Đến cuối tháng 11-2017, nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ mía nguyên liệu. Giá đường cát đang ở mức thấp. Các nhà máy đường thấp thỏm, bấm bụng mua mía nguyên liệu ở giá ổn định hòng duy trì vùng mía nguyên liệu ngày càng giảm.
Áp lực ngày càng đè nặng lên ngành mía đường trong quá trình hội nhập
Thấp thỏm mía chạy lũ
Những ngày này, hàng ngàn nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch hơn 2.000ha mía chạy lũ. Ông Điền Văn Bảnh, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp thở phào khi vừa bán xong 2 công mía giống ROC 16 với giá 1.000 đồng/kg. “Nước lũ vừa bò lên chân mía, cũng may thương lái kịp thời mua nên phần nào đã an tâm”, ông Bảnh cho biết.
Nhiều gia đình ở xã Phương Bình trước đó phải bán mía với giá 850 đồng/kg để chạy lũ. “Với giá đường đầu vụ năm nay đang ở mức 13.500 đồng/kg, thấp hơn 2.500kg so với cùng kỳ các nhà máy đang chịu nhiều áp lực. Giá mía nguyên liệu tại rẫy hiện dao động từ 950-1.050 đồng/kg đối với giống mía ROC 16. Hiện ĐBSCL đã có 5 nhà máy đường vào vụ ép nên số lượng thương lái có phần giảm so với cùng kỳ” - ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết.
Tỉnh Hậu Giang là nơi có mía nguyên liệu chín sớm nhất khu vực ĐBSCL. Hiện nông dân Hậu Giang đã thu hoạch được 6.700ha/10.700ha. Dù tình hình giá đường gặp nhiều khó khăn nhưng phía công ty Casuco vẫn duy trì giá mua tương đối cao để đảm bảo lợi nhuận, giúp nông dân tái tạo sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu. Thương lái mua mía tại liếp của nông dân ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang từ 1.050 - 1.100 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 200 đồng/kg. Thương lái ưa chuộng và mua giống mía ROC 16 và K 88-92. Đây là hai giống mía có chữ đường cao, thương lái mua nếu trên 10 chữ đường bán lại cho các nhà máy đường sẽ có chính sách cộng thêm giá.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay, các nhà máy đường vùng ĐBSCL (Vị Thanh, Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Bến Tre, Long Mỹ Phát), vùng Đông Nam bộ (Nhà máy đường Nước Trong) đã vào vụ sản xuất. Sản lượng ép đạt gần khoảng 350.000 tấn mía, sản xuất hơn 31.000 tấn đường.
Theo kế hoạch, niên vụ sản xuất đường 2017-2018, các nhà máy sẽ ép khoảng 15,17 triệu tấn mía nguyên liệu, sản lượng đạt 1,42 triệu tấn. Bộ NN-PTNT đã chỉ ra những yếu kém của ngành mía đường: Giống mía cho năng suất và chất lượng thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu. Quy mô và trình độ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện, việc đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường và khâu phân phối sản phẩm còn yếu.
Hình thành “các tập đoàn ngành đường”
Niên vụ 2017 - 2018 đã khởi động nhưng đang gặp nhiều khó khăn như: diễn biến bất thường về khí hậu, thời tiết ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía. Biến động thị trường, giá cả bất thường: giá đường trong nước liên tục giảm trong những tháng gần đây; tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vẫn phức tạp và chưa giảm đã tác động nhiều đến thị trường đường trong nước. Đặc biệt là đường tiêu thụ chậm, lượng tồn kho lớn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tồn kho đến cuối tháng 10 - 2017 (gồm của niên vụ 2016-2017 và sản xuất niên vụ 2017-2018) ở các nhà máy là 268.308 tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Tổ chức đường thế giới (ISO) đưa ra dự báo khá “u ám”: Cân đối cung - cầu đường thế giới niên vụ 2017-2018 dư khoảng 5 triệu tấn (niên vụ 2016/2017 thiếu 3,1 triệu tấn), nên giá đường khó có thể hồi phục, tiếp tục ở mức thấp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà thời hạn thực hiện cam kết Hiệp định thương mại các nước ASEAN (ATIGA) đang đến gần, ngành đường cần chuyển mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng mía và hiệu quả tổng hợp của ngành chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, hạ giá thành sản xuất để đủ cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế.
“Cần ra soát quy hoạch lại các vùng sản xuất mía nguyên liệu theo hướng phát huy lợi thế vùng. Chú trọng nghiên cứu - chuyển giao công nghệ để tiến đến chủ động cung cấp đủ giống cho năng suất, chất lượng cao. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hạ giá thành nguyên liệu mía. Trong đó, cần tổ chức lại hệ thống tiêu thụ đường nội địa, xây dựng hệ thống xuất khẩu, ngăn chặn hiệu quả đường nhập lậu. Đặc biệt là nâng cao năng lực chế biến, cơ cấu lại ngành đường, hình thành các tập đoàn, các công ty lớn trong đó có doanh nghiệp đầu tàu và các doanh nghiệp vệ tinh”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng