13/07/2008 - 10:02

TP Hồ Chí Minh:

Xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu vải lớn nhất từ trước đến nay, năm bị cáo lãnh 34 năm tù

TAND thành phố Hồ Chí Minh vừa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu hơn 5,8 triệu mét vải, trị giá hơn 60 tỉ đồng, gây thất thu thuế (thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng) hàng chục tỉ đồng, do Phạm Hồng Sơn (hiện đã bỏ trốn và đang bị cơ quan công an truy nã toàn quốc) cầm đầu. Theo đó, tòa tuyên phạt Nguyễn Văn Thảnh (36 tuổi, trú quận 11, TPHCM) 10 năm tù, Phạm Ngọc Thanh (32 tuổi, trú quận Gò Vấp, TPHCM) 9 năm tù, Lê Hùng (41 tuổi, trú quận Gò Vấp, TPHCM) 7 năm tù, Trần Thị Lan Anh (vợ của Phạm Hồng Sơn, 37 tuổi, trú quận Tân Bình, TPHCM) và Nguyễn Đình Chương (47 tuổi, trú quận 3, TPHCM) mỗi bị cáo lãnh 4 năm tù, cùng về tội “Buôn lậu”.

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất” (tam nhập vải nguyên liệu, may gia công, rồi tái xuất quần áo thành phẩm), Phạm Hồng Sơn đứng ra thành lập 7 doanh nghiệp may mặc: Lạc Hùng, Phương Tâm, Hoàng Giang, H.G, C&C, Tuấn Ngân, Thanh Nghĩa. Sau đó, Sơn trực tiếp đứng ra “bổ nhiệm” Lê Hùng, Trần Thị Lan Anh, Nguyễn Đình Chương, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Thảnh làm giám đốc của các doanh nghiệp này. Sau khi nắm trong tay nhiều doanh nghiệp có chức năng may mặc, Sơn cùng với Thảnh, Hùng, Lan Anh, Thanh, Chương lên kế hoạch buôn lậu bằng cách ký hợp đồng gia công quần áo cho đối tác nước ngoài để nhập vải về Việt Nam theo phương thức “tạm nhập” vải nguyên liệu, may gia công rồi “tái xuất” quần áo thành phẩm. Tuy nhiên, số vải nguyên liệu “tạm nhập” về Việt Nam lại được Sơn và đồng bọn lén lút bán ra thị trường.

Sau đó, để che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình, Sơn đem quần áo thành phẩm của Công ty TNHH Hương Thám để “tái xuất”, thanh lý những hợp đồng gia công. Sau đó, doanh nghiệp Tuấn Ngân (do Nguyễn Văn Thảnh làm giám đốc) sau khi tiêu thụ hết lượng vải đã lập thủ tục giả mạo chuyển tiếp số vải này cho Doanh nghiệp C&C thì bị bộ phận quản lý hàng gia công Hải Quan TPHCM phát hiện xử phạt hành chính. Để che giấu việc buôn lậu, Sơn tiếp tục chỉ đạo cho Thảnh làm thủ tục xuất 9 containers vải với số lượng hơn 87 triệu mét ra nước ngoài. Ngày 13-3-2005, Công an TPHCM kết hợp với Hải quan TPHCM phát hiện 9 containers này, bên trong vải chỉ được xếp ở 2 đầu. Chính giữa hoàn toàn trống rỗng, số lượng vải thiếu so với khai báo là hơn 75 triệu mét. Từ đó, đường dây nhập vải lậu bị phát hiện. Từ tháng 12-2003 đến tháng 12-2004, Sơn và đồng bọn nhập về Việt Nam tổng cộng hơn 5,8 triệu mét vải, trị giá theo khai báo của Hải quan là 4,5 triệu USD, tương đương hơn 60 tỉ đồng.

Thanh Sang (TTXVN)

Chia sẻ bài viết