04/06/2012 - 20:54

“Sức khỏe” doanh nghiệp

“Chìa khóa” tiếp cận vốn tín dụng

Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Tín Nghĩa (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: MINH HUYỀN 

Lãi suất cho vay đã giảm, trần lãi suất cũng được áp dụng trên 4 lĩnh vực với lãi suất ưu đãi 15%/năm gồm: nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Hiện các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã công bố nhiều gói cho vay lãi suất ưu đãi. Song, vấn đề còn lại là DN có chạm được ngưỡng lãi suất ưu đãi 14-16%/năm hay không phụ thuộc rất lớn vào “sức khỏe” của DN và uy tín đối với ngân hàng.

Ngân hàng đang thừa tiền

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 4-2012 là 40.950 tỉ đồng, tăng 0,57% so với cuối năm 2011. Trong đó dư nợ cho vay bằng VND chiếm 76,4%, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chiếm 23,6%; dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 79,3%, dư nợ cho vay trung - dài hạn chiếm 20,7% trong tổng dư nợ cho vay. Trong tổng dư nợ cho vay của các TCTD đến cuối tháng 4-2012 có 9,05% dư nợ có mức lãi suất cho vay dưới 15%/năm, lãi suất từ 15-17%/năm có 14,49%; có 24,71% dư nợ có lãi suất cho vay 17-19%/năm và đến 51,77% dư nợ có lãi suất cho vay từ 19%/năm trở lên. Điều này có thể thấy rằng, DN và người dân vẫn đang chịu mức lãi suất cao, dù nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay từ cuối năm 2011 đến nay.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Các NHTM trên địa bàn thành phố luôn sẵn sàng cho DN vay tiền. Chi nhánh NHNN cũng thường xuyên giám sát các hoạt động cho vay, huy động tiền gửi của các TCTD. Song, DN vẫn kêu khó tiếp cận vốn, lãi suất cao, hạn mức cho vay thấp. Trong chuyến tháp tùng cùng lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của DN trên địa bàn mới đây cho thấy thực tế là một số DN vốn chủ sở hữu thấp, nhưng lại vay vốn sản xuất, kinh doanh vượt gấp mấy lần vốn điều lệ. Trong khi đó, đầu ra sản phẩm của những DN này đang gặp khó trên thị trường. Do vậy, những DN này đặt vấn đề vay vốn thì phía các NHTM cũng rất cân nhắc, vì sợ kinh doanh rủi ro, DN khó trả được nợ”. Ông Ngọc cho rằng, các NHTM cũng là DN, nên việc cân nhắc cho vay vốn là điều tất yếu và việc thiếu minh bạch tài chính của các DN nhỏ và vừa cũng là nguyên nhân làm cho DN tiếp cận vốn khó. Hiện nay, NHNN chi nhánh Cần Thơ đang tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho 4 lĩnh vực ưu tiên (Thông tư số 14/2012/TT-NHNN) áp trần lãi suất cho vay 15%/năm là nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề là DN phải có “sức khỏe” tốt, đầu ra sản phẩm tốt, đảm bảo khả năng trả nợ sẽ được các ngân hàng gia hạn nợ phù hợp với nguồn trả nợ của DN.

Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, các NHTM trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai các chỉ đạo của NHNN về việc gỡ khó cho DN vay vốn. Việc thống kê hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố khi lãi suất giảm thì NHNN chi nhánh Cần Thơ sẽ làm việc với 17 chi nhánh NHTM lớn trên địa bàn nắm tình hình và có hướng giải quyết cụ thể thời gian tới.

Nỗ lực gỡ khó cho DN

Tình trạng khó của DN lâu nay chủ yếu tập trung phần lớn vào khâu vốn, đầu ra của sản phẩm, nếu “ách” một trong hai khâu này sẽ làm cho sản xuất của DN đình đốn. Trong chuyến khảo sát tình hình hoạt động của một số DN thủy sản, DN vừa và nhỏ của lãnh đạo TP Cần Thơ và các ngành chức năng mới đây cho thấy muốn chữa “căn bệnh” mà DN đang mắc phải thì tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đơn cử như DN chế biến cá tra xuất khẩu, trước đây, DN mua cá tra nguyên liệu phần lớn là trả chậm, nhưng gần đây người nuôi cá muốn lấy tiền mặt, bởi họ sợ rủi ro khi bị DN chiếm dụng vốn. Rồi DN khi xuất khẩu cá tra lại bị đối tác nước ngoài chiếm dụng vốn (mua trả chậm)... Những vấn đề này làm DN thủy sản hụt vốn để quay vòng sản xuất. Nếu muốn ngân hàng cơ cấu nợ, gia hạn nợ thì DN phải chứng minh khả năng trả nợ khả thi trong thời hạn nhất định.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, các TCTD trên địa bàn đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về lãi suất và tín dụng. Ngoài việc triển khai Thông tư số 14, các TCTD đang thực hiện phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN (ngày 23-4-2012) của Thống đốc NHNN để cơ cấu lại nợ cho các DN đủ điều kiện quy định. Trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của các TCTD, thì TCTD sẽ xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành; nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động...”. Ông Ngọc cho rằng, với những giải pháp tín dụng này sẽ phần nào gỡ khó cho DN. Còn các DN phản ánh chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất 15%/năm chủ yếu là những DN chưa đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện của TCTD. “Sức khỏe” của DN chính là “chìa khóa” để DN tiếp cận vốn, giải quyết khó khăn thời điểm hiện nay.

Thêm vào đó, ngày 10-5-2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về “một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường”; đây được xem là một trong những giải pháp cứu cánh cho DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Nghị quyết này cũng là giải pháp tiếp nối các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6-4-2011, Quyết định 54/2011/QĐ-TTg về gia hạn nộp thuế thu nhập DN của DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động) nhưng có nhiều điểm mới. Quyết định số 21 và Quyết định số 54 chỉ gia hạn nộp thuế thu nhập DN đối với DN vừa và nhỏ (trừ số thuế thu nhập DN từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số kiến thiết, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) và DN sử dụng nhiều lao động, có hoạt động gia công, chế biến nông- lâm- thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, hoạt động thi công, xây dựng- lắp đặt công trình hạ tầng kinh tế- xã hội. Các DN gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ sẽ không được hưởng lợi từ gói giải pháp này. Còn Nghị quyết 13 ngoài việc gia hạn thêm 9 tháng đối với thời hạn nộp thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước của DN sử dụng nhiều lao động, DN nhỏ và vừa theo Quyết định 21 và Quyết định 54 còn mở rộng gia hạn nộp thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản của DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, lần này còn gia hạn nộp thuế với thuế gián thu thêm 6 tháng đối với thuế GTGT của tháng 4, 5 và 6-2012.

Theo Nghị quyết 13 của Chính phủ thì thống kê của Cục thuế TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.496 DN nhỏ và vừa sẽ được hưởng chính sách gia, giãn, giảm thuế. Theo Cục thuế TP Cần Thơ, ước tổng số thuế GTGT mà DN được gia hạn trong 3 tháng (4,5 và 6) là 178 tỉ đồng. Và thuế GTGT là thuế gián thu, không phụ thuộc vào việc DN lời hay lỗ, nên việc gia hạn thuế GTGT mang lại lợi ích cho 1.496 DN trên, có tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, có doanh thu đều được gia hạn nộp thuế với thời hạn chậm nhất đến ngày 20-11-2012 (đối với thuế GTGT của tháng 4-2012 và có 1.496 DN thụ hưởng); chậm nhất đến ngày 20-12-2012 thuế của tháng 5-2012 có 1.328 DN thụ hưởng; chậm nhất đến ngày 21-12-2013 thuế tháng 6-2012 có 1.446 DN thụ hưởng. Nếu triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi trên sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

SONG NGUYÊN

Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Tín Nghĩa (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: MINH HUYỀN 

Chia sẻ bài viết