05/04/2018 - 15:06

Xây dựng lại Đề án bảo tồn nhãn cổ để phục vụ du lịch Bạc Liêu 

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung vừa chỉ đạo các sở, ban ngành về việc xây dựng lại Đề án bảo tồn nhãn cổ. Để cây nhãn có thể “làm du lịch” như mong muốn của ngành chức năng và cũng là mong muốn của người dân, đề án sẽ đề ra phương hướng mới, từ đó kết quả được hy vọng nhiều hơn!

Sinh hoạt đờn ca tài tử tại vườn nhãn Bạc Liêu. 

Nhiều năm về trước, không ít người cất được nhà, tậu được xe cũng nhờ cây nhãn. Tuy nhiên, hiện tại thị trường nhãn bắt đầu bão hòa, giá nhãn không giúp người dân sống ổn định như ngày trước. Một số giống nhãn ở đất Giồng - Bạc Liêu bị cạnh tranh gay gắt bởi nhãn lồng (tỉnh Hưng Yên), nhãn tiêu da bò (tỉnh Tiền Giang), nhãn xuồng cơm vàng, cơm trắng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhãn tiêu (giống của Thái Lan)… Hơn nữa, cây nhãn cổ Bạc Liêu được trồng cách đây hơn trăm năm, nhiều cây đã trở nên già cỗi, thoái hóa, bị sâu bệnh, năng suất giảm, ít được chăm sóc và nghề trồng nhãn Bạc Liêu cũng thu hẹp dần. “Trước đây, nhiều nhà phải cất chòi ngay gốc cây để giữ nhãn khi đến mùa thu hoạch rộ, y như mở hội trại vì sợ ăn trộm. Còn bây giờ, nhãn rụng không ai nhặt, cứ trông chờ vào cây nhãn là… chết chắc”, anh Ong Hòa Sơn (ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) tâm sự. Người trồng nhãn ở đất Giồng đang trên đỉnh cao của niềm hy vọng vào một tương lai đổi đời từ nhãn, bỗng nhiên hụt hẫng. Cuộc mưu sinh giờ trông chờ vào các dịch vụ ăn theo cây nhãn như: bán rượu nhãn, củi nhãn, cất quán bên dưới gốc nhãn để kinh doanh cà phê võng, bánh xèo… 

Đề án “Bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch” ra đời vào năm 2012 nhằm “cứu” cây nhãn cổ, cũng như đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch gắn với nét đẹp văn hóa của Bạc Liêu. Mục tiêu của đề án là bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu tiến tới công nhận Giồng Nhãn - Bạc Liêu là “danh lam thắng cảnh” cấp tỉnh. Cho đến nay, qua 5 năm thực hiện đề án, kết quả cho thấy tổng số gốc nhãn được bảo tồn giảm 68 gốc (chủ yếu chết do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, già cỗi, không được chăm sóc hợp lý hoặc phá bỏ để xây dựng nhà…). Lợi ích thu về từ đề án là bước đầu đã nâng cao được nhận thức của người dân về giá trị cây nhãn cổ. Một số hộ dân đã phát huy được việc gắn với kinh doanh các dịch vụ ăn uống, mua sắm tham quan nhãn cổ, từ đó thu hút khách ngày càng đông. Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế đó là chưa xây dựng được sản phẩm du lịch hấp dẫn tại vùng đất Giồng để hấp dẫn du khách hơn nữa, góp phần phát triển du lịch theo mục tiêu của đề án. Đồng thời chưa tổ chức đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho các hộ dân để tạo ra sản phẩm lưu niệm, cũng như lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là danh lam thắng cảnh của tỉnh. Từ đó, việc thực hiện mục tiêu bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch chưa hoàn thành.

Để Giồng Nhãn trở thành một nhánh quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch tuyến ven biển, việc xây dựng lại đề án bảo tồn nhãn cổ là một quyết định kịp thời. Đề án mới này nhằm kế thừa thành quả của đề án trước và tiến hành thực hiện nhiều nhiệm vụ mới mà đề án cũ chưa làm được. Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã yêu cầu các sở, ban ngành liên quan gồm: Sở VH-TT&DL, Sở NN&PTNT, Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính cùng UBND TP. Bạc Liêu xây dựng lại Đề án bảo tồn nhãn cổ trong thời gian tới. Trong đó lựa chọn và tập trung bảo tồn đối với những hộ dân có số lượng nhãn cổ nhiều (khoảng 50 gốc nhãn trở lên) và diện tích tương đối rộng (từ 1.000m2 trở lên) để phát triển du lịch, gắn với xây dựng, cung cấp các dịch vụ phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình hợp tác xã để liên kết các hộ dân trong khu vực Giồng Nhãn phát triển kinh tế thông qua việc cung cấp các dịch vụ sản phẩm phục vụ du khách, đảm bảo tính liên doanh, liên kết, không trùng lắp, có chất lượng và chuyên nghiệp, tạo thành chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch khép kín. Và đề xuất quy hoạch lại thành 3 cụm để phát triển gắn với đặc điểm văn hóa, ẩm thực 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa với tổng số 339 cây nhãn cổ thuộc 5 hộ quản lý. 

Theo Báo Bạc Liêu

Chia sẻ bài viết