07/09/2010 - 20:51

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên TP Cần Thơ:

Xây dựng mục tiêu nghề nghiệp, rèn kỹ năng sống, thái độ hợp tác và trách nhiệm trong công việc

 

Thời gian qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ở TP Cần Thơ đã đạt được một số hiệu quả nhất định, góp phần giúp nhiều lao động trẻ tiếp cận nhà tuyển dụng và tìm được việc làm phù hợp, thăng tiến trong tương lai. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của doanh nghiệp, các đơn vị, ngành chức năng luôn nỗ lực nâng cao chất lượng lao động. Nhận định tình hình thực tế và định hướng sắp tới của công tác tuyển dụng, ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (GTVL TN) TP Cần Thơ, cho biết:

- Trước hết, chúng tôi cảm ơn các đơn vị tuyển dụng, người lao động đã quan tâm và tin cậy Trung tâm GTVL TN. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tư vấn gần 10.000 lượt lao động, giới thiệu trên 3.000 lao động có việc làm, đạt trên 50% kế hoạch năm 2010. Trung tâm liên tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, cải tiến phương thức phỏng vấn, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của lao động trẻ để xây dựng mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng hơn. Đến thời điểm này, ngành nghề tuyển dụng nhiều nhất tại trung tâm là Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ khí và lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị thương mại dịch vụ...

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa nhu cầu nhà tuyển dụng và việc làm của lao động trẻ với kết quả cùng kỳ năm 2009, Trung tâm không đạt yêu cầu. Thời gian qua, Trung tâm tiếp nhận rất nhiều đơn đặt hàng của các nhà tuyển dụng với nhiều chức danh, vị trí, nhưng Trung tâm giải quyết chưa đến 50% nhu cầu. Để đạt và vượt kế hoạch giới thiệu việc làm cho 4.500 lao động trong năm nay, Trung tâm phải nỗ lực nhiều hơn nữa ở những tháng cuối năm, nhưng phải đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

* Thưa ông, lực lượng lao động trẻ hiện nay có đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp?

- Có thể nói, so với những năm trước, lao động trẻ hiện nay đã có tiến bộ trong việc tự giác học tập và trang bị đầy đủ văn bằng, chứng chỉ cho bản thân. Thế nhưng, mức độ đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng của người lao động chỉ đạt khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2009, do kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào vị trí tuyển dụng còn rất yếu, chưa thật sự hợp tác với nhà tuyển dụng. Qua thực tế quá trình phỏng vấn tuyển dụng, đa số lao động trẻ bộc lộ quan niệm học chỉ để có bằng cấp làm “giấy thông hành” đi tìm việc làm, không chú trọng việc học như thế nào để tích lũy kiến thức ứng dụng vào việc làm sau này nên khi phỏng vấn thường ít có ứng viên gây được ấn tượng. Trong khi nhà tuyển dụng đi tìm ứng viên có những tố chất về kỹ năng, năng lực, kiến thức bao quát lĩnh vực chuyên môn thì ứng viên lại muốn thể hiện khả năng của mình theo hướng khác nên hầu hết thường “mất điểm” trước nhà tuyển dụng... Trong xu thế thị trường sức lao động, người lao động phải biết cạnh tranh, thể hiện bản lĩnh, năng lực, sự nhiệt huyết cũng như những ý tưởng sáng tạo cho công việc...

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, một số ít đơn vị tuyển dụng chưa tạo môi trường làm việc tốt, chưa tạo điều kiện để người lao động phát huy những ý tưởng sáng tạo, những chính sách phúc lợi chưa thỏa đáng. Từ đó làm người lao động hoài nghi, không an tâm về công việc đang làm, làm việc với thái độ cầm chừng, chờ cơ hội việc làm khác tốt hơn.

* Theo ông, đối với những lao động vừa thi trượt đại học thì nên chọn hướng đi nào phù hợp? Cần thiết thi đại học nữa không?

Lao động trẻ chuẩn bị hồ sơ dự phỏng vấn sơ tuyển tại Tuần lễ việc làm Thanh niên năm 2010. 

