10/08/2016 - 20:31

AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG NÔNG NGHIỆP

XIẾT CHẶT QUẢN LÝ NGAY TỪ GỐC

Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… hoặc việc sử dụng các chất cấm, sử dụng chất hóa học vượt ngưỡng cho phép trong quá trình sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua đã có nhiều văn bản, chỉ thị của ngành chức năng nhằm đưa công tác quản lý nhà nước những vấn đề trên dần đi vào nề nếp. Song, thực tiễn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của ngành chức năng để quản lý từ gốc vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp.

*Tạo điều kiện cho công tác quản lý đi vào nề nếp

Ngày 29-3-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư 14/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (TT14). Nhưng, sau 3 năm triển khai thực hiện, thông tư này đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, điều chỉnh. Theo đó, TT14 chưa đáp ứng được hết nhu cầu sản xuất kinh doanh với đa dạng ngành nghề nên chưa có đầy đủ biểu mẫu kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và đánh giá, xếp loại điều kiện đảm bảo ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản. Hệ thống bảng biểu điều tra còn có những điểm chưa phù hợp thực tế, đặc biệt đối với các hộ sản xuất, cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở chế biến thủ công hay chế biến đơn giản trong khi yêu cầu của các chỉ tiêu chỉ phù hợp với các cơ sở sản xuất lớn và công nghiệp. Ngoài ra, ở TT14, việc phân công, phân cấp cơ quan kiểm tra phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh. Do đó, tại TP Cần Thơ và một số địa phương trong cả nước còn gặp khó khăn trong phân cấp quản lý giữa cơ quan kiểm tra cấp thành phố và cấp quận/huyện/xã/phường. Chính điều này dẫn đến việc triển khai TT14 tại một số nơi chưa đồng bộ; chỉ thực hiện thống kê, đánh giá lần đầu, chưa thực hiện kiểm tra định kỳ trong các năm tiếp theo 2013 và 2014…

Khách hàng chọn mua sản phẩm rau an toàn tại cửa hàng kinh doanh rau củ quả an toàn ở số 59 đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều. Ảnh: VĂN CỘNG

Từ những bất cập trên, ngày 3-12-2014, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản đủ điều kiện ATTP (TT45) và tiếp tục ban hành Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện đảm bảo ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (TT51) vào ngày 27-12-2014. Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: TT45 có hiệu lực từ ngày 17-1-2015 và TT51 có hiệu lực từ ngày 10-2-2015 kế thừa và khắc phục nhiều điểm yếu của TT 14. Chính vì vậy, đến nay, triển khai thực hiện 2 thông tư này có nhiều thuận lợi và đạt được kết quả bước đầu khả quan. Trong đó, quan trọng nhất là đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo chất lượng và ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm sản… "Tuy chỉ dừng lại ở mức độ cam kết, nhưng triển khai thực hiện TT51 góp phần giải quyết vấn đề kiểm soát ATTP đối với các loại hình sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình - không đăng ký kinh doanh. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… Ngoài ra, triển khai TT45 và TT51 cũng giúp các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ hiểu rõ và có ý thức chấp hành các quy định hiện hành của nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua đó, giúp sản phẩm dễ dàng lưu thông trên thị trường, đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ bản đáp ứng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết… Đây là những bước chuyển quan trọng để ngành nông nghiệp thành phố nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các đối tượng thuộc TT45 và TT51" – ông Nguyễn Minh Hải nhận định.

* Cần xiết chặt quản lý

Đến nay, ngành nông nghiệp thành phố đã thống kê được 1.297 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản và đã kiểm tra, đánh giá xếp loại được 918/1.297 cơ sở đủ điều kiện ATTP theo TT45; trong đó có 186 cơ sở xếp loại A, 670 cơ sở xếp loại B và 62 cơ sở xếp loại C. Tính đến cuối tháng 6-2016, các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT thành phố đã thống kê được 267 cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi quản lý theo TT51 và đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện việc chấp hành cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tại 60 cơ sở. Ngoài ra, thành phố còn 39.245 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Thời gian tới, Chi cục Thú y sẽ tiến hành yêu cầu cam kết sản xuất an toàn thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật… Đây là kết quả bước đầu đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thực hiện TT45 và TT51 thời gian tới cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã và đang phát sinh.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Việc triển khai TT45 trên địa bàn TP Cần Thơ còn chưa đồng bộ. Một số quận, huyện còn gặp khó khăn trong bố trí kinh phí, công tác đào tạo chuyên môn và bố trí chuyên viên phụ trách công tác quản lý ATTP. Bởi hiện nay, ở cấp quận, huyện, các Phòng Kinh tế, Phòng NN&PTNT còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Trong báo cáo định kỳ cho Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT qua phần mềm quản lý thống kê còn bị trùng lắp đối với loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều loại sản phẩm vật tư nông nghiệp hoặc nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản (số liệu thống kê theo số lượt sản phẩm được kiểm tra mỗi loại hình sản xuất 1 biên bản khác nhau). Những cơ sở đã ngưng hoạt động hiện vẫn chưa xóa được dữ liệu. Từ đó dẫn đến dữ liệu thống kê số lượng cơ sở trên qua phần mềm nhiều hơn trên thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoài ra, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT thành phố, các đơn vị chuyên môn chưa chủ động được nguồn kinh phí hằng năm phục vụ cho công tác triển khai nhiệm vụ theo TT45 và TT51 nên việc thực hiện còn nhiều khó khăn và lúng túng. Chính vì vậy, thành phố cần sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để đẩy mạnh triển khai TT45, TT51 trong thời gian tới.

Muốn việc quản lý theo TT45 và TT51 có hiệu quả và dần đi vào nề nếp, tạo niềm tin trong nhân dân, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các đơn vị hữu quan cần rà soát lại nội dung của 2 thông tư trên để có những kiến nghị đến Bộ NN&PTNT sửa chữa hoặc có văn bản hướng dẫn thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Song song đó, tiếp tục tuyên truyền những nội dung cốt lõi theo chiều rộng lẫn chiều sâu cho từng đối tượng trong phạm vi của 2 thông tư nắm, hiểu và thực hiện nghiêm túc. Có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những trường hợp phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. "Ngành nông nghiệp đã đánh giá xếp loại trên 70% tổng số cơ sở thống kê về đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, còn khoảng 30% cơ sở chưa xếp loại, và tỷ lệ cơ sở loại B, loại C còn cao nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Vì vậy, ngành nông nghiệp tiếp tục chủ động phối hợp tốt, chặt chẽ với các đơn vị hữu quan, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh, tăng cường và xiết chặt việc thực hiện TT45 và TT51 trên địa bàn thành phố" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Anh Dũng lưu ý.

Hà Triều

Chia sẻ bài viết