26/01/2010 - 13:40

Xung quanh kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng của ông Obama

Bank of America của Mỹ. Ảnh: AFP

Sau một thời gian trì hoãn, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21-1 vừa qua đã đưa ra một số kiến nghị liên quan đến cam kết quản lý các hoạt động của hệ thống ngân hàng nhằm tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như cách đây 2 năm. Đề xuất của ông Obama đã nhận được sự ủng hộ của các nhà quản lý tài chính quốc tế, nhưng lại làm cho thị trường chứng khoán không chỉ tại Mỹ mà cả châu Âu và châu Á một phen chao đảo. Vì sao lại như vậy?

Theo đề xuất của ông Obama, các ngân hàng sẽ bị khống chế quy mô tài chính nhằm ngăn ngừa nguy cơ “càng to càng dễ đổ vỡ”, đồng thời hoạt động “thương mại hóa quyền sở hữu tài sản chung” của các nhà đầu tư và khách hàng cũng bị thu hẹp. Kiến nghị của Tổng thống Mỹ đã nhận được sự hoan nghênh của Liên minh châu Âu (EU) và Ban ổn định tài chính (FSB) quốc tế do nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thành lập năm 2009. Chủ tịch FSB, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Ý Mario Draghi, cho rằng các đề xuất của ông Obama là một phần trong các biện pháp mà FSB đang xem xét nhằm hạn chế hiểm họa xảy ra khi các thể chế tài chính khổng lồ sụp đổ. FSB có kế hoạch thu thập báo cáo về các biện pháp quản lý ngân hàng sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Canada vào tháng 6 tới và sau đó sẽ chính thức công bố trong tháng 10-2010.

Hiện tại, các quan chức tài chính của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã gặp nhau tại Luân Đôn (Anh) từ hôm qua (25-1) để thảo luận các biện pháp kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có đề xuất mới của Tổng thống Obama. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ, trong vòng 5 năm qua, số lượng những khoản cho vay cầm cố không được kiểm soát và các hình thức tín dụng khác mà các ngân hàng quản lý từ nguồn vốn đầu tư của các nhà tài chính trên quy mô toàn cầu đã tăng gấp 5 lần giá trị, từ 100.000 tỉ USD lên 516.000 tỉ USD. Nếu không quản lý chặt hoạt động cho vay khổng lồ này, bóng ma về sự sụp đổ của các hệ thống ngân hàng toàn cầu như đã xảy ra là khó tránh khỏi. Còn tại Mỹ, tổng giá trị tài sản của các ngân hàng khoảng 13.000 tỉ USD, gần bằng GDP của nền kinh tế, với các khoản cho vay lên tới 7.740 tỉ USD và mức lợi nhuận trước thuế 200 tỉ USD.

Nền kinh tế trị giá 13.800 tỉ USD của Mỹ rõ ràng đang lệ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng đang hoạt động tại nước này. Thế nên, việc chính phủ muốn quản lý các hoạt động của ngân hàng là điều cần thiết, song các thế lực tư bản hùng mạnh phát triển trên quy mô toàn cầu này không dễ dàng bị khuất phục. Ngay sau khi kiến nghị của ông Obama được đưa ra, hàng loạt giá trị cổ phiếu của các ngân hàng lớn như Bank of America giảm 6,2%, JP Morgan Chase mất 6,6%. Hầu hết thị trường giao dịch chứng khoán tại châu Âu, châu Á cũng giảm theo. Sự mất giá này được coi là phản ứng không đồng thuận của các ngân hàng đối với sáng kiến của ông Obama. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng vấn đề của hệ thống ngân hàng Mỹ nên bắt đầu từ hạn chế quyền của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và cá nhân Chủ tịch Ben Bernanke, người mà ông Obama đang có “lòng tin tuyệt đối” để trao thêm một nhiệm kỳ điều hành nữa. Đảng Cộng hòa phê phán vai trò điều hành của Ben Bernanke, cho rằng FED dưới sự lãnh đạo của ông đã không làm tròn trách nhiệm, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ từ năm 1929 đến nay.

PHÚC GIA AN
(Theo AFP và Le Monde)

Chia sẻ bài viết