11/01/2020 - 20:40

Xuân ấm áp tình thân 

Còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết. Nhiều gia đình, nhất là những gia đình trẻ, ban ngày ở sở làm, chỉ đến tối mới có mặt ở nhà nên khá vất vả vì không đủ “quỹ thời gian” để lo Tết. Dù vậy, giữa bộn bề công việc, nhiều chị em vẫn lưu luyến Tết quê, dặn lòng gìn giữ hương vị Tết cổ truyền càng nhiều càng tốt giữa cuộc sống hiện đại.

Chị Ngọc Thảo sửa soạn vật dụng, trang trí nhà cửa đón Tết từ khá sớm.

Chị Phan Thị Hoàng Vân, quê ở Kiên Giang, đến Cần Thơ học tập rồi làm việc 12 năm nay. Chị vẫn nhớ như in hồi còn nhỏ, nhà chị nghèo lắm. Mấy anh chị em chị luôn trông Tết, thậm chí đếm từng ngày đợi Tết về. Mấy tháng cuối năm, gần như ngày nào chị cũng hỏi mẹ: “Chừng nào mới đến Tết hả mẹ?”. Với chị, Tết xưa nhớ nhất là lúc được mẹ mua vải rồi dẫn đi may đồ mới. Bộ quần áo mới giặt sạch sẽ, chị hay để đầu giường để hít hà mùi vải mới cho đã mới thôi. Rộn ràng hơn là khung cảnh tất bật dọn dẹp, nấu nướng của ngày 29, 30 Tết với mùi thơm nức mũi của nồi thịt kho hột vịt, bánh tráng nướng, rồi cả nhà xúm gói bánh tét nhưn chuối, đậu mỡ. Mỗi người một khâu: lau lá, gióng bánh, nức bánh, rồi mấy anh chị em xúm nhau canh nồi bánh tét vừa nói chuyện vừa nướng khoai lang, đón giao thừa. Đứa nào cũng mừng rỡ, thức khuya không biết mệt, chờ được ông bà, cha mẹ lì xì, xem cha bói dưa, rồi cả nhà cùng ăn miếng dưa hấu đầu năm trong cái se lạnh của đêm đầu năm mới.

“Nhưng giờ, cảm xúc đón Tết cổ truyền ít nhiều không còn háo hức, mong ngóng như xưa. Người lớn thì tất bật chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc. Với đa số trẻ con, mọi thứ xung quanh dường như lúc nào cũng đủ đầy nên các con ít ngóng Tết. Tuy nhiên, không vì vậy mà gia đình tôi hời hợt với Tết Nguyên đán” - chị Vân chia sẻ. Có 2 con nhỏ, chị luôn mong muốn các con có trải nghiệm đón Tết cổ truyền. Vì thế, nhiều năm nay, chị lên lịch, từ 29 Tết sau khi nghỉ làm ở cơ quan, chị đưa các con về đón Tết quê. Năm thì quê ngoại, năm thì quê nội. Chị Vân kể: “Về quê, tôi dạy cho con cách gói bánh tét, phụ ông bà chùi lư đồng, trưng bày mâm ngũ quả... Rồi còn đi thăm, chúc Tết, cúng ông bà ở nhà họ hàng để các con biết thêm người thân”.

Còn chị Hồ Thị Linh, chuyên bán hàng thời trang qua mạng tại Cần Thơ, quê ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tết nào, dù bận rộn mấy chị cũng tranh thủ về quê sum họp với ông bà, cha mẹ cả bên mình và bên chồng. Chị làm thêm mấy món mứt Tết, mua hoa, trái cây chưng Tết trên bàn thờ gia tiên. Chị cho biết: “Nhà vợ chồng tôi ở Cần Thơ nhưng quê tôi ở tỉnh Hậu Giang, còn bên ông xã ở tỉnh An Giang nên mấy ngày Tết di chuyển khá nhiều. Nhưng tôi nghĩ, đổi ngược lại, các con có ký ức vui vẻ, nhiều kỷ niệm với ông bà. Còn ông bà thì thêm vui, hạnh phúc vì có con cháu sum họp đầy đủ bên cạnh trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới”.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống hối hả, tất bật. Nhiều cặp vợ chồng trẻ không tránh khỏi cảm giác cần được nghỉ ngơi, thư giãn sau cả năm miệt mài làm việc. Nên việc đón Tết thế nào vừa vui, vừa khỏe, đỡ mất thời gian và công sức cũng là vấn đề nan giải của các cặp vợ chồng trẻ. Lâu nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, chọn cách nhín thời gian chăm sóc gia đình hai bên ngay từ những ngày đầu tháng Chạp. Chị Thảo chia sẻ: “May mắn, nhà cha mẹ tôi và cha mẹ chồng gần nhau nên vợ chồng tôi chạy qua chạy lại rất thuận tiện. Tôi thường lên lịch lo Tết từ sớm, để thu xếp công việc phù hợp, nhín thời gian phụ giúp cha mẹ hai bên thật chu đáo”.

Tết này, từ đầu tháng Chạp, vợ chồng chị Thảo đã tranh thủ dọn vệ sinh nhà cửa, giặt mùng mền, rèm cửa và thiết kế đèn trang trí ở bàn thờ gia tiên cho cha mẹ 2 bên. Đến giữa tháng Chạp thì dành thời gian đi mua sắm quần áo Tết cho người thân. Rồi 20 Tết, chị Thảo về bên nhà chồng phụ đi chợ mua hoa tươi chưng Tết, làm mứt dừa, mứt mãng cầu, chùm ruột,... để dành đãi khách. Nhờ chuẩn bị từ sớm, nên từ 26 Tết, sau buổi tiệc tất niên dành cho các nhân viên ở điểm kinh doanh dịch vụ tập thể hình, vợ chồng chị Thảo rảnh rang, có thời gian dẫn con trai đi du xuân và nghỉ ngơi lấy lại sức sau 1 năm làm việc vất vả.

Chị Huỳnh Ngọc Yến, ở quận Bình Thủy, vui vẻ cho biết: “Vợ chồng tôi sử dụng lịch đón Tết cố định. Chúng tôi về bên chồng ở Bến Tre trước, sau mới về Vĩnh Long quê tôi, rồi hết Tết thì về lại Cần Thơ để cả nhà tiếp tục đi làm, đi học”. Hai quê khá xa nên anh chị tranh thủ đi từ sau khi được nghỉ Tết. Vì vậy, nhiều năm nay chị còn chưa có dịp được xem đường hoa Cần Thơ. Bù lại, về quê, vợ chồng chị và các con được hưởng trọn không khí Tết thật đầm ấm bên cạnh ông bà, cha mẹ. Năm nào, mẹ chồng chị Yến cũng gói bánh tét, có khi thêm bánh lá dừa, rồi tráng bánh tráng nướng, làm các loại mứt tắc, mứt dừa, mứt cà chua,... Còn bên nhà mẹ ruột thì các dì, cậu mợ năm nào cũng tụ họp về đông đủ, cùng nhau gói, nấu một nồi bánh tét thật lớn ở nhà ngoại. Chị Yến cho rằng, với việc dành thời gian cho các con về thăm, đón Tết với ông bà cũng là một trong những cách góp phần giúp các thế hệ tiếp sau kế thừa, gìn giữ và phát huy nét đẹp, nét văn hóa của Tết cổ truyền. 

 Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
lo Tết