- Trong xu thế tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay là tuyển người có năng lực và làm được việc, không dựa trên bằng cấp. Do vậy, đối với những lao động trúng tuyển đại học, ngay từ đầu phải xác lập mục tiêu nghề nghiệp, chuẩn bị chu đáo cho việc học. Cần xây dựng thái độ học tập, tiếp thu kiến thức theo hướng nghiên cứu, so sánh, đối chiếu nhiều chiều, biết thắc mắc, tìm tòi, khám phá, tích lũy kiến thức, tránh tình trạng học sao chép, rập khuôn, thiếu sự chủ động, sáng tạo...

Đối với những lao động thi trượt đại học cũng đừng bi quan vì ngày nay trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, đại học không phải là mục đích cuối cùng, càng không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp, mà có rất nhiều ngã rẽ để đi đến tương lai. Dù học ngành nào, nghề nào cũng phải luôn xác định và sớm tiếp cận mục tiêu nghề nghiệp. Sau khi chọn đúng mục tiêu nghề nghiệp, người lao động có nhiều chọn lựa: học đại học tại chức, mở rộng, từ xa... Điều này không quan trọng, chủ yếu là thái độ và động cơ học tập đúng đắn, không nên học để lấy bằng cấp dù trong môi trường học tập nào.

* Hiện nay, dư luận cho rằng đa số lao động trẻ thiếu kỹ năng sống. Ý kiến của ông ra sao?

- Bằng kinh nghiệm sống và thường xuyên tiếp xúc với lao động trẻ, theo tôi, kỹ năng sống hình thành từ ý thức con người để ứng xử trong mọi tình huống, trên cơ sở đạo đức, xã hội, hệ thống pháp luật. Vì vậy, kỹ năng sống được hiểu là ý tứ, nhận thức của con người. Trong thực tế, tất cả mọi giới, mọi thành phần trong xã hội đều được tôn trọng, đôi khi sự tôn trọng đó làm người thụ hưởng cảm thấy được nuông chiều, không thường xuyên rèn ý thức sống, làm hạn chế kỹ năng sống.

Trong điều kiện phát triển xã hội, thị trường, các phương tiện, điều kiện phục vụ nhu cầu cuộc sống đều có dịch vụ trợ giúp, làm thay, người lao động từ chỗ không quan tâm, thờ ơ, dẫn đến thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Hiện nay, các tổ chức đoàn thể nhận ra được vấn đề này, đã tìm mọi cách để các đoàn viên tham gia các hoạt động cộng đồng, thực hiện và trải nghiệm các hành vi, thái độ ứng xử trước những sự việc trong đời sống sinh hoạt, với mọi người xung quanh... từng bước nâng cao kỹ năng sống. Mặt khác, một số phụ huynh đã gởi con em mình vào các trung tâm huấn luyện, rèn kỹ năng lao động, tự giải quyết, xử lý các khó khăn hàng ngày. Tuy nhiên, xin nhắc lại, tất cả các hoạt động chỉ là sự hỗ trợ, kỹ năng sống được hình thành và nuôi dưỡng trong suốt quá trình phát triển của con người.

* Ông có thể cho vài lời khuyên với người lao động đang trên đường tìm việc?

- Đó là phải mạnh dạn, tự tin thể hiện năng lực, thái độ cộng tác với nhà tuyển dụng bằng chính khả năng của mình thông qua cách trình bày, lập luận vấn đề, cần từ tốn, nhỏ nhẹ nhưng sức thuyết phục cao, đó là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công trong phỏng vấn, tạo ấn tượng. Người lao động nên mạnh dạn trình bày những ý tưởng, khả năng vận dụng kiến thức vào công việc, tuyệt đối không “hô khẩu hiệu” khi trao đổi với nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, người lao động cần trau chuốt ngoại hình, sắc diện, trang phục, cử chỉ, thái độ thật ôn hòa để củng cố sự tự tin, bình tĩnh. Trước khi đăng ký dự phỏng vấn, người lao động nên tìm hiểu kỹ nhà tuyển dụng về vị trí, môi trường làm việc. Khi đi phỏng vấn tìm việc, người lao động cần tập trung hoàn thiện và thể hiện bản thân thông qua thái độ, hành động để đạt mục tiêu duy nhất là có được việc làm phù hợp, khoan hãy đề cập đến tiền lương, thu nhập và những chế độ đãi ngộ.

* Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG MAI (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết