Tôi cứ đắn đo suy nghĩ mãi về lời đề nghị của Gia An. Lần trước về thăm, đêm ngủ lại trên chiếc ghe chật hẹp hễ trở mình là lại lắc lư, nước theo khe hở vào trong, róc rách Gia An nói với tôi, giọng thiết tha, gần như là van nài, khi gió vừa luồn vào bên trong làm tắt ngọn đèn dầu có cái đế rộng để khỏi lật:
- Má, má lên thành phố sống với con đi, hoặc nếu má muốn, con mua nhà cho má ở đất này.
Tôi làm bộ ngủ bằng cách im re. Như không cam tâm, Gia An nói tiếp:
- Má có tuổi rồi, sống trên ghe một mình trái gió trở trời biết tính làm sao.
Nghe con nói vậy, nước mắt tôi chảy. Tôi không nhớ chính xác đây là lần thứ mấy Gia An nói chuyện này và câu trả lời như bao lần:
- Thôi con, đời má nương theo sông mà sống, má quen với sông này, với chiếc ghe này.
Gia An thở dài. Sông Gành Hào rào rạt sóng.
* * *
Gia An ngày nào lội mấy khúc sông cạn đục hàu lỡ đạp miểng đứt chưn hành nóng sốt khóc suốt mấy đêm dài trên ghe, nay đã lớn, có nhà cửa, xe cộ. Thằng nhỏ kêu tôi đi làm thẻ ngân hàng, mỗi tháng gửi tiền về đều đặn. Tôi nói thôi, ở sông nước cần tiền làm gì. Coi bộ thằng nhỏ không vui lắm, tôi bấm bụng lên ngân hàng làm thẻ.
|
Hồi còn nhỏ Gia An nghe lời tôi, về già tôi nghe lời thằng nhỏ. Gia An nói gì tôi cũng ừ để thằng nhỏ vui lòng, yên tâm ở xa làm việc. Chỉ có chuyện Gia An kêu tôi lên bờ sống là tôi tảng lờ. Gia An buồn buồn. Thằng nhỏ sợ sông sâu hiểm trở, sợ nửa đêm gió máy tôi một mình không biết kêu ai. Nhưng tôi đã quen với cảnh sống trên sông, nhìn con nước tôi còn đoán được nước lành hay nước dữ, kinh nghiệm đầy mình nên tôi sống trên sông cũng như người ta sống trên bờ, tôi không thấy sợ. Hồi Gia An còn nhỏ tôi dạy con chừng lớn lên có đi muôn phương cũng không được quên Gành Hào. Con sông đã chở che tôi hơn nửa đời người. Chỗ ngã ba sông, ngày sinh Gia An, tôi nói mụ bỏ nhau rốn đứa nhỏ vào trong túi vải cột lại thả xuống sông, ý nói Gia An là đứa con của sông nước Gành Hào, ý dặn con đừng quên cội nguồn gốc rễ…
Thuở ấy sông Gành Hào trong, nước mát lành. Nhìn sông tôi nhớ cảnh tôi ngồi sau lái ghe nhóm lửa nấu cơm, Gia An ngồi lặt rau muống, nắng chiều rụng xuống mặt sông. Gia An lớn lên, như chim trời đủ lông bay khỏi tổ. Những ngày Gia An ở trên ghe, trên sông giờ đếm trên đầu ngón tay…
* * *
Tôi nhớ cái lần thằng nhỏ đứng trên bờ, còn tôi ngồi trước mũi ghe, Gia An nói mấy câu mà tim tôi lạnh:
- Má lên bờ mà sống. Con muốn má mình ổn định như người ta! Con muốn ngày con dắt bạn gái về ra mắt má, nhà cửa mình đàng hoàng. Má lận đận một đời rồi, giờ vẫn phải sống trôi nổi trên sông…
Tôi chống sào xô chiếc ghe ra giữa sông, mấy chữ cuối trong lời Gia An nói đã rớt đâu đó trên bến bãi. Bóng Gia An thấp thoáng trên bờ chốc lát, thằng nhỏ lên xe, lái đi mất hút. Tôi ngồi trước mũi ghe ôm mặt khóc, như bao bận tôi ngồi ở đây khóc. Một thời gian tôi xuôi ngược trên sông Gành Hào, nay về Cà Mau, mai theo dòng nước ra gần cửa biển Ðông Hải. Ai đó nói vống “Ngoài đó nước chảy xiết, đừng có ra…”. Ghe tôi trở mũi, ngược nước, đi vào. Ai đó trong một đêm lỡ đường thấy đèn ghe tôi còn sáng nên cập lại nói chuyện, nghe tôi kể, trách tôi sao không chịu lên bờ. Tôi cười cho qua chuyện bởi với họ sông chỉ đơn giản là sông, nhưng với tôi sông là ký ức, là tình yêu...
