27/09/2012 - 22:12

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Xã hội hóa để đảm bảo an ninh giống lúa

Sự liên kết giữa hệ thống giống lúa chính thống và hệ thống giống lúa nông hộ sẽ thúc đẩy mô hình xã hội hóa công tác nhân giống lúa phát triển, tiến tới đảm bảo an ninh nguồn giống cho sản xuất lúa vùng ĐBSCL.

Những năm qua, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đã có những bước tiến quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù năng suất, sản lượng lúa ở ĐBSCL gia tăng liên tục, song việc nông dân sử dụng giống lúa kém chất lượng vẫn còn phổ biến làm giới hạn năng suất. Vì vậy, làm thế nào nâng cao năng lực cho nông dân trong việc chọn giống lúa, từng bước xã hội hóa công tác nhân giống lúa, tiến tới cải thiện chất lượng, giá trị lúa gạo ở ĐBSCL là vấn đề mà các nhà khoa học và các địa phương đặc biệt quan tâm…

* Xã hội hóa công tác nhân giống lúa

Với định hướng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, kể từ năm 1996, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) phối hợp với Tổ chức "Nâng cao năng lực cộng đồng vùng Đông Nam Á" (SEARICE) triển khai Dự án "Bảo tồn và Phát triển đa dạng sinh học cộng đồng" (CBDC). Đến năm 2011, dự án này được đổi mới với nội dung "Tăng cường hợp tác nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông Việt Nam" (FARES). Cụ thể, ở giai đoạn 1 (1996-2010) tập trung vào nâng cao năng lực cho nông dân về chọn giống lúa, cải thiện chất lượng giống, áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến giúp giảm chi phí sản xuất, bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp; Giai đoạn 2 (2011-2013) tăng cường liên kết giữa nông dân và các cơ quan nông nghiệp, địa phương trong nghiên cứu nông nghiệp, khuyến nông.

Theo đơn vị điều phối dự án (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL), sau 15 năm triển khai, tại các tỉnh ĐBSCL và miền Trung đã thành lập được mạng lưới nông dân sản xuất giống lúa, huấn luyện được lực lượng nông dân cùng các nhà khoa học tham gia công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, và cung cấp lúa giống chất lượng phục vụ cho sản xuất lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, Dự án CBDC đã huấn luyện trên 20.000 nông dân về "Kỹ thuật chọn giống và sản xuất giống cộng đồng" và thành lập 358 Tổ Sản xuất. Mỗi năm, hệ thống này cung cấp trên 100.000 tấn lúa giống cấp xác nhận, đáp ứng khoảng 20-30% tổng nhu cầu về giống lúa. Ngoài ra, những nông dân được tập huấn về các phương pháp canh tác cải tiến đã áp dụng vào sản xuất, từ đó nâng cao sản lượng, từng bước cải thiện chất lượng và giá trị lúa gạo. Qua quá trình thực hiện dự án, nhiều nông dân đam mê công tác chọn giống lúa được các nhà khoa học tập huấn phương pháp và kỹ thuật lai chọn giống, trực tiếp bắt tay vào nghiên cứu và chọn tạo ra nhiều giống lúa mới triển vọng. Trong số các giống lúa được nông dân chọn tạo có thể kể đến 1 số giống lúa điển hình như: giống lúa Hòn Đất 1 (HĐ 1) của tỉnh Kiên Giang được công nhận giống lúa mới và giống lúa Núi Voi 1 (NV 1) của tỉnh An Giang được công nhận sản xuất thử…

Những năm gần đây, nông hộ sản xuất và cung cấp giống lúa trong cộng đồng ở ĐBSCL phát triển khá rầm rộ. Đây được xem là tiền đề để phát triển bền vững mô hình xã hội hóa công tác giống ở ĐBSCL. Theo nhận định của các nhà khoa học, hệ thống giống chính thống (các viện, trường, trung tâm giống, trung tâm khuyến nông, trại giống…) không thể đáp ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Do vậy, thời gian tới, hệ thống nhân giống nông hộ vẫn tiếp tục tồn tại và có vai trò quan trọng trong việc giữ vững an ninh nguồn giống cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. "Liên kết giữa hệ thống giống chính thống và hệ thống giống nông hộ là phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay. Về căn bản, mặc dù 2 hệ thống nhân giống này có những điểm khác nhau (chọn giống, sản xuất giống, điều kiện bảo quản, chứng nhận chất lượng…) nhưng cả 2 cùng tham gia vào chuỗi sản xuất giống. Sự liên kết giữa 2 hệ thống giống sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các giống lúa mới có chất lượng đến tay người nông dân, góp phần tăng năng suất, ổn định sản lượng lúa gạo" - Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, phân tích.

* Đảm bảo an ninh nguồn giống

Theo các nhà khoa học, hệ thống giống lúa chính thống và hệ thống giống lúa nông hộ đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Vì thế, sự hợp tác giữa 2 hệ thống và sự phân cấp trong sản xuất sẽ tạo nên sức mạnh, phục vụ tốt nhất nhu cầu giống trong sản xuất. Khi đó, đầu tư của Nhà nước sẽ tập trung nhiều hơn vào nông hộ và nhóm nông hộ; các nhà khoa học sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cùng hợp tác nghiên cứu, chọn tạo giống và sản xuất giống tại cộng đồng. Tiến sĩ Đỗ Khắc Thịnh, Trưởng phòng Di truyền Giống cây trồng, Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, cho rằng: Để mô hình xã hội hóa công tác nhân giống thực sự đi vào đời sống, các địa phương phải tạo dư luận để người dân hiểu về tầm quan trọng của giống lúa đối với sự phát triển của ngành lúa gạo. Ngoài ra, các nhà khoa học phải có sự gắn kết chặt chẽ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng chọn giống và sản xuất giống cho nông dân trong khâu chọn tạo các giống lúa mới thích nghi với đặc tính vùng, miền…

Với kinh nghiệm nhiều năm miệt mài tham gia vào công tác chọn tạo giống lúa phục vụ tại địa phương, ông Phạm An Lạc, một trong những "nhà nông chọn tạo giống" tiêu biểu thuộc Câu lạc bộ Khuyến nông Láng Giài, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Để chọn ra được những giống lúa mới, đạt được những tiêu chuẩn mong muốn như: thích nghi rộng, năng suất cao, phẩm chất ngon, kháng sâu bệnh, đáp ứng được yêu cầu thị trường… là điều không đơn giản. Quá trình này, ngoài mất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi người chọn tạo giống phải có sự đam mê, yêu thích còn rất cần sự tham gia của cộng đồng nông dân. Điều này có nghĩa, khâu chọn giống lúa từ các thế hệ phân ly được triển khai ngay tại ruộng của nông dân và bản thân người nông dân tự đặt ra tiêu chí để chọn lọc giống lúa sẽ mang lại kết quả chính xác, thiết thực".

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của việc thiết lập mạng lưới sản xuất, cung cấp giống lúa chất lượng cho cộng đồng thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình "Tổ giống là trại giống" do cộng đồng phụ trách dưới sự hợp tác và hỗ trợ của hệ thống giống chính thống là giải pháp giúp 2 hệ thống giống liên kết và phát triển bền vững hơn. Làm được điều này, các địa phương không chỉ giúp nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn giống lúa chất lượng một cách dễ dàng mà còn thúc đẩy mô hình "xã hội hóa công tác nhân giống" ở ĐBSCL phát triển, góp phần đảm bảo an ninh nguồn giống lúa, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, cải thiện thu nhập cho người trồng lúa…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết