20/03/2018 - 14:56

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Hoa 

Thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai việc dạy tiếng nói, chữ viết trong cộng đồng dân tộc thiểu số; trong đó có đồng bào dân tộc Hoa. Nhờ đó, tiếng Hoa được đưa vào giảng dạy trong trường học, góp phần giúp con em đồng bào dân tộc Hoa bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Giờ học tiếng Hoa của học sinh Trường Phổ thông Việt - Hoa. 

Năm 1982, Trường Bổ túc Hoa ngữ (BTHN) Cần Thơ được thành lập, đáp ứng nhu cầu học tiếng Hoa của con em đồng bào dân tộc Hoa. Theo cô Quách Mộc Liên, Hiệu trưởng Trường BTHN, hiện trường có 16 giáo viên và mỗi năm có khoảng 600 học viên. Chương trình giảng dạy theo khóa, học vào ban đêm. Nhiều năm qua, Trường đã liên kết với các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh; Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh tổ chức thi bằng A, B, C tiếng Trung, tạo điều kiện cho học viên của trường, cũng như các tỉnh ĐBSCL có được chứng chỉ bổ sung hồ sơ du học hay làm việc ở các đơn vị có sử dụng tiếng Trung... Đến nay, Trường đã đào tạo hàng ngàn người học tiếng Trung phục vụ trên  các lĩnh vực và giao lưu đối ngoại, góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.         

Trong suốt hơn 36 năm qua, thầy trò Trường BTHN đã nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì, giữ vững chất lượng giảng dạy. Hiện nay, khóa 64 của trường có hơn 600 học viên. Em Trần Thành Ngọc đang theo học bằng C tại trường cho biết: "Em là người dân tộc Hoa nên được học tiếng dân tộc mình một cách căn bản là niềm mơ ước của em. Trong điều kiện kinh tế hội nhập, tiếng Hoa cũng là một ngoại ngữ để giao tiếp, hỗ trợ cho công việc của mình". Còn em Tiêu Hải Yến đang công tác tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II, tâm sự: "Được học tiếng của dân tộc mình thì vui lắm. Thầy cô ở trường rất nhiệt tình hướng dẫn nên em càng cố gắng học. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế, nhờ có bằng B tiếng Hoa mà em xin vào làm phiên dịch cho công ty".

Nhằm tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc Hoa được học tập căn bản tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, UBND thành phố đã cấp đất và Hội Bảo trợ Hoa văn TP Cần Thơ đã vận động kinh phí xây dựng Trường Phổ thông Việt - Hoa. Ông Ngô Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Bảo trợ Hoa văn thành phố, nói: "Chúng tôi rất vui khi được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào người Hoa được duy trì tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Trường sẽ dạy từ mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT". Ông Trần Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Việt - Hoa, cho biết: "Hiện nay, trường tiếp nhận học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 theo hình thức bán trú. Học sinh của trường được học chương trình song ngữ Việt - Hoa và còn học tiếng Anh. Năm học 2017-2018, Hội Bảo trợ Hoa văn thành phố Cần Thơ cũng hỗ trợ học bổng, mua bảo hiểm y tế cho 8 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học tại trường với tổng trị giá 32 triệu đồng".

Bên cạnh việc dạy và học tiếng Hoa, Trường BTHN cũng chú trọng phát huy truyền thống văn hóa văn nghệ dân tộc như thường xuyên tổ chức những cuộc thi viết chữ đẹp, kể chuyện, hát tiếng Hoa... Đồng thời, thành lập đội văn nghệ để phục vụ trong các ngày lễ hội dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa chung của thành phố. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Hoa ở thành phố sẽ ngày càng khởi sắc hơn.

TP Cần Thơ có 3.365 hộ, với 15.889 người dân tộc Hoa, chiếm 1,27% dân số thành phố, chiếm 40,8% số dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết