31/05/2014 - 20:00

TẾT ĐOAN NGỌ

Xưa và nay

Tt Đoan Ngọ là Tết truyền thống ở một số nước châu Á, đặc biệt là Đông Á. Đến Việt Nam, Tết này đã được Việt hóa, còn có tên khác là Tết “giết sâu bọ”.

Nếu như Tết Nguyên đán là Tết khởi đầu cho một năm thì Tết Đoan ngọ là Tết khởi đầu cho một mùa vụ. Đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày mùng 5 tháng 5 còn có nhiều ý nghĩa liên quan đến môi trường, thời tiết, mùa màng và thủy lợi. Người Đồng Tháp và An Giang gọi mùng 5 tháng 5 là ngày “nước quay” vì nước từ thượng nguồn đổ về làm cho màu trở nên đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Các bậc lão nông tri điền nhìn màu nước và dòng nước có thể tiên đoán năm đó mực nước cao hay thấp, cá linh về nhiều hay ít. Bên cạnh đó, vào những ngày này tiết trời oi ả nóng nực, nhiều bệnh tật phát sinh, nhất là bệnh thời khí nên bà con có tục tắm nước lá mùi để xua đuổi bệnh tật, treo ngải cứu trước nhà và đeo bùa cho trẻ con để trừ tà. Ngoài ra, còn có tục bôi hồng hoàng vào trán, ngực và rốn trẻ em lúc còn đang ngủ để phòng trừ bệnh tật do côn trùng gây ra.

Hội thi trưng bày trái cây là điểm nhấn của Ngày hội vườn cây Tân Lộc vào dịp Tết Đoan Ngọ hằng năm. Ảnh: LỆ THU 

Tết mùng 5 tháng 5 ở Việt Nam mang những đặc trưng riêng, hướng về cội nguồn, về cộng đồng. Ngày Tết, các gia đình thường làm mâm cơm canh, bánh trái, chè xôi, trà rượu dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, nhà nhà yên vui. Cho nên ca dao có câu:

Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về

tháng năm.(*)

Dịp mùng 5 tháng 5, nhiều gia đình còn hái lá mùng năm (bất cứ lá gì), thường là ngải cứu, ích mẫu, lá vối …đem về nấu nước tắm, đồng thời uống các loại rượu nếp và ăn các loại trái cây như mận, đào… cho là để giết sâu bọ. Tại một số nơi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cho tới thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, vào ngày mùng 5 tháng 5, vẫn còn tập tục mang chảo ra giữa sân đốt lửa rang không. Nếu có ai hỏi: - Ông rang gì vậy? Họ trả lời: - Tôi rang kiến. Vào ngày mùng 5 tháng 5, các bà các chị sưu tầm các loại hoa lá có mùi vị thơm tho như lá sả, lá ổi, ngải cứu, hương nhu, bông lài…về nấu tắm để giải trừ gió độc và giúp tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, trước cửa mỗi nhà còn treo một chùm ngải cứu mùi thơm thật dễ chịu. Các thầy thuốc thì sưu tầm các loại Nam dược đem về phơi khô hoặc nấu dầu phong, dầu gió dùng cho cả năm vì tháng năm là tháng dương khí thịnh mà Ngọ là ngôi dương, nhựa cây cô đọng trên lá nên các loài cây trái, thảo dược đều hấp thụ .

Hiện nay, nhiều nơi vẫn tổ chức đón Tết Đoan Ngọ nhưng hình thức khác xưa. Một số lễ tiết có ý nghĩa nhân văn, được duy trì và phổ biến như tổ chức tham quan, du lịch về những miệt vườn xưa, hái thuốc, phát thuốc, cúng tổ, mừng mùa màng thắng lợi, biểu diễn văn nghệ và tổ chức các trò chơi dân gian... trở thành những sự kiện văn hóa đậm bản sắc miệt vườn.

 

Tại cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, ngày mùng 5 tháng 5 có tổ chức “Ngày hội sông nước miệt vườn”, gồm các hoạt động thể thao sông nước, hội thi trái ngon, hội thi ẩm thực... Còn tại cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, chính quyền cùng với các ban ngành đoàn thể tổ chức “Lễ hội vườn cây Tân Lộc” đón tiếp hàng vạn du khách về tham dự. Tại huyện Chợ Lách Bến Tre, hằng năm đều tổ chức “Ngày hội cây – trái ngon, an toàn” vào ngày này, thu hút hàng vạn khách tham quan.

Một số gia đình theo cổ lệ thường mua trái cây, bánh ú về cúng ông bà trong ngày mùng 5 tháng 5. Các tỉnh ven biển, không ít người chọn đúng giờ ngọ ra tắm biển như một ngày hội. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, một số bà con lại gói bánh ú nước tro cho con cháu ăn và nấu rượu nếp than để uống với hy vọng suốt năm khỏe mạnh.

Có thể nói, tất cả những hình thức tổ chức Tết Đoan Ngọ xưa nay không những phục vụ cho nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí, hướng về cội nguồn mà còn tác động đến cách ứng xử giữa con người với môi trường thiên nhiên và xã hội, đặc biệt là thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Hoài Phương

Tài liệu tham khảo:

- “Cơ sở văn hóa Việt Nam” - Trần Ngọc Thêm - NXB Giáo dục - 1997.
- “Thành ngữ từ điển” - Trịnh Văn Thanh – 1966.
- “Người Việt Đất Việt” của Cửu Long Giang - Toan Ánh – Nam Chi Tùng Thư - 1968.

(*) Theo tác giả Cửu Long Giang và Toan Ánh.

Chia sẻ bài viết