23/08/2023 - 08:30

Xác định mục đích sử dụng đất để khai thác hiệu quả và quản lý phù hợp 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Đất đai là nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn vật lực của các quốc gia cũng như của các địa phương, có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đất đai không chỉ đảm bảo mặt bằng để tổ chức các ngành sản xuất, còn mang lại nguồn thu ngân sách hết sức quan trọng. Làm thế nào để tiếp cận đất đai hiệu quả, khai thác nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt này là vấn đề đặt ra trong quá trình các bộ, ngành, địa phương thực hiện lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đất có mặt nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản ở cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.

Mở hướng tiếp cận đất đai

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua việc quy định những điểm mới về đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp… Hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai nhằm thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quyền tiếp cận và khai thác hiệu quả đất đai của các tổ chức kinh tế là tiền đề tạo nên thành công trong khai thác nguồn lực đất đai. Qua đó, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt này hướng đến lợi ích chung và mục tiêu phát triển của đất nước.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Dũng, Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, việc đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp sẽ góp phần kết nối nhà đầu tư với người sử dụng đất, góp phần giải quyết tình trạng đất đai còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương trong quy định về giao, thuê đất, khó khăn trong căn cứ thế chấp để vay vốn để đầu tư, phát huy hiệu quả việc sử dụng đất. Điều này thể hiện rõ trong giải quyết bài toán đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, nhờ đó nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, gia tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Dự thảo Luật cũng tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch để thu hút đầu tư trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn…

Theo ông Nguyễn Công Duy, Trưởng Phòng nghiệp vụ 1, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, tại Điều 10, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa quy định cụ thể về loại đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác. Do đó, có thể bổ sung quy định cơ bản vào Luật Đất đai, còn quy định chi tiết mới trao quyền cho Chính phủ nhằm đảm bảo tinh thần chung và tháo gỡ vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là mô hình trang trại, nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn... Cụ thể, đối với những trang trại sản xuất chăn nuôi nông nghiệp quy mô lớn trong tổng thể diện tích đất của trang trại có sử dụng diện tích để xây dựng kho chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... nhưng theo quy định hiện hành tại điểm k khoản 2 Điều 10, diện tích đất đó được xác định là đất phi nông nghiệp khác. Điều này rất ảnh hưởng đến quy hoạch, mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp, quyền lợi được khấu trừ thuế, hưởng chính sách ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp... Vì vậy, cần xem xét diện tích đất trong tổng thể khu đất thực hiện dự án trong lĩnh vực nông nghiệp mà xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Phân loại sát hợp thực tiễn

Theo Luật sư Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Long, việc phân loại đất như trong Dự thảo hiện nay là quá nhiều, manh mún tạo ra nhiều thủ tục hành chính không cần thiết khi người sử dụng đất muốn chuyển mục đích từ loại đất này sang loại đất khác, gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước về đất đai, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất và không phù hợp với thực tiễn. Thực tiễn sử dụng đất cho thấy, với đất xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, chủ đầu tư ngoài việc xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn có nhu cầu xây dựng nhà ở công nhân và sử dụng cho các mục đích khác. Như vậy, nhu cầu sử dụng đất đa mục đích là có thật và việc phân loại đất theo dự thảo Luật chưa bám sát được nhu cầu thực tiễn và có thể gây khó khăn cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho các doanh nghiệp. Do vậy, cần thu hẹp lại việc phân loại đất trong từng nhóm đất, không nên quy định phân loại thành quá nhiều loại như hiện nay.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Dũng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định phân loại nhóm đất trên cơ sở theo mục đích sử dụng, trong khi đối với đất có mặt nước có thể sử dụng cho các mục đích khác. Do đó, cần làm rõ về đất có mặt nước là đất bãi bồi ven sông, ao, hồ, đầm, đất mặt nước nội địa, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, đất chưa sử dụng... thống nhất theo khái niệm về nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước. Đồng thời quy định thống nhất liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước trong việc cho thuê mặt nước nói chung và đất mặt nước nội địa phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nói riêng. Bởi lẽ trong điều kiện, nhu cầu thực tiễn và hiệu quả to lớn về sử dụng đất mặt nước thời gian qua đã tạo nên động lực to lớn cho người đầu tư và phát triển sản xuất thủy sản, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhảy vọt và trở thành một trong những ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, về nguyên tắc mỗi loại đất có chế độ sử dụng đất khác nhau, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khác nhau. Do đó, nếu quy định cho phép sử dụng đất đa mục đích cần phải có các tiêu chí, điều kiện cụ thể tách bạch từng quyền, nghĩa vụ từng loại đất; có cơ chế, biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ; đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, tránh lợi dụng để sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo mục tiêu giải phóng nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, các quy định sửa đổi trong dự thảo Luật lần này cần đảm bảo tính hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn.

Chia sẻ bài viết