11/10/2022 - 08:07

Xem “Nghệ sĩ thần tượng” nghĩ về chuyện thần tượng nghệ sĩ 

DUY KHÔI

Chương trình "Nghệ sĩ thần tượng" đang phát sóng tối thứ bảy hằng tuần trên sóng THVL1, tạo được dấu ấn đẹp. Một chương trình về cải lương, vọng cổ có sức lan tỏa mạnh, truyền cảm hứng đẹp về bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống.

Nhật Anh Dương gây ấn tượng với giọng hát giống cố NSƯT Thanh Kim Huệ. Ảnh: NSX

Để chinh phục các giám khảo là nghệ sĩ Thanh Hằng, Kim Tử Long và Thoại Mỹ, các thí sinh sẽ ca bài vọng cổ hoặc trích đoạn cải lương. Ðiểm mấu chốt là thí sinh sẽ ca làm sao cho thật giống với chất giọng của một nghệ sĩ nổi tiếng, đó cũng chính là "nghệ sĩ thần tượng" của thí sinh ấy.

Qua các đêm thi, nhiều thí sinh có những màn hóa thân đặc sắc, khiến khán giả và giám khảo từ ngỡ ngàng đến dâng tràn xúc động. Nổi bật nhất phải kể đến chàng trai Nhật Anh Dương đến từ Hậu Giang, với những màn hóa thân thành cố NSƯT Thanh Kim Huệ. Khi Nhật Anh Dương cất lên phần tân nhạc bài "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" và vào câu 1 phần ca cổ, nhiều người thảng thốt với chất giọng thật giống với nghệ sĩ mà anh thần tượng. Cách đưa hơi, nhả chữ, luyến láy, ngắt câu và cả điệu bộ... của Nhật Anh Dương khiến các giám khảo rơi nước mắt nhớ về cố NSƯT Thanh Kim Huệ.

Hay với màn hóa thân thành NSƯT Diệu Hiền, thí sinh Bình An đã gây nhạc nhiên khi ca rất giống với giọng của "đệ nhất đào võ". NSƯT Kim Tử Long nhận xét rằng, nghệ sĩ Diệu Hiền thường lồng chất Xuân vào câu vọng cổ, và thí sinh Bình An đã thể hiện được điều đó. Còn NSƯT Thoại Mỹ thì ấn tượng: Nghệ sĩ Diệu Hiền chưa từng ca bài tân cổ "Thiên thai" của cố soạn giả Viễn Châu nhưng "bao nhiêu tinh hoa" của nữ nghệ sĩ được Bình An diễn ra trọn vẹn.

Và còn rất nhiều thí sinh với những màn hóa thân ấn tượng thành cố nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Minh Cảnh; nghệ sĩ Vũ Linh, Mỹ Châu, Trọng Phúc... được đánh giá cao.

Dĩ nhiên, chẳng có sự bắt chước nào là hoàn hảo như bản chính và sẽ là khập khiễng nếu đem ra so sánh. Vậy nhưng, "Nghệ sĩ thần tượng" cho thấy tình yêu cổ nhạc và cách "thần tượng", "hâm mộ" đầy tình cảm, văn minh của khán giả dành cho nghệ sĩ cải lương. Chỉ có sự nặng tình, lâu bền thì mới có thể học nghệ sĩ thần tượng từ điệu bộ đến từng chi tiết nhỏ nhặt trong cách ca.

Thật ra, việc bắt chước hoặc vô tình giống giọng nghệ sĩ cải lương đã có rất lâu. Người mộ điệu gọi đó là "hơi" hoặc "giọng" và chỉ cần nghe người nào đó cất giọng đã nhận ra ngay: "Ðó là giọng Lệ Thủy" hoặc "Ðó là hơi Minh Vương", "Giọng Thanh Sang"... Gọi là "vô tình giống" bởi nhiều người mê cải lương đến độ "nghe ngày nghe đêm", hết tuồng cải lương này đến bài ca cổ khác, nên khi ca sẽ bị ảnh hưởng chất giọng nghệ sĩ thường nghe lúc nào không hay. Ðôi khi cả người ca cũng không nhận ra, đến khi người nghe
nhận xét.

Cũng chính tình yêu và sự hâm mộ dễ thương như vậy mà cải lương bền bỉ qua tháng năm. "Nghệ sĩ thần tượng" là dòng nước tưới mát những tâm hồn mộ điệu cải lương, thần tượng nghệ sĩ.

Chia sẻ bài viết