01/06/2024 - 07:12

“Chuyển đổi kép” đưa ÐBSCL phát triển bền vững 

Những năm gần đây, mục tiêu chuyển đổi số (CÐS) và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, 2 mục tiêu này thường được thực hiện riêng lẻ, chưa được kết nối đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế. Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các địa phương trong vùng cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược CÐS để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.

Nhân viên Công ty CP Cấp thoát nước TP Cần Thơ (CanThoWassco) thao tác quản lý mạng lưới cấp nước qua hệ thống SCADA.

Theo Cục CĐS quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, năm 2023, chỉ số CĐS quốc gia của Việt Nam dự báo đạt 0,75; chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần GDP. Tại ĐBSCL, quá trình CĐS đã mang lại những kết quả tích cực, với vị trí xếp hạng nhiều địa phương có sự cải thiện đáng kể. Đơn cử, năm 2022, TP Cần Thơ xếp thứ 5/63 tỉnh, thành (tăng 10 bậc so với năm 2021); Long An xếp thứ 11 (tăng 10 bậc so với năm 2021); Hậu Giang xếp vị trí thứ 17…

Với những lợi thế riêng có về lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề chuyển đổi xanh ở ĐBSCL đang được triển khai rầm rộ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu; khó thay đổi tập quán canh tác của người nông dân; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Để giải quyết các thách thức đặt ra đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện tích hợp giữa CĐS và chuyển đổi xanh để đưa nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Một trong những hướng đi cho các mô hình nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL đang được khuyến cáo là ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi giá trị nông sản để tạo ra những nông sản xanh, sạch và minh bạch. Ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee đề xuất 2 giải pháp: thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp. Trong đó, chú trọng ứng dụng các nền tảng công nghệ giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng, đơn vị phân phối, bán lẻ và đơn vị cung cấp đầu vào. Mặt khác, ông Phạm Văn Quân, cũng khuyến cáo doanh nghiệp để CĐS thành công cần: xác định bối cảnh (đánh giá hiện trạng và các yếu tố bên trong, bên ngoài có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp); xác định các thay đổi cần thiết trong mô hình kinh doanh và hoạt động để đạt được mục tiêu chiến lược; xác định các sáng kiến và xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết; xây dựng tài liệu đặc tả yêu cầu người sử dụng và lựa chọn nhà cung cấp.

Các chuyên gia cho rằng, để khai thác tiềm năng phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030” và “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Việt Nam  nói chung, ĐBSCL nói riêng cần có những biện pháp quyết liệt và nhanh chóng. Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng Ban vận động NET TO ZERO 2050 ứng phó biến đổi khí hậu, nhấn mạnh: “Các mô hình phát triển kinh tế bền vững hiện nay có thể kể đến như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mang tính bao trùm, liên kết ngành. Và để triển khai các mô hình kinh tế này đòi hỏi phải có các công nghệ hỗ trợ như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… Trong đó, các yếu tố công nghệ IoT đóng vai trò quyết định trong các hoạt động của tổ chức hướng đến phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Về phía các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tiếp cận kiến thức cơ bản về kiểm kê, lập báo cáo phát thải khí nhà kính và đưa ra lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn hỗ trợ cho phát triển bền vững”.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia, để quá trình “chuyển đổi kép” thành công như mong đợi, các địa phương vùng ĐBSCL cần đưa ra giải pháp hài hòa phát triển cả 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Có như vậy mới thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu CĐS tại các chương trình, chiến lược CĐS quốc gia, kế hoạch CĐS tại từng địa phương. Đối với chính quyền số, các tỉnh, thành phố cần áp dụng các giải pháp và chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua miễn, giảm phí, lệ phí và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; xây dựng kho dữ liệu cá nhân và triển khai biểu mẫu điện tử tương tác để giảm việc yêu cầu người sử dụng tải mẫu đơn về điền thông tin… Về kinh tế số, tập trung thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa; xây dựng mạng luồng quan trắc chất lượng môi trường phục vụ chỉ đạo, điều hành… Ở góc độ xã hội số, cần có giải pháp tăng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (85% trở lên); đảm bảo 100% hộ gia đình kết nối Internet băng rộng cáp quang; triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin theo chuẩn kỹ thuật…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết