30/08/2014 - 16:15

Xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ở thành phố Cần Thơ

TRẦN HOÀNG HIỂU
(Học viện Chính trị khu vực IV)

Trong xã hội hiện đại, phát triển bền vững là một nhu cầu tất yếu khách quan. Với Cần Thơ, một thành phố trẻ nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh và là động lực phát triển của vùng, vấn đề nguồn lực con người càng trở nên quan trọng hơn hết trong mục tiêu phát triển bền vững.

Thực trạng phát triển nguồn lực con người ở thành phố Cần Thơ

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, dân số trung bình của Cần Thơ tính đến năm 2013 là 1.214.100 người, mật độ dân số 862 người/km2. Tốc độ tăng dân số tự nhiên là 0,2%/năm, còn lại là tăng cơ học với lực lượng trong độ tuổi lao động tăng bình quân 0,31%/năm, mỗi năm có hơn 40.000 cư dân trên địa bàn trở thành cư dân đô thị. Thành phố Cần Thơ có nguồn nhân lực dồi dào, trong đó, đa số là lực lượng lao động trẻ, hiếu học, năng lực tiếp thu tri thức khoa học - công nghệ tốt. Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn lực con người luôn được thành phố quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thời gian qua, Cần Thơ có nhiều chính sách ưu đãi trong việc đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” của thành phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ dự nguồn, đội ngũ cán bộ cơ sở và nguồn nhân lực có trình độ cao. Thành ủy Cần Thơ đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch về quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2006 - 2020; lãnh đạo thực hiện Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020; đề án Cần Thơ số 150... Đặc biệt, Thành ủy đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn, phối hợp với các học viện và các trường trung ương mở các lớp tại địa phương với nhiều hình thức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ học tập.

Từ năm 2004 đến năm 2013, thành phố đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước trên 72.000 lượt. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của thành phố. Cụ thể: có đến 95,42% cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đủ tiêu chuẩn theo quy định chức danh; 24,94% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố có trình độ sau đại học; 15,37% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ sau đại học; tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn về chính trị và chuyên môn ngày càng tăng. Trong đó, cấp thành phố (lãnh đạo cấp phòng trở lên) đạt 87,03%; cấp huyện đạt 87,87%; cấp xã đạt 63,91%(l).

Bên cạnh đó, để khuyến khích cán bộ học tập và nâng cao trình độ, thành phố cũng đã quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách cụ thể để hỗ trợ cho cán bộ được cử đi đào tạo như: Quyết định số 23/205/QĐ-UB, ngày 30-3-2005 của UBND thành phố về chế độ chi hành chính, sự nghiệp; Quyết định số 1630-QĐ/TU, ngày 29-10-2009, của Ban Thường vụ Thành ủy quy định một số chế độ trợ cấp đối với cán bộ; Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND, ngày 26-11-2010, của UBND thành phố về quy định thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nỗ lực rèn luyện, học tập, phấn đấu để nâng cao trình độ và năng lực công tác.

Hệ thống cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ đào tạo nguồn nhân lực của thành phố không ngừng được cải thiện và nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 5 trường Đại học (Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Tây Đô, Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Đại học Nam Cần Thơ) và phân hiệu của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố còn có 5 trường cao đẳng (Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Cao đẳng Nghề ISPACE) và 1 phân hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có hệ thống gồm 63 cơ sở, trung tâm, trường trung cấp, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng có đào tạo các cấp trình độ nghề với quy mô đào tạo khoảng 43.323 học sinh... Các cơ sở đào tạo từng bước được trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu ngày càng hiện đại, qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động được quan tâm, đặc biệt là lao động nông thôn, tỷ lệ lao động được qua đào tạo không ngừng tăng lên. Hệ thống bệnh viện, trung tâm, trạm y tế... trên địa bàn thành phố ngày càng hoàn thiện, đáp ứng khá tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đến nay, 100% số xã có trạm y tế; số bác sĩ/vạn dân tăng từ 5,46 bác sĩ năm 2004 lên 10,55 bác sĩ vào năm 2013. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12,7% vào năm 2013. Nhiều công trình y tế quan trọng có khả năng phục vụ cho cả vùng được đầu tư và đưa vào hoạt động như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu...

Công tác xóa đói, giảm ghèo, thực hiện an sinh xã hội được thành phố quan tâm, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo, thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực con người của thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nguồn lực con người ở thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục như:

Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, trình độ, kỹ năng của người lao động phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng công nghệ - thiết bị hiện đại. Đội ngũ nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ hiện nay vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, điều này cản trở việc xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm khoa học, kỹ thuật của vùng. Một phần lực lượng lao động qua đào tạo lại chuyển đi làm việc ở nơi khác, nhất là đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Mạng lưới y tế, giáo dục - đào tạo tuy có phát triển nhưng chưa đáp ứng một cách đồng bộ và đúng mức yêu cầu nâng cao sức khỏe, trình độ dân trí và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho người lao động của thành phố. Việc thành lập, mở rộng nâng cấp các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Quy mô, ngành nghề, mục tiêu đào tạo chưa sát với yêu cầu thực tế. Mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động chưa được duy trì có hiệu quả. Công tác kiểm định chất lượng đào tạo còn bỏ ngỏ... Song song với thực trạng đó, quy hoạch đầu tư về tài chính, đất đai, cơ sở vật chất... phục vụ sự nghiệp y tế, giáo dục đào tạo còn thấp, ngân sách đầu tư hàng năm cho các lĩnh vực này chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế nên chưa được cải thiện rõ rệt.

Chất lượng nguồn nhân lực khu vực công còn thấp so yêu cầu, năng lực quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị thành phố chưa theo kịp tình hình phát triển mới. Công tác lập kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức ở một số cơ quan, đơn vị chưa khoa học, cơ cấu ngành nghề thiếu tính chiến lược và sát thực tế nên quá trình thực hiện có nhiều thay đổi, không đạt mục tiêu đề ra. Việc đưa cán bộ đi đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do trình độ ngoại ngữ của cán bộ còn hạn chế.

Một số giải pháp phát triển nguồn lực con người

Để phát huy nhân tố con người trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới thành phố Cần Thơ cần triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân thành phố Cần Thơ về vai trò của nguồn lực con người trong mục tiêu phát triển bền vững. Đây là vấn đề cần được quan tâm thực hiện đầu tiên, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển nguồn lực con người. Phải xem vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động và của chính bản thân người lao động. Trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến tất cả mọi tổ chức, cá nhân về vai trò, vị trí của phát triển nhân lực cũng như những thông tin cần thiết về cung - cầu nhân lực của thành phố.Thứ hai, nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ lý luận chính trị, đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo. Trình độ dân trí được nâng cao sẽ là nền tảng vững chắc cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, thành phố Cần Thơ cần phát triển hệ thống giáo dục toàn diện, thống nhất từ giáo dục mầm non đến giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt là ở nông thôn. Từng bước nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, góp phần nâng cao dân trí. Nâng cao trình độ học vấn và đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với hướng phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của thành phố. Từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề phục vụ yêu cầu phát triển các khu công nghiệp như Hưng Phú 1, Hưng Phú 2, Ô Môn, Thốt Nốt... Tăng đầu tư ngân sách cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thành phố bảo đảm thông thạo về chuyên môn, vững chắc về lý luận, có phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức một cách đồng bộ về cơ cấu, phù hợp về chuyên môn, có sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ nguồn cho các chức danh quản lý và chuyên môn.Thứ ba, nâng cao thể chất nguồn nhân lực bằng cách tăng thu nhập, cải thiện điều kiện y tế, dinh dưỡng và môi trường. Việc nâng cao tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống cho người lao động là tiền đề quan trọng, là nhiệm vụ có tính chất đột phá cho vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực con người của thành phố. Bởi vì, không có sức khỏe thì con người không thể trở thành nguồn lực lao động của xã hội được. Nâng cao thu nhập cho người lao động trên cơ sở khuyến khích phát triển sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, bảo đảm công bằng xã hội tạo điều kiện cho con em các gia đình nghèo tiếp cận được với các dịch vụ y tế giáo dục. Không ngừng hoàn thiện và mở rộng hệ thống cơ sở y tế khám chữa bệnh nhất là vùng sâu vùng xa, bảo đảm số lượng y - bác sĩ cần thiết. Thực hiện tốt các chương trình, như: y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh; chương trình phòng chống bệnh sốt rét; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; chương trình chăm sóc cho phụ nữ có thai và kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Cần Thơ bằng giải pháp dinh dưỡng và thể dục thể thao...Thứ tư, có chính sách hợp lý về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và đào thải lao động. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trên địa bàn thành phố. Trước hết, chính sách tuyển dụng phải xác định tuyển người phù hợp với công việc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, không phân biệt đối với người được tuyển chọn, đồng thời công khai minh bạch thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và quá trình tuyển chọn. Sử dụng đúng người vào đúng công việc làm cho lao động phát huy được năng lực, thỏa mãn nhu cầu nghề nghiệp và quan trọng hơn là tạo cho họ nhu cầu cần hoàn thiện. Gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Xây dựng chính sách tiền lương, tiền thưởng, nhà ở... phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò của xã hội trong việc phát triển nguồn lực con người của Cần Thơ. Muốn thực hiện đạt kết quả nội dung này, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn lực con người trong mục tiêu phát triển bền vững của Cần Thơ. Chúng ta tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý phát triển nhân lực. Trong đó, chú trọng vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nguồn nhân lực, cần thống nhất nhiệm vụ quản lý phát triển nhân lực về một đầu mối, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 nhằm bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo Tạp Chí Cộng Sản

(1) Nguồn: Thành tựu 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương

Chia sẻ bài viết