14/01/2019 - 16:09

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật

(CT)- Ngày 14-1-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Nguyễn Phú Trọng đến dự, chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của các Tòa án nhân dân (TAND). Hội nghị được TAND tối cao tổ chức trực tuyến toàn quốc tại 778 điểm cầu.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ và năm 2018, các Tòa án đã giải quyết 1.379.709 vụ trong tổng số 1.438.845 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 95,9%); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Tòa án giảm dần qua các năm (năm 2016 là 1,3%; năm 2017 là 1,2% và năm 2018 là 1,14%), đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội; chất lượng xét xử được bảo đảm. Trong xét xử các vụ án hình sự thời gian qua đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại các phiên tòa được thực thi nghiêm túc, nhất là tại phiên tòa xét xử các tội phạm tham nhũng và phiên tòa xét xử các vụ án lớn được xã hội quan tâm.

Trong thực hiện cải cách tư pháp, Chánh án TAND tối cao đã ban hành và triển khai thực hiện quy định mới về mô hình phòng xử án, nhằm đảm bảo tinh thần tranh tụng, bình đẳng giữa các bên, đảm bảo quyền con người, quyền tố tụng của các bên và tăng cường khả năng tiếp cận công lý của các chủ thể... TAND tối cao đã triển khai thí điểm mô hình Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở Hải Phòng. Kết quả 6 tháng thí điểm cho thấy đã có 76,6% số vụ việc được hòa giải, đối thoại thành. Hiện nay, TAND tối cao đang nhân rộng thí điểm mô hình này tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng dự án Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án để trình Quốc hội. Ngoài ra, các Toà án đã triển khai đăng tải 210.000  bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử…  

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả hoạt động xét xử của ngành tòa án. Đồng thời đề nghị trong năm 2019, tòa án các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó tòa án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Khẳng định điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của các tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán. Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, khi phát hiện các bản án sai sót, tòa án phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án phải chăm lo xây dựng đảng, xây dựng ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực và có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, giáo dục đạo đức chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức… Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục; kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức lối sống để ngành tòa án phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tòa án, chủ động nghiên cứu và ứng phó những vấn đề đặt ra trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Ngành tòa án cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của ngành trong cả nước…

S.Hà

Chia sẻ bài viết