Sự kết nối, phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giúp các ngành địa phương, doanh nghiệp xây dựng và điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu. Tại hội nghị tháng 8-2022, do Bộ Công Thương chủ trì, nhiều thông tin về các quy định mới, cơ hội thị trường từ hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu đã được cập nhật...
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND thành phố với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhằm trao đổi
các hoạt động hợp tác.
Kịp thời, hiệu quả
Chuỗi Hội nghị tạo ra kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất giữa các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị chức năng Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước. Mục tiêu của chuỗi hội nghị là giúp hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, 8 tháng năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế của nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỉ USD.
Là cơ quan đầu mối, Sở Công Thương TP Cần Thơ luôn theo dõi, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các Thương vụ tại nước ngoài nhằm thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Ðặc biệt, thường xuyên theo dõi tình hình khôi phục hoạt động cũng như triển khai kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu biết và thực hiện có hiệu quả. Chủ động đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương những giải pháp tháo gỡ khi có những tác động không thuận lợi ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu trực tuyến hoặc trực tiếp giữa các doanh nghiệp Cần Thơ và các doanh nghiệp nước ngoài... như kết nối doanh nghiệp tham gia đoàn công tác sang Nam Phi; đoàn giao dịch thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Nam Phi; tham gia chương trình học tập và khảo sát thực tế tại nước ngoài… Theo Sở Công Thương thành phố, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP Cần Thơ ước thực hiện gần 1.542 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 66,78% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.203,65 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế lớn, đặc biệt là kinh tế Mỹ, suy giảm tăng trưởng có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ở góc độ nhiệm vụ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, thực trạng này đang đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Hỗ trợ xây dựng chiến lược
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đề xuất, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất. Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia.
Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Panama, thông tin, Hội doanh nghiệp đang đóng tại Khu tự do thương mại Co-lon của Panama đặt vấn đề muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ðồng thời muốn tìm nhà cung ứng về may mặc, giày dép bán tại Khu thương mại tự do Co-lon. Theo Thương vụ Việt Nam tại Ðài Loan, nhiều doanh nghiệp của Ðài Loan cũng muốn chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, đang tìm địa phương nào tại Việt Nam có chính sách hỗ trợ tốt để đầu tư và tổ chức đoàn sang Việt Nam.
Ðại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Ðộ, cho biết, điểm sáng trong công tác xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Ấn Ðộ là tháng 8-2022, Thương vụ đã phối hợp tổ chức đoàn xúc tiến thương mại của Ấn Ðộ sang Việt Nam, trong đó 40 ông chủ doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã sang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác. Tháng 9-2022, Thương vụ sẽ phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Ấn Ðộ tổ chức đoàn cho các ông chủ doanh nghiệp Ấn Ðộ tham dự sự kiện lớn ở Bình Dương. Về thị trường Ấn Ðộ, tháng 9 sẽ có một số sự kiện xúc tiến thương mại liên quan tới lĩnh vực thực phẩm. Doanh nghiệp quan tâm liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Ðộ để được hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ tham dự...