Thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP Cần Thơ phát triển ổn định, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, nổi bật là việc phối hợp tuyển sinh, đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế phát triển thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp (DN).
Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn tổ chức đào tạo nghề điện lạnh cho người lao động.
Chủ động phối hợp, liên kết đào tạo
Phấn khởi nhận chứng chỉ sơ cấp tại lễ bế giảng lớp nghề tạo dáng, chăm sóc cây cảnh do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) quận Ô Môn liên kết Chi cục Kiểm lâm và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, chị Nguyễn Trần Quốc Khánh, chủ cửa hàng bán cây kiểng ở phường Châu Văn Liêm, nói: “Trong 45 ngày học, chúng tôi tiếp thu, học hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật về cây cảnh rất thiết thực, dễ ứng dụng. Lúc trước, tôi trồng cây kiểng theo kinh nghiệm và hướng dẫn trên mạng xã hội. Giờ tôi học có bài bản hẳn hoi, đúc kết kinh nghiệm chăm sóc, tạo dáng cây cảnh để bán dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.
Ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn, cho biết, năm 2024, Trung tâm đảm trách đào tạo 3 lớp sơ cấp trồng cây ăn trái và tạo dáng, chăm sóc cây cảnh, với trên 100 học viên các phường Thới An, Thới Long và Phước Thới. Qua khảo sát sau đào tạo cho thấy hầu hết học viên ứng dụng tốt kiến thức, kỹ thuật đã học vào thực tiễn. Anh Lê Văn Diễn, học viên lớp trồng cây ăn trái phường Thới Long, cho biết: “Tôi tâm đắc nhất những lưu ý về thời tiết, thời điểm thích hợp bón phân, tưới nước, để trái và diệt rầy triệt để. Tôi hy vọng năm sau sẽ thu nhập cao hơn nhờ vận dụng kỹ thuật trồng sầu riêng được học”. Bên cạnh đó, Trung tâm GDNN-GDTX quận liên kết tuyển sinh, đào tạo các nghề điện lạnh, pha chế cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; trung cấp công nghệ thông tin và tiếng Hàn; liên kết tuyển sinh hệ đại học ngành luật và ngôn ngữ Anh.
Bên cạnh hoàn thành đạt 103% kế hoạch tuyển sinh năm học 2024-2025, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai liên kết Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Thạnh tuyển sinh, đào tạo lớp trung cấp nghề điện công nghiệp, với 25 học sinh. Ðồng thời, liên kết đào tạo 10 lớp sơ cấp các nghề may công nghiệp, điện dân dụng, sửa xe gắn máy, hàn, cắt tóc cho 350 học viên Cơ sở cai nghiện ma túy TP Cần Thơ.
Trung tâm GDNN- GDTX quận Cái Răng liên kết Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ tổ chức đào tạo 3 lớp trung cấp nghề bảo trì và sửa chữa ô tô, dược, điện lạnh, với 76 học sinh. Ðồng thời, tổ chức bế giảng và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp cho 57 học sinh các nghề công nghệ thực phẩm, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp và dân dụng.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 60 cơ sở GDNN, có 1.060 nhà giáo đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và hạng chức danh nghề nghiệp. Trong năm 2024, các cơ sở GDNN đã tuyển mới và đào tạo 45.152 người, vượt 34% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo 83,5%, đạt 100% chỉ tiêu. Quy mô đào tạo của các cơ sở GDNN từ khoảng 45.000-50.000 người/năm, trong đó, các trường cao đẳng, trung cấp từ 10.000-11.000 người/năm. Song song đó, thành phố tổ chức một số hoạt động nổi bật như ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh GDNN và giới thiệu việc làm; hội thi thiết bị đào tạo tự làm thành phố; tham gia hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc tại tỉnh Quảng Ninh.
Chú trọng nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, năm 2024, lãnh đạo thành phố ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GDNN. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo được quan tâm đầu tư; chất lượng và hiệu quả GDNN đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN và thị trường lao động. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Lao động, Sở LÐ-TB&XH thành phố, các trường cao đẳng, trung cấp chú trọng phối hợp các DN trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) năm cuối. HSSV được thực hành, thực tập tại DN để rèn kỹ năng nghề nghiệp, trực tiếp tham gia quy trình sản xuất, kinh doanh; phối hợp rà soát, đánh giá, chỉnh sửa phù hợp chương trình đào tạo một số ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu các DN; chủ động trao đổi, thăm hỏi và giao lưu với các DN đã và đang hợp tác trong đào tạo, giải quyết việc làm cho HSSV. Ngoài ra, các cơ sở GDNN phối hợp các DN hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để có kế hoạch, ký kết đào tạo, tư vấn tạo nguồn lao động và cung ứng theo nhu cầu. Kết quả, tỷ lệ HSSV có việc làm sau đào tạo toàn thành phố bình quân đạt 75-80%; một số nghề hệ cao đẳng như cơ điện tử, công nghệ ô tô, hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn... tỷ lệ đạt trên 90%.
Thời gian tới, Sở LÐ-TB&XH thành phố tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc học nghề phù hợp; rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng của DN; nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực tay nghề cao các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn cho DN. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào các cơ sở GDNN để liên thông đào tạo; thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; khuyến khích các cơ sở GDNN mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.