30/07/2018 - 06:10

Xây dựng cơ chế cải cách phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế 

Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, được Chính phủ giao Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì triển khai "Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại". Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình triển khai cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần kịp thời đưa ra những giải pháp, cũng như điều chỉnh  phù hợp...

Thuận lợi từ NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Hiện có 53 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành đã kết nối NSW với hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp được xử lý thông qua NSW (tính đến ngày 15-7-2018). Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Hiện, cổng thông tin một cửa quốc gia và hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đang được vận hành trên nền tảng cơ sở dữ liệu tích hợp chung và cơ quan đã xây dựng tiện ích cho phép công chức hải quan tra cứu và sử dụng các giấy phép điện tử, chứng từ điện tử do các Bộ, ngành cấp để thông quan hàng hóa. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã triển khai đề án nộp thuế điện tử 24/7. Theo đó, doannh nghiệp có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác. Về ASW, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D (hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định CEPT) với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 15-7-2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 32.949, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 16.214.

Khai báo xuất nhập khẩu tại  Cục Hải quan TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH NAM
Khai báo xuất nhập khẩu tại  Cục Hải quan TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH NAM

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, năm 2016, Bộ Công thương đã thực hiện đơn giản và bãi bỏ 123 thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 15 thủ tục, đơn giản hóa 108 thủ tục. Trên thực tế, Bộ Công thương đã thực hiện được nhiều hơn con số đó, Bộ đã cắt giảm và đơn giản 183 thủ tục hành chính (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, tăng gấp 3 so với dự kiến và đơn giản hóa 134 thủ tục hành chính). Bộ còn thực hiện đơn giản hóa kiểm tra liên ngành, xóa bỏ 420/720 mã HS thực hiện kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương. Ban hành căn cứ giảm theo nguyên tắc căn cứ trên rủi ro. Với mặt hàng còn lại Bộ chuyển từ kiểm tra trước thông quan qua sau thông quan. Bộ Công thương là một trong những Bộ có quy định kiểm tra giảm trong kiểm tra chuyên ngành. Đối với những mã HS không thể bãi bỏ được, vẫn phải kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã ban hành mã HS cũng như những tiêu chuẩn Việt Nam để cơ quan hải quan có căn cứ để kiểm tra. Bộ cũng đã cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời xã hội hóa công tác giám định, thẩm định để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bộ Công thương là một trong những Bộ sớm triển khai NSW. Cuối năm 2017, Bộ Công thương hiện hoàn thành tất cả 11 thủ tục phải kết nối NSW, ASW, nhưng trên  thực tế chỉ kết nối 6/11 thủ tục, còn 5 thủ tục ở những nơi khác chưa sẵn sàng nên chưa kết nối được. Dự kiến tháng 9-2018 việc kết nối sẽ hoàn tất.

Tại TP Cần Thơ, việc triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi cho thương mại luôn được quan tâm và thúc đẩy. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng khai báo, lấy kết quả trên cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhanh chóng, thuận lợi, giảm được nhiều chi phí khi thực hiện thông quan hàng hóa. Đặc biệt, từ ngày 15-11-2017, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua NSW. Từ ngày 25-7-2018, TP Cần Thơ đã triển khai mở rộng NSW tại cảng biển tại các cơ quan Nhà nước quản lý.

Phát huy tối đa hiệu quả

  Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.  Ước tính, năm 2017, với trên 11 triệu tờ khai, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Bộ Tài chính nhìn nhận, việc triển khai NSW còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục hành chính còn thấp. Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý… Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ ra hạn chế từ đặc thù tại TP Cần Thơ, đó là cơ quan Công an quản lý thủ tục đối với hành khách, thuyền viên thay vì Bộ đội Biên phòng như các tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó, Công an chưa kết nối được với NSW, vì vậy hãng tàu và đại lý hãng tàu đồng thời thực hiện khai điện tử đến các cơ quan quản lý khác và thực hiện khai báo hồ sơ giấy với Công an cửa khẩu. Đây cũng là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tại cảng biển.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam, khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay với chính phủ. Ít nhất 3 năm qua các doanh nghiệp "bấu víu" vào những chỉ đạo của Chính phủ, chẳng hạn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm, giảm phí cho doanh nghiệp,… Ngành thủy sản hiện xuất khẩu đến 160 quốc gia, doanh nghiệp rất cần cạnh tranh "khỏe", do đó việc kiểm tra chuyên ngành cần được hiểu nghĩa rộng hơn đó là những hoạt động quản lý Nhà nước đối với một doanh nghiệp, đối với một ngành hàng, bởi vì nó kéo theo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngoài ảnh hưởng doanh thu, việc kéo dài sự việc khiến doanh nghiệp mất niềm tin với đối tác. Bởi vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ khi nghiên cứu, ban hành các văn bản nên xem doanh nghiệp là đối tác chứ không phải là đối tượng... Ngành thủy sản gắn với lực lượng nông ngư dân, gắn với sản xuất và hiểu xa hơn đó là gắn với hội nhập, tiêu chuẩn hàng hóa là cao nhất, một doanh nghiệp trong ngành thủy sản chịu sự quản lý của 7 Bộ, ngành có liên quan. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp rất cần các Bộ, ngành giải quyết các kiến nghị một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, chỉ khi các bộ quản lý chuyên ngành một cách tích cực thì cơ chế một cửa quốc gia mới phát huy tối đa hiệu quả quản lý.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết