khăn của những người thương binh trong cuộc sống đời thường cùng những ước mơ vừa bình dị vừa lớn lao. Chính câu chuyện của những thương binh “tàn mà không phế” giúp công chúng thấy rõ hơn giá trị của hòa bình để thêm trân trọng những hy sinh của các thế hệ cha anh và tự suy nghĩ rằng mình phải làm gì và làm như thế nào để phát huy truyền thống đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
ĐỨC QUANG