Mở cửa du lịch nội địa là bước đầu để ngành Du lịch Việt Nam bắt nhịp và hồi phục các hoạt động thích ứng với thực tế trong bối cảnh COVID-19. Những định hướng, giải pháp phù hợp với các xu hướng sẽ kịp thời đưa ngành Du lịch trở lại.
Cần Thơ Ecolodge cũng trở thành điểm đến phù hợp với xu hướng Staycation. Ảnh: Kiều Mai
Xu hướng du lịch
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo: Du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe (CSSK) sẽ phát triển mạnh mẽ. Global Wellness Institute (GWI - Viện Sức khỏe toàn cầu) từng nhận định loại hình này có thể đạt mức tăng trưởng trung bình mỗi năm 7,5%, chạm mức doanh thu 919 tỉ USD vào năm 2022, chiếm 18% tỷ trọng du lịch toàn thế giới. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường hàng đầu của du lịch CSSK, với dự đoán chiếm 40% thị phần toàn cầu ở mảng này trong năm 2023. Nắm bắt xu hướng, du lịch Việt Nam đang tận dụng phát triển loại hình này trong phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị trường và thích ứng tình hình dịch bệnh COVID-19.
Du lịch CSSK là loại hình thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc bản thân. Với loại hình du lịch này, du khách không chỉ tham quan mà còn kết hợp trải nghiệm các khóa ngồi thiền, yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng… để cân bằng thể chất và tinh thần. Ðây được xem là loại hình du lịch được nhiều gia đình, nhóm bạn lựa chọn, bởi không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn có những trải nghiệm tốt cho sức khỏe du khách. Thực tế tại Việt Nam, loại hình này còn mới và chưa được khai thác hết tiềm năng, có khi chỉ được xem như một dịch vụ kèm theo trong hành trình nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Trong đó, các trải nghiệm thường thấy là tắm khoáng nóng, spa sử dụng thảo dược thiên nhiên, tắm lá thuốc, xông hơi thảo dược… Một số địa phương đã tận dụng tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên để làm tốt loại hình này, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ðà Nẵng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình… với các trải nghiệm yoga trên bãi biển, đạp xe trong rừng, massage trị liệu… Nhận thấy tiềm năng, một số địa phương cũng đang tập trung phát triển loại hình này, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh sử dụng hệ thống trồng dược liệu kết hợp y học cổ truyền trong việc hình thành trải nghiệm chuyên sâu về du lịch CSSK.
Một xu hướng du lịch khác đang phát triển thịnh hành gần đây là Staycation - Du lịch tại chỗ. Trong hoàn cảnh phải sống chung với COVID-19 và việc di chuyển còn khó khăn, thì lựa chọn Staycation phù hợp với nhiều người muốn đổi gió, thay đổi không gian. Thế mạnh của Staycation là tiết kiệm chi phí, chủ động về thời gian, kế hoạch, các trải nghiệm linh hoạt. Staycation thường gắn với các khu nghỉ dưỡng hay các điểm sinh thái, nông trại mang tính trải nghiệm đa dạng. Loại hình du lịch này đang được các tỉnh, thành triển khai theo mô hình du lịch nội tỉnh, như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam… tại các vùng xanh đã cơ bản kiểm soát dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng biệt lập hay kết nối thiên nhiên, du lịch sinh thái cũng là xu hướng được lựa chọn nhiều trong giai đoạn hiện nay. Những điểm nghỉ dưỡng ở vùng núi cao, hay những hòn đảo hoang sơ, những vùng nông thôn, nông trại cách xa đô thị... trở thành điểm đến được nhiều người ưa chuộng. Những điểm đến này ít người, có tính chất cô lập, an tĩnh và an toàn. Xu hướng này cũng tạo ra những dòng sản phẩm, loại hình du lịch khác nhau. Một là du lịch “bụi” với những bạn trẻ thích khám phá, phiêu lưu mạo hiểm. Hai là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dành cho những trải nghiệm ở khu biệt lập với các dịch vụ khép kín, theo quy chuẩn khắt khe. Ðây cũng là loại hình du lịch được các tỉnh, thành nước ta chú trọng trong quá trình thử nghiệm và phục hồi đón khách quốc tế.
Ðịnh hướng giải pháp mở cửa du lịch
Trên cơ sở nắm bắt xu hướng du lịch và dựa trên tình hình thực tế của địa phương, ngành Du lịch Việt Nam đã xây dựng những định hướng và giải pháp để mở cửa du lịch. Với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”, nhiều chiến dịch, kế hoạch được kích hoạt để hồi sinh hoạt động du lịch. Theo đó, các kế hoạch mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh, cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, chính sách ưu đãi đang được đẩy mạnh triển khai ở các tỉnh, thành. Ngành chức năng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để từng bước mở cửa dần các hoạt động du lịch với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế.
Việc triển khai đón khách trở lại sau thời gian dài tạm ngừng buộc ngành Du lịch phải có những thay đổi phù hợp với thị trường và thị hiếu mới của du khách. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cũng xác định cần đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường, định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe; hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường (sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe)... Một số tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Thanh Hóa… đã xây dựng các kế hoạch, từng bước triển khai.
Trải nghiệm gắn kết thiên nhiên cũng là xu hướng được nhiều người lựa chọn hậu COVID-19. Trong ảnh: Mai Châu, Hòa Bình là điểm đến thường được du khách quốc tế lựa chọn bởi sự gần gũi thiên nhiên.
Mặt khác, để tạo đà cho quá trình phục hồi du lịch, Bộ VH,TT&DL khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với những ưu đãi, cam kết về chất lượng; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường trực tuyến và trực tiếp. Việc phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số cần được đẩy mạnh. Bởi lẽ xu hướng du lịch an toàn thường dựa trên các công nghệ hiện đại, tránh tiếp xúc trực tiếp. Qua đó, việc kiểm tra về hộ chiếu vaccine hay nhận dạng du khách, quản lý về lịch trình di chuyển, lưu trú… cũng được tích hợp trong hệ thống số, vừa dễ nắm bắt và xử lý khi có sự cố, vừa đảm bảo an toàn. Trên cơ sở này, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn www.safe.tourism.com.vn, hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine (www.travelpass.tourism.vn) để phục vụ khách quốc tế... cũng đang dần được triển khai. Các địa phương đang chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá và xúc tiến các sản phẩm du lịch, như: Bà Rịa- Vũng Tàu, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; đẩy mạnh các phiên chợ thương mại trực tuyến về du lịch, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến.
Bộ VH,TT&DL tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch, đề xuất triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với đơn vị khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; đề xuất miễn, giảm thuế đối với các khoản chi phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề du lịch. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đề xuất và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch... nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Mặt khác, Bộ VH,TT&DL cũng tiếp tục ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các địa phương trong quá trình phục hồi du lịch để có những đề xuất tháo gỡ cùng các ngành chức năng. Trong đó, các vấn đề về vaccine, sự chồng chéo trong các quy định đi lại giữa các địa phương... đang được đề xuất những giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Phục hồi du lịch là quá trình dài trong bối cảnh hiện nay, khi yếu tố an toàn vẫn được ưu tiên hàng đầu. Việc lựa chọn những giải pháp và xây dựng các định hướng phù hợp có thể tạo được bước chuyển, giúp ngành Du lịch “phá băng” trong thời gian tới.
Bài, ảnh: ÁI LAM