Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, một bộ phận người dùng mạng xã hội đã đăng tải nhiều thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận. Để kịp thời định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ đã thành lập Tổ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 với nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của thành phố đến người dân nói chung và ĐVTN nói riêng. “Biệt đội” này còn đảm nhiệm trực đường dây nóng 1022 (nhánh 3) tiếp nhận phản ánh về chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cộng đồng và tổng hợp thông tin về tình hình xét nghiệm hàng ngày từ 321 đội lấy mẫu ở các quận, huyện.
Các thành viên Tổ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 đang tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Ảnh do Ban Tuyên giáo Thành đoàn cung cấp.
Mỗi ngày, fanpage “Tuổi trẻ Tây Đô” đăng tải từ 2-3 sản phẩm infographic hoặc poster nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung của các văn bản chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố về tình hình dịch bệnh. Các công cụ truyền thông này được thiết kế bằng nhiều hình ảnh minh họa, dễ nhìn, thông điệp được truyền tải ngắn gọn, súc tích, giúp người đọc dễ hiểu. Các sản phẩm truyền thông trên do các tình nguyện viên thuộc Tổ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 nghiên cứu, thiết kế.
Chị Nguyễn Bé Như, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: “Tổ thông tin chọn lọc những nội dung cốt lõi từ các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, thành phố, sau đó thiết kế thành infographic hoặc poster với thông điệp ngắn, hình ảnh minh họa sinh động nhằm tạo ấn tượng với người đọc. Các sản phẩm này trước khi đăng tải đều được Ban Tuyên giáo Thành đoàn thẩm định và xét duyệt”. Nhiều nội dung tuyên truyền được người dân rất quan tâm, như: Chỉ thị số 10/CT-UBND về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; một số quy định về xử phạt hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”… Các sản phẩm truyền thông này được Ban Tuyên giáo Thành đoàn cung cấp cho cơ sở Đoàn làm công cụ tuyên truyền, phổ biến cho ĐVTN. Bên cạnh đó, Tổ thông tin cũng tăng cường đăng tải các thông tin hoạt động phòng, chống dịch, các hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo chị Như, Tổ thông tin được thành lập từ ngày 8-8 với 11 tình nguyện viên và 4 cán bộ Thành đoàn. “Biệt đội” không chỉ có nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tình hình dịch bệnh, mà còn trực các đường dây nóng 1022 (nhánh 3), tiếp nhận phản ánh của người dân về công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Anh Lý Gia Thịnh, thành viên Tổ thông tin chia sẻ: “Các thành viên trong tổ chia nhau trực đường dây nóng, đảm bảo 24/24 giờ, ghi nhận ý kiến người dân, làm cơ sở để Ban Thường vụ Thành đoàn báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố”. Từ ngày 9-8 đến ngày 18-8, Tổ đã tiếp nhận 27 cuộc gọi từ người dân phản ánh xoay quanh các nội dung công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cộng đồng ở một số nơi còn chưa chuẩn bị chu đáo, như: chưa bố trí chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách an toàn, không phân chia thời gian lấy mẫu dẫn đến tập trung đông người. Các ý kiến được Tổ tổng hợp và báo cáo về cấp trên, sau đó được khắc phục, tạo sự đồng thuận của người dân.
Gia Thịnh kể, có hôm nhận cuộc gọi lúc nửa đêm hoặc từ 4-5 giờ sáng, có gia đình đều là F0 nhưng điều trị ở 2 bệnh viện khác nhau, nhờ hỗ trợ chuyển viện để thuận lợi hơn. Cũng có trường hợp cần hỗ trợ thức ăn khẩn cấp, đều được Tổ hướng dẫn kịp thời. Chị Nguyễn Bé Như cho biết: “Với trường hợp điều trị F0, Tổ sẽ chuyển sang nhánh số 2 của đường dây nóng để tư vấn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phân tích về việc phân tầng điều trị theo mức độ của bệnh nhân để người dân hiểu rõ và đồng thuận. Còn các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, chúng tôi tiếp nhận và phản ánh về địa phương để giúp đỡ kịp thời, không để bà con thiếu thực phẩm”. Ngoài ra, Tổ thông tin còn phụ trách cập nhật thông tin về kết quả lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ 321 đội hình ở 9 quận, huyện.
Tuy áp lực công việc cao, nhưng các thành viên đều hăng hái, nhiệt tình hỗ trợ nhau. Chị Nguyễn Bé Như chia sẻ: “Các thành viên của Tổ làm việc nhiều ngành nghề khác nhau, người làm doanh nhân, bạn trẻ đang khởi nghiệp, có bạn là sinh viên nhưng tựu trung đều mong muốn được góp sức nhỏ để thành phố trở lại cuộc sống bình thường”. Điển hình như Đồng Thái Trâm Anh, một startup trẻ ở quận Ninh Kiều, rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện phòng, chống dịch COVID-19. Trâm Anh từng tham gia nhiều đội hình: trực kiểm soát y tế, hỗ trợ tiêm vaccine. Từ ngày 9-8 đến nay, Trâm Anh là thành viên Tổ thông tin. Trâm Anh bộc bạch: “So với những hiểm nguy mà lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm đương đầu để phòng, chống dịch bệnh thì chút sức lực của mình chẳng là bao. Tôi chỉ mong sao được góp sức giúp thành phố đẩy lùi dịch bệnh để các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ tuyến đầu chống dịch được trở về bên gia đình, còn người dân được sống trong môi trường an toàn, không còn lo sợ”.
Có thể thấy, giữa “ma trận” tin giả trên mạng xã hội, thì việc ra đời Tổ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giúp bạn trẻ tiếp cận thông tin chính thống, chung sức, đồng lòng cùng các cấp, các ngành đẩy lùi dịch bệnh.
QUỐC THÁI