12/03/2020 - 06:22

Xây dựng thương hiệu lúa thơm-tôm sạch 

Sóc Trăng có mô hình canh tác thông minh trên 17.700ha đang xúc tiến chương trình phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu lúa thơm-tôm sạch bước ra thị trường thế giới.

Xây dựng chuỗi giá trị

Ruộng lúa-tôm ở Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng sắp vào mùa gặt.

Trong bối cảnh đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành hàng thủy sản có nhiều lợi thế  xuất khẩu, vừa qua Tổng cục Thủy sản chủ trì tổ chức lễ ký kết giữa các bên cùng phối hợp thực hiện chương trình xây dựng vùng cảnh quan tôm-lúa bền vững dựa trên mục tiêu tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2025. Theo đó, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam (IDH) sẽ đồng hành hỗ trợ các đối tác chính tham gia chương trình: Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), Công ty Thủy sản Sạch, Công ty Cổ phần Sao Ta, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Chương trình được thông qua cách tiếp cận hợp tác công-tư, đóng góp có ý nghĩa cho chính sách của ngành nông nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng tôm-lúa 17.700ha ở huyện Mỹ Xuyên. Các đối tác tham gia chương trình có vai trò và trách nhiệm, phát triển các đề xuất cụ thể để đồng tài trợ thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu tôm sạch và giống lúa thơm đặc sản ST25 (ngon nhất thế giới năm 2019).

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: Gần 30 năm qua mô hình luân canh tôm-lúa ở huyện Mỹ Xuyên được hàng ngàn hộ nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng diện tích canh tác. Từ năm 2015, tỉnh Sóc Trăng định hình vùng sản xuất ổn định, xác định đây là mô hình canh tác thông minh, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Trong năm 2019 có diện tích trồng lúa khoảng 10.000ha, chủ yếu với giống lúa thơm ST trên nền nuôi tôm nước lợ 17.700ha. Về mặt hiệu quả, nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất đạt 0,5 tấn/ha và bán thâm canh năng suất đạt 1,8 tấn/ha; nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh đạt năng suất bình quân 2,8 tấn/ha và một vụ lúa năng suất đạt 6-7 tấn/ha.

Đại diện các hợp tác xã (HTX) và nông dân tham gia ý kiến, thừa nhận: Trước đây luân canh theo mô hình tôm-lúa, nuôi tôm thiệt hại khoảng 20%/năm. Nhưng nhờ biện pháp canh tác giảm sử dụng tối đa phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa để bảo vệ môi trường nuôi tôm nên hiệu quả nâng lên rõ rệt. Trong 2 năm qua diện tích nuôi tôm bị thiệt hại giảm dần, từ 10% xuống còn 8,4%.

Tuy nhiên, mô hình tôm-lúa hiện còn bộc lộ điểm yếu chưa kết nối được doanh nghiệp với nông dân. Nông sản tuy được đánh giá sạch, chất lượng nhưng giá sản phẩm bán ra vẫn ở mức bằng so với các sản phẩm thông thường. Ông Lương Minh Quyết cho rằng: Nếu xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và phát triển thương hiệu lúa thơm-tôm sạch trên thị trường, sản phẩm tôm sạch và gạo ST25 đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giá trị sẽ nâng cao hơn, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân và vùng canh tác tôm-lúa Sóc Trăng có khả năng mở rộng diện tích hơn nữa.

Phát huy lợi thế

Trong nhiều năm qua thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào GDP của tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng có lợi thế phát triển kinh tế thủy sản cả 3 vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ và bờ biển dài 72km với thế mạnh khai thác thủy hải sản.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Stapimex, cho rằng: Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho vùng tôm-lúa bền vững và cần có lộ trình xây dựng và định vị thương hiệu. Về mặt thị trường, tôm-lúa có thể phát phát triển hướng vào thị trường cao cấp. Tuy khó, nhưng lợi nhuận cao. Vừa qua tôm của HTX ở vùng này đã đạt chứng nhận ASC, lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ (Organic). Như vậy cần có chiến lược sản phẩm như thế nào để tăng tính khả thi, phát triển bền vững vùng tôm-lúa.

Năm 2019 ở vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng được đánh giá là vụ nuôi thành công nhất về diện tích thả nuôi, sản lượng tôm thu hoạch, nhất là diện tích tôm bị thiệt hại giảm thấp nhờ kiểm soát khá tốt môi trường dịch hại và tôm giống. Kết quả, với diện tích thả nuôi 57.000ha (trong đó tôm thể chân trắng 38.400ha, tôm sú 19.100ha) đạt sản lượng cả năm 150.350 tấn. Năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng 4,4 tấn/ha, tôm sú thâm canh 4 tấn/ha, bán thâm canh 2,2 tấn/ha, quảng canh cải tiến 0,7 tấn/ha...

Theo Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, từ năm 2005 đến nay mô hình sản xuất lúa-tôm được nông dân canh tác đạt hiệu quả ổn định. Năm 2019 ở Mỹ Xuyên nuôi 2 loại tôm sú và tôm thẻ luân canh với cây lúa. Sản lượng tôm nuôi đạt gần 40.000 tấn. Trong đó Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng và Công ty Stapimex hỗ trợ 2 HTX xây dựng mô hình lúa-tôm đạt tiêu chuẩn ASC, VietGAP và 59ha lúa sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA.

Hiện nay tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng phát triển mô hình lúa thơm-tôm sạch thông qua việc kích thích nhu cầu tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch cho thị trường. Qua chương trình nâng cao năng lực các Tổ hợp tác sản xuất, HTX về kỹ năng đàm phán, xây dựng kế hoạch sản xuất để có thể liên kết với doanh nghiệp. Mở rộng diện tích nuôi thủy sản, trong đó tôm-lúa theo hướng bền vững, thực hành các tiêu chuẩn nuôi có trách nhiệm bằng việc kết hợp nguồn lực giữa công ty chế biến với các tổ, nhóm sản xuất. Riêng tổ chức IDH hiện gắn kết mạng lưới 90 công ty tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu sẽ hỗ trợ kết nối thị trường với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị tôm-lúa ở Mỹ Xuyên.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết