17/09/2023 - 08:36

“Bạc màu áo ngự”
và những day dứt về phận người 

CÁT ĐẰNG

Tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của Lê Vũ Trường Giang đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục văn xuôi. Bằng cách đặt mình vào vị thế của nhân vật, tác giả nói hộ tâm tư, phức cảm cho những phận người nhỏ bé trong thời tao loạn. Tác phẩm mở ra cho người đọc những góc nhìn đa chiều về lịch sử.

Theo tác giả Lê Vũ Trường Giang, những điều bản thân đau đáu, khắc khoải về thân phận con người trong dòng chảy thời gian, dòng chảy của lịch sử qua những sự kiện, thăng trầm, biến cố là cảm hứng để viết nên “Bạc màu áo ngự”.

13 truyện ngắn được chia làm 2 phần: phần đầu là giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; phần sau là giai đoạn về các nhân vật, các triều đại thời phong kiến. Dù là viết về ai hay giai đoạn nào, những câu chuyện đều chan chứa cảm xúc, đầy những tâm sự và nỗi lòng của nhân vật.

Mở đầu với truyện “Tôn Nữ còn buồn”, tác giả đưa người đọc đến với Huế thời kỳ loạn lạc, bị thực dân Pháp chiếm đóng. Nhân vật tôi là chàng trai trẻ đang đi học, có cha già và người chị đảm đang, ngày ngày bán chè nuôi cha và em ăn học. Chiến sự nổ ra, chàng trai đi tìm chị trong đêm 30 Tết loạn lạc, để rồi đau khổ nhận ra chị mình bấy lâu làm nghề bán thân để nuôi mình. Gia đình tan tác, cha mất, chị gái không tung tích, chàng trai đi theo cách mạng. Nỗi đau của chàng trai luôn dằn vặt trong tâm trí, trong những cơn mơ, trong những câu hỏi không lời đáp, nó chỉ được giải tỏa và nguôi ngoai khi anh biết được sự thật về cái chết của chị mình… Tiếp nối mạch truyện đó là những nỗi buồn, những đau thương do chiến tranh gieo rắc, như cảm giác bất lực của chàng trai trẻ khi nhìn đồng đội lần lượt hy sinh trên chiến trường Khe Sanh khốc liệt, hay lúc về quê nhà hay tin người yêu đã đi lấy chồng (“Khi đàn sếu bay qua”)... Đặc biệt, với truyện “Từ bờ bên kia”, tác giả lột tả sâu sắc tâm trạng day dứt, đau khổ của một phóng viên chiến trường người Mỹ sau khi trở về từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những gì anh chứng kiến đã khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên suốt bao năm trời. Cuối cùng, anh can đảm đứng lên làm nhân chứng tố cáo tội ác chiến tranh, nộp lên tòa hàng trăm bức ảnh mình chụp lính Mỹ tàn sát hơn 500 thường dân vô tội ở Sơn Mỹ ngày 16-3-1968…

Bằng giọng văn từ tốn, đi sâu vào cảm nhận và tâm lý của nhân vật, Lê Vũ Trường Giang khắc họa chiến tranh và thời hậu chiến một cách khác biệt: bi thương nhưng không nhu nhược, ủng hộ chính nghĩa một cách nhân văn.

Viết về thời phong kiến, tác giả dùng những thủ pháp nghệ thuật, tính tường diễn sâu sắc của ngôn ngữ để “văn chương hóa” lịch sử, chủ yếu là lối kể tự sự cùng sự xen kẽ tầng bậc của không gian thời gian… khiến những câu chuyện vừa mang chất liệu thật của lịch sử, vừa pha một chút huyền hoặc… Chuyện về các vị vua mất nước Hàm Nghi, Bảo Đại hay về cuộc chiến tranh giành quyền lực trong triều giữa các phe phái, về những vị tướng, hầu cận trung thành, những giai thoại về các vị thần, các hồn ma… cứ thế cuốn hút người đọc qua từng trang sách. 

Khép sách lại, độc giả cảm nhận được đằng sau những trang viết đầy day dứt ấy là một khát vọng hòa bình, để rồi thêm trân quý những giá trị của cuộc sống yên ấm mình đang có ngày hôm nay.

Chia sẻ bài viết