29/08/2016 - 21:08

Thới Lai

“3 giảm, 3 tăng” đang phát huy hiệu quả

Nông dân Thới Lai tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa theo "3 giảm, 3 tăng" với nhiều cách khác nhau, trong đó đa số là thông qua các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp tổ chức, trao đổi kỹ thuật sản xuất trong các nhóm nông dân. Gần đây, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) còn phối hợp với huyện Thới Lai đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" cho nông dân địa phương, hướng nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa hàng hóa mang tính bền vững, tăng thu nhập và cải thiện đời sống...

* Đẩy mạnh tập huấn cho nông dân

Ông Đặng Văn Hiền, Trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Thới Lai, cho biết: Hiện nay, nhiều nông dân địa phương đã áp dụng giảm lượng giống gieo sạ, nếu như trước đây sạ khoảng 30 kg/công tầm lớn thì giờ chỉ còn khoảng 20 kg hoặc hơn một chút. Thuốc bảo vệ thực vật có giảm nhiều, qua các lớp tập huấn "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" nông dân đã biết được phun ngừa là không đúng, khi có sâu bệnh mới phun xử lý. Lượng phân bón nông dân cũng giảm so với tập quán cũ, qua thực tế sản xuất nông dân cũng thấy được bón nhiều phân lúa dễ đổ ngã và bệnh đạo ôn nên không còn lạm dụng. Nói chung, nông dân địa phương đã thực hiện "3 giảm, 3 tăng" tương đối tốt. Còn kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" do đặc điểm ở vùng này không thiếu nước và khi thu hoạch bán lúa tươi nên nông dân chưa quan tâm đến giảm lượng nước tưới tiêu và giảm thất thoát sau thu hoạch như kỹ thuật này hướng đến...

Nông dân ở ấp Thới Hòa B đã mạnh dạn áp dụng "3 giảm, 3 tăng" vào sản xuất lúa hiệu quả.

Áp dụng "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất lúa hàng hóa, nông dân giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón và nhất là phân Urê, lúa cũng ít sâu bệnh hơn, giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người nông dân và giảm ô nhiễm môi trường. Các kỹ thuật canh tác này đã góp phần giảm chi phí đầu vào đáng kể cho nông dân, qua đó giúp nông dân sản xuất lúa hàng hóa có lời hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn cho nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" hiệu quả hơn trong thời gian tới…

Theo Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Thới Lai, Dự án VnSAT đã phối hợp với huyện tổ chức 54 lớp tập huấn cho nông dân tham gia dự án trong 2 vụ lúa hè thu và thu đông 2016 về kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm; tổng cộng có 2.585 nông dân tham gia các lớp tập huấn này. Trong đó, vụ hè thu 2016 đã tổ chức được 15 lớp "3 giảm, 3 tăng" và 11 lớp "1 phải, 5 giảm". Còn vụ thu đông 2016 tổ chức 21 lớp "3 giảm, 3 tăng" và 8 lớp "1 phải, 5 giảm". Các nông dân tham gia lớp tập huấn được ôn lại các kiến thức về "3 giảm, 3 tăng", đồng thời cũng là dịp để các nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất thực tế, để có điều kiện đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong thời gian tới...

*Nông dân sản xuất hiệu quả hơn

Gặp nhóm nông dân ở ấp Thới Hòa B, xã Xuân Thắng, được biết nhiều người đã được tiếp cận kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" khá lâu thông qua các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp thành phố và địa phương tổ chức và đang áp dụng kỹ thuật này vào sản xuất hiệu quả. Theo ông Phan Văn Hội - đang sản xuất 3 vụ lúa/năm trên diện tích 1,3 ha, vùng này bắt đầu sản xuất lúa 3 vụ/năm kể từ khoảng năm 1994. Trước đây, sản xuất theo tập quán cũ ông gieo sạ mật độ rất dày, khoảng 30 kg hoặc hơn cho 1 công tầm lớn. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" vào khoảng năm 2006 được tổ chức tại địa phương, ông bắt đầu chuyển dần qua sản xuất theo "3 giảm, 3 tăng". Đến nay, ông chỉ còn gieo sạ khoảng 13 kg/công tầm lớn, giảm lượng giống hơn phân nữa so với trước. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật, ông cũng giảm lượng phân bón từ khoảng 60 kg xuống còn 50 kg/công/vụ. Thuốc bảo vệ thực vật hiện nay muốn phun cũng phải căn cứ vào tình hình sâu bệnh thực tế chứ không còn phun ngừa, đồng thời tăng cường thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời... Ông Hội cho biết thêm: "Vùng này đất manh mún nên nông dân rất cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất cao, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nếu áp dụng triệt để kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" như ông đang làm (có sổ ghi chép trong quá trình sản xuất) có thể giảm được chi phí 30-40%, còn năng suất từ bằng đến hơn so với tập quán cũ. Vụ hè thu 2016, với 1,3 ha ông thu hoạch được 7,5 tấn (giống lúa RVT), bán với giá 5.300 đồng/kg được gần 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 15 triệu đồng...".

Nhóm nông dân ở ấp Thới Hòa B cũng đã được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" do Dự án VnSAT phối hợp với địa phương tổ chức trong vụ hè thu 2016. Ông Phan Văn Nhiên, đang canh tác 1 ha, cho biết: Ông tiếp cận kiến thức về "3 giảm, 3 tăng" cách nay khoảng 3 năm, cũng thông qua học lớp tập huấn về kỹ thuật này được tổ chức tại địa phương. Vừa qua, được tham gia lớp tập huấn "1 phải, 5 giảm", ông được ôn lại kiến thức cũng như cập nhật thêm tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất tốt hơn. Trước đây, ông sạ dày lên đến 250-300 kg/ha, nhưng giờ đã giảm xuống chỉ còn 130 kg/ha đối với vụ lúa đông xuân, hè thu thì 140 kg. Phân bón giờ cũng giảm khoảng 10-12 kg/công/vụ, chỉ còn khoảng 50 kg/công tầm lớn. Thuốc bảo vệ thực vật giờ nhiều lắm chỉ phun xịt 4 lần, giảm 2-3 lần/vụ so với trước. Nhờ tiết kiệm được chi phí, vụ hè thu vừa qua, với 1 ha sau khi trừ chi phí ông còn lời hơn 7 triệu đồng… Nông dân Trần Văn Thông, mới tham gia lớp tập huấn "1 phải, 5 giảm", cũng cho biết: Đất nhà ít với 5 công tầm lớn. Vụ hè thu vừa rồi được tiếp cận kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", ông về cũng mạnh dạn áp dụng trên đất nhà, sạ thưa hơn với 20 kg/công tầm lớn, giảm phân 5kg/công, phun thuốc cũng ít lại. Tính ra làm theo kỹ thuật mới giúp ông giảm chi phí khoảng 200.000 đồng/công, khoảng 1 triệu đồng với 5 công trong vụ lúa hè thu vừa qua.

Theo nhiều nhà nông, áp dụng "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" hiện nay vẫn còn một số khó khăn, nhất là đất không bằng phẳng nên không thể gieo sạ quá thưa như khuyến cáo của quy trình này, của các nhà khoa học. Ngoài ra, nhân công phục vụ gieo sạ kéo hàng đang thiếu nên nông dân cũng không thể sạ hàng. Để đẩy mạnh áp dụng "3 giảm, 3 tăng" vào sản xuất trong thời gian tới, nông dân ấp Thới Hòa B cũng kiến nghị Nhà nước có giải pháp ngăn chặn tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trên thị trường; các công ty hỗ trợ đưa phân bón, thuốc đến nông dân với giá gốc, đảm bảo chất lượng. Đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay, bởi nông dân sản xuất gặp phải tình trạng phân, thuốc kém chất lượng sẽ không thể trúng mùa, bội thu…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết