15/07/2022 - 20:49

Xuất khẩu gạo năm 2022 thuận lợi đan xen khó khăn 

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo của nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng, tạo thuận lợi về đầu ra cho nông dân trồng lúa. Trong những tháng cuối năm, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường trên thế giới tiếp tục ở mức cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu. Song, các doanh nghiệp cần nỗ lực khắc phục khó khăn về chi phí vận chuyển tăng và kịp thời nắm bắt các nhu cầu của thị trường để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để bán được giá cao.

Thu mua lúa gạo phục vụ chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt,TP Cần Thơ.

Thu mua lúa gạo phục vụ chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt,TP Cần Thơ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, gạo là một trong 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 489,46 USD/tấn, giảm 54,71 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 6-2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt hơn 3,52 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 thu về hơn 1,72 tỉ USD. Dự kiến, xuất khẩu gạo của nước ta trong cả năm 2022 đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn khoảng 100.000-200.000 tấn so với năm trước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo của nước ta trong 6 tháng năm 2022 đã tăng 12,3% về lượng so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị chỉ tăng hơn 1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn gần 55 USD/tấn so với cùng kỳ vì giá trên thị trường thế giới giảm. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam cao hơn một số nước trên thế giới, nhưng do chi phí logictics của Việt Nam quá cao nên hiệu quả mang lại thấp. Thời gian qua, nông dân bán lúa với giá từ 5.500-6.800 đồng/kg, nhưng lợi nhuận của nông dân cũng đạt thấp do chi phí vật tư đầu vào quá cao. Đây là vấn đề cần được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ.

Qua thống kê và đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp cho thấy, xuất khẩu gạo đã và đang có nhiều thuận lợi đan xen với khó khăn. Về thuận lợi, nhìn chung hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm 2022 đến nay tiếp tục được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng phát triển thị trường xuất khẩu. Đồng thời, nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã tạo điều kiện thuận lợi để các tiểu thương, doanh nghiệp triển khai các hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo. Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều nước trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí có tăng nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo cũng đối mặt với nhiều khó khăn do giá xăng dầu và các chi phí vận chuyển, logistics tăng và chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều nước xuất khẩu gạo có nguồn cung lớn và giá rẻ như Ấn Độ và Pakistan. Đồng thời, nhu cầu thị trường có nhiều thay đổi, các nước tăng cường các rào cản kỹ thuật trong thương mại và người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, cũng như xuất khẩu gạo sang một số thị trường vẫn còn gặp khó vì dịch COVID-19. Ngoài ra, do giá vật tư đầu vào tăng mạnh nên giá thành sản xuất lúa gạo tăng cũng làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo, cũng như thu nhập của nông dân trồng lúa.

Trong 6 tháng đầu năm, trước tình hình giá xuất khẩu gạo tại nhiều nước trên thế giới giảm so với năm trước, nước ta đã phải nỗ lực rất nhiều để duy trì giá chào bán gạo ở mức cao, tạo điều kiện để nông dân bán lúa gạo hàng hóa với mức giá có lời.

Những năm qua, tỷ lệ sản xuất gạo thơm ngon, đặc sản và chất lượng cao tăng dần qua các năm và đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu sản xuất lúa gạo. Đây là điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp tục duy trì và nâng cao được giá xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Đồng thời, cơ cấu sản xuất lúa gạo của nước ta cũng đa dạng, phong phú, nhiều loại giống lúa gạo đáp ứng nhiều phân khúc thị trường. Trong khi đó, nhiều khách hàng trên thế giới khi mua gạo họ đặt vấn đề mua từng loại gạo thuộc các giống lúa cụ thể, chứ không như trước đây mua các loại gạo trắng dạng 5% tấm hay 25% tấm mà không đòi hỏi về giống lúa cụ thể. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh và có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức sản xuất các giống lúa theo các mùa vụ trong năm một cách phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với việc mở rộng giao thương quốc tế, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và đối tác trên thế giới, gạo Việt Nam đã có điều kiện thuận lợi để thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản. Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) đã dành cho Việt Nam hạn ngạch gạo khoảng 80.000 tấn/năm và nhiều loại nông sản được miễn, giảm thuế khi xuất vào EU. Tuy nhiên, để phát triển xuất khẩu gạo ổn định  vào các thị trường khó tính, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương và cơ quan chức năng cần kịp thời và liên tục cập nhật các thông tin và yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm gạo từ các thị trường để người dân và doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện tốt.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết