30/10/2022 - 20:04

Xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ tăng mạnh 

TRÍ VĂN

Ấn Ðộ vừa tổ chức Triển lãm Quốc phòng DefExpo lần thứ 12 tại bang miền Tây Gujarat. Với chủ đề “Con đường dẫn đến tự hào” và được tổ chức dựa trên 2 chiến lược “Make in Ấn Ðộ” và “Ấn Ðộ tự cường” do Thủ tướng Narendra Modi khởi sướng, triển lãm không chỉ trưng bày các sản phẩm công nghệ quốc phòng hiện đại của Ấn Ðộ mà còn là dịp để New Delhi tạo dựng quan hệ đối tác với các nhà sản xuất quốc phòng trong nước cũng như toàn cầu.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ phối hợp phát triển. Ảnh: Asia Times

Theo tờ Asia Times, triển lãm thu hút sự tham gia của 1.340 công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Ðộ cũng như nhiều công ty khác đến từ 75 nước, qua đó dẫn đến việc ký kết ít nhất 450 biên bản ghi nhớ. Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm hôm 18-10, Thủ tướng Modi tiết lộ rằng xuất khẩu quốc phòng của Ấn Ðộ đã tăng gấp 8 lần trong vòng 8 năm qua và New Delhi hiện xuất khẩu vật liệu và thiết bị quốc phòng tới hơn 75 nước, khiến nhà lãnh đạo quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu xuất khẩu vũ khí đạt 5 tỉ USD/năm vào
năm 2025.

Phát biểu tại triển lãm, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho biết Ấn Ðộ đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu trị giá 1 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay và kể từ năm 2014, nước này đã xuất khẩu quốc phòng trị giá hơn 4 tỉ USD. Chỉ riêng trong năm tài chính 2021-2022, Ấn Ðộ “bỏ túi” 1,6 tỉ USD. Ông Singh hồi năm ngoái cũng đã công bố mục tiêu nâng sản lượng quốc phòng trong nước lên 25 tỉ USD và xuất khẩu lên mức 5 tỉ USD/năm vào năm 2025.

Kết quả vô cùng ấn tượng nói trên một mặt là nhờ sự tái cơ cấu lớn trong Cục sản xuất quốc phòng Ấn Ðộ, nơi chỉ trong năm ngoái đã thành lập thêm 7 công ty quốc phòng mới và tất cả đều xuất hiện tại DefExpo 2022; mặt khác là nhờ việc Ấn Ðộ khuyến khích sản xuất quốc phòng trong nước. Asia Times cho hay, có đến 441 mặt hàng quốc phòng được sản xuất trong nước xuất hiện tại DefExpo năm nay.

Ngoài ra, bên cạnh việc khai thác thế mạnh xuất khẩu quốc phòng ở khu vực Ðông Nam Á, Trung Ðông và vùng duyên hải Ấn Ðộ Dương, Ấn Ðộ đã bắt đầu tập trung vào châu Phi. Vào ngày khai mạc DefExpo 2022, 53 quốc gia châu Phi đã tham gia Ðối thoại Quốc phòng Ấn Ðộ - châu Phi (IADD) lần thứ hai, với sự góp mặt của 13 bộ trưởng, 4 thứ trưởng và các quan chức quốc phòng cấp cao khác của châu Phi. Ðược biết, IADD lần đầu được tổ chức hồi năm 2020 với mục tiêu biến Ấn Ðộ thành nhà cung cấp vũ khí cạnh tranh tiềm năng cho châu Phi.

Sở dĩ thiết bị quốc phòng của Ấn Ðộ được nhiều nước “chuộng” là bởi khả năng thực chiến của chúng đã được chứng minh. Một yếu tố khác góp phần làm nên sự thành công nói trên là nhờ Ấn Ðộ trong những năm qua đã khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất quốc phòng.

Song, Ấn Ðộ được cho còn một chặng đường khá dài để trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2017-2021, Ấn Ðộ chỉ đứng thứ 23 trong số 25 nhà xuất khẩu quốc phòng lớn nhất, chiếm chỉ 0,2% thị phần, thua xa 5 “ông lớn” gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Ðức, vốn chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

 Từ trước đến nay, Ấn Độ nhập khẩu các trang thiết bị vũ khí từ Nga. Từ mối quan hệ này, 2 nước thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vũ khí chung, qua đó tạo tiền đề cho nội địa hóa vũ khí của Ấn Độ. Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos là sản phẩm liên doanh đó và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực được nhiều nước quan tâm. Hồi đầu năm nay, Philippines là nước đầu tiên ký hợp đồng mua tên lửa này của Ấn Độ với tổng giá trị 375 triệu USD. Nhờ sự liên kết này, New Delhi đã vừa hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến Prachand, tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, hay máy bay huấn luyện HTT. 

Chia sẻ bài viết