Sông là nơi tôi chọn để nương náu suốt thanh xuân, khi tôi còn là cô gái lớn lên bên dòng Gành Hào. Tôi nhớ cái ngày mình bỏ đám cưới mà chú rể là một thầy giáo dạy cấp hai, để đi theo một người đàn ông sống lang thang sông biển. Anh ở chợ Gành Hào, ngày ngày theo ghe ra biển đánh cá. Ðơn giản là vì tôi không yêu anh thầy giáo. Tôi yêu người trai có nước da rám nắng, phảng phất mùi sông biển mặn mòi. Ba tôi cũng từng là người “gõ đầu trẻ” nên đã đồng ý để đám cưới diễn ra nhanh chóng, bất chấp tôi kể câu chuyện của mình. Ðám cưới dở dang... Ba tôi tức giận đau bịnh rồi đi trong một chiều mưa lất phất.
Từ đó tôi không về nhà. Anh cũng bỏ nghề đi biển, sắm chiếc ghe sống lang thang trên sông Gành Hào, thoảng lại ra cửa biển neo ghe nhìn ra ngoài khơi xa cho đỡ nhớ nghề, vì tôi nói với anh biển to sóng dữ, tôi sợ biển sẽ nuốt chửng anh. Anh nghe lời vì anh yêu tôi, nhưng coi bộ anh vẫn còn đau đáu hướng về biển cả. Mấy lần đi ghe ngang nhà, nhìn lên, tôi thấy má tôi lưng còng tóc bạc đứng trên bến sông nhìn xa xôi. Tôi muốn ghé lại, ôm má, hôn má, quỳ trước mặt má để tạ tội… Nhưng tôi không đủ can đảm. Nhiều lần ngang nhà, tôi nhớ cảnh cũ người xưa. Tôi nhớ điệu hò, xự, xang, xê, cống… của ba tôi. Ðâu đó trên dòng Gành Hào, lâu lâu tôi vẫn nghe giai điệu đó, tưởng như ba tôi đang ngồi trên chiếc xuồng lửng lờ dưới bóng đước bóng bần mà đờn, mà hát.
Ðâu đó trên dòng Gành Hào, đã có lúc tôi phóng xuống nước ôm lấy hình ảnh chập chờn hiện ẩn của ba tôi. Ôm lấy bóng hình anh, người đã ra đi trong một đêm nước lớn, bỏ lại tôi trên ghe, sau một thời gian anh như kẻ mất hồn. Tôi biết tâm tưởng anh hướng về biển khơi. Tôi biết anh sẽ không bao giờ trở lại, sau mùa biển động…
Tôi đã sống trên dòng Gành Hào này suốt một đời. Tôi nuôi lớn Gia An bằng nước Gành Hào năm xưa, bằng tiếng sóng vỗ về đưa con vào giấc. Từ sông, đứa con trai đã lớn lên, mạnh mẽ và bản lĩnh. Bao lần Gia An hỏi tôi về ba, tôi lại đưa con ra cửa Gành Hào, nhìn về phía biển.
* * *
Một đêm trăng sáng. Sông in hình trăng. Không ngủ được, nằm trong ghe, tôi nhận được tin nhắn của Gia An: “Má, con biết dòng sông Gành Hào là tất cả đối với má, con cũng thương sông như thương má. Nhưng mình đâu thể sống trên sông mãi được đâu má. Sông vẫn ở đó, dù má ở đâu thì trong tim má cũng có một dòng Gành Hào luôn chảy. Phải không má?”. Tôi rớt nước mắt. Sông yên lặng. Tôi ngước lên nhìn trăng. Trăng Gành Hào vành vạnh. Tôi nhìn xuống mặt nước. Nước Gành Hào trong như gương.
Tôi nhắm mắt. Ngã ba Gành Hào chia nước về hai ngã. Tôi thấy mình như chênh vênh giữa đôi dòng. Biết chọn hướng nào mà dong ghe? Tôi nhớ Gia An kể cho tôi nghe ước mơ về một căn nhà vững chãi, ở đâu cũng được, bên bờ sông Gành Hào cũng được. Nơi đó, trước sân nhà Gia An trồng hàng rào hoa dâm bụt, sau nhà trồng ít rau, cây ớt, có cái ao thả cá, bên bờ ao Gia An gieo trái đước già, rồi đước sẽ bén rễ, mọc lên xanh um để má nhìn mà đỡ nhớ những chuyến dọc xuôi suốt một đời…
Tôi chợt nghĩ mình thương sông đâu nhất thiết là mình sống trên sông. Như tôi thương anh nhưng đâu nhất thiết là tôi sống gần anh. Anh về biển xa nhưng trong tim tôi vẫn cứ nuôi nấng ấp ôm một bóng hình chưa bao giờ phai lợt.
“Gia An, má quyết định lên bờ. Ở đâu thì trong tim má cũng có một dòng sông, con ha?”, tôi nhắn với Gia An như thế, khi bình minh đã lấp ló ở những xóm nhà xúm xít bên bờ.