03/12/2024 - 16:07

Sống nhờ than

Không còn ai nhớ chính xác làng nghề hầm than đước ở xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có từ năm nào. Nhưng với những chủ lò than thâm niên nhất ở đây thì bảo rằng, ngót hơn 50 năm qua, bao gia đình nơi đây khấm khá nhờ than.

Sống nhờ than

Nhớ ngày mới chập chững vào nghề của hơn 50 năm trước, ông Đinh Văn Biết (ông Mười Biết), ấp Đông An 2A, xã Tân Thành, kể: “Hồi trước năm 1975, ở đây toàn làm ruộng, đất trũng nên làm lúa chỉ đủ ăn. Tui có 2 đứa em vợ theo người ta học nghề hầm than ở Sóc Trăng, bán buôn cũng được, nên tui học theo. Ban đầu tui xây 1 cái lò nhỏ, đốt lần chỉ 10 thước củi đước. Củi đước mua ở miệt Cà Mau chở ghe về đây. Lúc ban đầu, hầm gần 2 tháng trời mới dở than, khi thì than chín được 2/3, khi chỉ có một nửa chín. Nhưng được cái là làm có lời, từ từ mình rút kinh nghiệm trong chuyện chụm lửa. Rồi bén duyên từ đó. Sau năm 1975, tui xây thêm 2 lò than nửa, rồi theo nghề tới bây giờ. Làm nghề nào quen nghề đó, giờ tui cũng có 2ha vườn cây ăn trái, nhưng vẫn đeo nghề than”.

Ông Mười Biết là một trong 3 chủ lò than đầu tiên ở làng than Tân Thành. Trải qua bao thăng trầm thời gian với nghề hầm than, ông Biết giờ đã có 9 lò than, mỗi lò có thể chất đến 100 thước củi đước. Trung bình một tháng có 4 lò than chín, mỗi lò cũng hơn 20 tấn than. Trước đây, thương lái đến các lò mua than chủ yếu đi dọc từ sông Cái Lớn rồi vào sông Cái Côn, còn bây giờ đã có đường bộ cho xe lớn vào. Để thuận cho việc buôn bán, ông Mười Biết cũng là chủ lò than đầu tiên nơi đây đầu tư hẳn đường vào lò than cho cả xe container vào cất hàng.

Sống nhờ than

Thực hiện: A.Chi-G.Bảo-Q.Hùng

Trong câu chuyện về nghề hầm than của ông lão 85 tuổi ấy là câu chuyện đời, ông kể về những gia đình ở Đông An 2A vất vả với ruộng lúa, thu nhập bấp bênh. Rồi cuộc chuyển đổi nghề từ trồng lúa sang hầm than rầm rộ hơn khi làng than hình thành với hàng trăm lò dọc sông Cái Côn, sức sống ở làng quê đổi khác hẳn. Có nhà làm than phất lên, cho con cái ăn học thành tài, nhà mua thêm đất, sắm xe hơi… Riêng ông có tới 3 đứa con nối nghiệp, dù nghề than vất vả nhưng ông vui vì có người kế nghiệp. “Tụi nó cũng nhờ than mà khá giả lên. Nhà đứa nào cũng có xe hơi” - ông Mười Biết nói.

Theo ông Mười Biết, có thời gian ngành chức năng địa phương và các nhà khoa học xuống vận động cải tiến công nghệ đốt để giảm bớt khói, bụi than, để không làm ảnh hưởng đến những vườn cây ăn trái và sức khỏe người dân. Nhưng bắt tay vào thực hiện khó, có lúc than không chín đều nên lại quay về với chụm lò truyền thống. Một mẻ than hầm mất tầm 45 ngày đốt lò, rồi thêm 15 ngày bế lò để than nguội. Trung bình 1,5 đến 2 tháng sẽ có than ra lò bán cho thương lái, tùy lò lớn nhỏ. Than ở làng than Tân Thành được thương lái và doanh nghiệp dến tận nơi đặt mua để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Sống nhờ than

Sống nhờ than

Cưa củi đem vào lò than, công đoạn này cần khoảng 10 người.

Ông Trần Hoài Hận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thành cho biết, nghề hầm than xuất hiện trên địa bàn xã Tân Thành từ rất lâu. Sau thời gian hình thành và phát triển, đến nay xã có khoảng 350 lò than đang hoạt động. “Nghề hầm than đã giúp nhiều gia đình khấm khá, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Nhiều gia đình nhờ than mà nuôi con ăn học thành tài, với đủ nghề, như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên và có em trở về trở về quê hương công tác” - ông Hận cho biết.

Những chủ lò than ở xã Tân Thành cho biết, hầm than có năm lời, năm lỗ tùy giá cả thị trường nhưng được cái thu nhập từ than cao hơn ruộng, vườn, nên than vẫn là lựa chọn ưu tiên thời điểm hiện tại.

Sống nhờ than

Trong cuộc mưu sinh nhờ than hơn 50 năm qua ở làng than, có rất nhiều câu chuyện vui buồn và trăn trở để giữ nghề. Có nhiều người ngày nào không đến lò than là nhớ. Họ nhớ mùi hăng hắc cay nồng của than, nhớ cái nóng đỏ lửa những ngày đốt lò, nhớ những bữa cơm vội để kịp cưa củi chất vào lò. Vì nhớ nên họ quyết tâm giữ nghề, giữ lửa lò quanh năm.

Sống nhờ than

Những bữa cơm trưa vội tại lò than để kịp công việc chất củi vào lò.

Sống nhờ than

Công đoạn cắt củi đưa vào lò hầm cần đến 5 lao động. 

Ông Lê Hoàng Dũng (56 tuổi, ấp Đông An 2A, xã Tân Thành), người có thâm niên 40 năm trong nghề hầm than, kể: “Tui nối nghiệp hầm than từ ông già. Ở cái xóm này, làm than được truyền từ đời này sang đời khác. Tôi có 3 đứa con. Sau thời gian bôn ba đi làm công nhân thì tụi nó đều quay trở về đây, theo tôi đi làm than cho gần cha mẹ. Ở đất này, không còn sức khỏe nữa thì mới nghỉ làm than”.

Dù làm chủ 3 lò than, nhưng vì nghiện mùi than, nên cứ lò than nhà đang cháy, không có việc gì làm, ông Dũng lại cùng các con đi cất củi vào lò cho các chủ lò than trong xã Tân Thành. “Để ra một lò than mất hơn 45 ngày. Nên thời gian trống này, tui đi nhận mão vào lò hoặc ra than cho chú Mười Biết. Tôi nhận mão vào củi cho chú với giá 3,5 triệu đồng/lò. Tầm 1 ngày là chất xong lò 100 thước củi, với 10 nhân công. Ngày nào mà không làm việc, không ngửi được mùi khói than là tôi thấy bức rức không yên” - ông Dũng bộc bạch.

Sống nhờ than

Ông Lê Hoàng Dũng (người đẩy xe) dù làm chủ 3 lò than nhưng vẫn đi làm thuê vì nhớ mùi than.

Không chỉ ông Dũng, mà ông Mười Biết ở cái tuổi 85 nhưng ngày ngày ông vẫn từ nhà ra lò than vài lượt. Khi thì đi xem nhân công cửa củi, khi thì ra hỏi han, xem cơm nước của nhân công đã đủ đầy chưa. Ông nói, làng xóm quý nhau nhờ cái tình, cái nghĩa, lò than của ông lúc nào cũng đông nhân công. Trung bình một lò giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương. Ông nói khi nào hết đi nổi thì thôi, chứ còn đi được mà ngày nào không ra là nhớ.

Theo ông Đoàn Văn Bon (49 tuổi, xã Tân Thành), ở ấp Đông An và Đông An 2A, nhà nào có điều kiện kinh tế thì xây lò hầm than, còn không thì đi làm thuê cho các chủ lò. Từ lúc 15 tuổi, ông Bon bắt đầu đi làm thuê cho các chủ lò ở đây. Giờ tiền công mỗi ngày khoảng 400.000 đồng. “Dù cực nhọc nhưng được cái thu nhập ổn định, không gò bó về thời gian nên tôi bám trụ cho đến giờ. Làm riết cũng thành quen” - ông Bon tâm sự.

Sống nhờ than

Nghề than tuy vất vả, nhưng nhiều chị nữ vẫn xin làm than, với tiền công 350.000 đồng/ngày (ảnh: Châm nước vào bình để làm giảm nhiệt độ của máy cắt củi).

Theo ông Biết, hồi mới vào nghề, lò than của ông chỉ chất được 10 thước  củi đước. Từ 1 lò, rồi mở dần lên 3 lò và giờ là 9 lò, mỗi lò vô 100 thước củi. Ông kể, ban đầu đốt cả 2 tháng, mà than có khi chín 2/3, có khi được phân nửa chín. “Do ban đầu lò nhỏ, mình chất củi đứng, giờ lò lớn, củi chất nằm nên than chín đều hơn. Than chín đều hay không còn do người chụm. Mỗi lò có 2 người canh chụm lò. Có người không biết chụm, lửa tắt tới tắt lui. Nên họ ngủ phải có đồng hồ báo thức, cách 2 tiếng phải mồi củi cho lò, để lửa không tắt, than mới chín đều” - ông Biết nói.

Muốn biết than chín chưa thì phải nhìn củi thử than được chất ngoài cửa lò (khoảng 6-7 cây), rồi nhìn 4 ống khói của lò than. Theo ông Mười Biết, khi nào ống khói ở 4 góc lò bắt đầu lên meo (màu trắng) thì còn khoảng 1 tuần lễ nữa là có thể khép ống khói để chuẩn bị bế lò và chờ thêm 2 tuần cho than nguội.

Ở làng hầm than Tân Thành, ra than là công việc do đa số phụ nữ đảm nhận. Những khuôn mặt đen nhẻm, đôi bàn tay lắm lem vì bụi than, vất vả nhưng những nữ nhân công làm ở làng than bám trụ với lò than. Với những người ít ruộng đất, cuộc mưu sinh ở làng quê rất vui, rất hạnh phúc vì họ không phải đi xa tìm việc, vừa có thu nhập ổn định.

Sống nhờ than

Hiện tại, làng than Tân Thành vẫn đang thịnh, nhiều gia đình phất lên nhờ than và cũng hàng trăm lao động nông thôn dựa vào than trong cuộc mưu sinh. Song, trong định hướng phát triển tới của địa phương cũng có nhiều lo ngại về việc giữ lửa lò than, bởi các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường có thể ảnh hưởng ít nhiều đến làng than. Cuộc chuyển đổi là tất yếu của quá trình phát triển, nhưng với những chủ lò có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề, họ cho biết họ vẫn mong lửa lò vẫn tiếp tục cháy.

Sống nhờ than

 

Chia sẻ bài viết