13/12/2023 - 14:25

WHO đồng hành cùng Cần Thơ thực hiện xét nghiệm dự phòng lây truyền 3 bệnh từ mẹ sang con 

Từ năm 2020, Cần Thơ là địa phương đi đầu triển khai Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ 3 bệnh HIV, viêm gan B (VGB) và giang mai (GM) dựa trên các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Gần 3 năm triển khai, hàng chục nghìn phụ nữ mang thai đã được xét nghiệm, điều trị. Trẻ sinh ra được theo dõi, xét nghiệm. Qua đó, giúp các em bé chào đời khỏe mạnh, không lây truyền bệnh từ mẹ.

* Hàng nghìn phụ nữ mang thai được sàng lọc miễn phí

Hoạt động lây truyền HIV, VGB và GM từ 2 nguồn kinh phí là ngân sách địa phương và hỗ trợ của WHO (sinh phẩm xét nghiệm, đào tạo, tập huấn, giám sát). Các hoạt động của chương trình gồm: tập huấn cho cán bộ chương trình về lấy mẫu - xét nghiệm và báo cáo - chuyển gửi; triển khai cho cho các  trạm y tế, thực hiện tư vấn lấy máu xét nghiệm VGB và GM miễn phí cho phụ nữ mang thai (PNMT) đến khám tại các trạm y tế; tập huấn cho toàn bộ cán bộ chương trình trong hệ thống y tế nhà nước.

Nhân viên Trạm Y tế phường Hưng Phú, quận Cái Răng tư vấn cho thai phụ. Ảnh: H.HOA

CDC Cần Thơ phối hợp WHO xây dựng các biểu mẫu báo cáo, sổ theo dõi cặp mẹ con, phác đồ về chẩn đoán, xét nghiệm HIV, VGB và GM để hỗ trợ cho hoạt động phòng lây truyền từ mẹ sang con; xây dựng quy trình, triển khai các hướng dẫn và xây dựng tờ rơi, áp phích, băng rôn; cấp phát cho các cơ  sở y tế nhà nước, bệnh viện tư nhân và trạm y tế.

Số liệu thống kê từ các cơ sở y tế, từ quý IV-2021 đến tháng 9-2023, toàn thành phố có 37.031 PNMT được xét nghiệm VGB. Trong đó có 15.041 người được xét nghiệm miễn phí tại trạm y tế, phát hiện 245 người có HBsAg (+). Về bệnh GM, có 36.070 PNMT được xét nghiệm, trong đó có 15.027 người được xét nghiệm miễn phí tại trạm y tế, phát hiện 8 người dương tính với GM. 

Về HIV, từ năm 2021 đến tháng 9-2023, thành phố có 41.671 PNMT được xét nghiệm HIV. Trong đó có 15.027 người được xét nghiệm miễn phí tại trạm y tế, phát hiện 17 ca dương tính với HIV và đều được điều trị ARV. Ngoài ra, đã điều trị ARV cho 24 phụ nữ phát hiện nhiễm HIV thời kỳ chuyển dạ. Sau sinh, đã xét nghiệm PCR cho 139 trẻ và đáng mừng là tất cả các bé đều không nhiễm HIV từ mẹ.

* Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng qua 3 năm triển khai, chương trình còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cần Thơ là nơi tập trung nhiều đối tượng nguy cơ từ các tỉnh lân cận; chịu nhiều áp lực về dịch HIV/AIDS, tăng gánh nặng cho các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, điều trị, sinh con, nguy cơ mất dấu, không theo dõi ca bệnh.

ThS Nguyễn Thị Thu Hà, CDC Cần Thơ báo cáo kết quả dự phòng 3 bệnh do WHO hỗ trợ. Ảnh: H.HOA

Chương trình triển khai cho 9 quận, huyện nhưng tỷ lệ xét nghiệm và phát hiện các trường hợp VGB và GM chưa đạt mục tiêu. Chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ được số PNMT trên địa bàn, nhất là các trường hợp thai phụ khám thai tại các bệnh viện tuyến trên hoặc cơ sở y tế tư nhân/phòng mạch tư. Chưa triển khai được việc điều trị VGB và GM cho thai phụ tại tuyến quận/huyện.

Một số thai phụ điều kiện kinh tế khó khăn, không thể lên tuyến trên để theo dõi, điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế. Việc lấy mẫu máu cho trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg dương tính tại tuyến cơ sở khó thực hiện, phải đến các cơ sở  chuyên nhi. Từ đó, số trẻ được gia đình đưa đi xét nghiệm ít. Chưa triển khai được hoạt động phòng lây truyền 3 bệnh cho các cơ sở y tế tư nhân và phòng mạch tư nhân. Chưa có công văn hướng dẫn của Sở Y tế về quy trình phòng lây truyền mẹ con để phối hợp thực hiện giữa các bên (cơ sở sản khoa, cơ sở viêm gan, da liễu).

ThS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Cần Thơ kiến nghị cần ban hành các hướng dẫn triển khai thực hiện về quy trình phòng lây truyền mẹ con, phác đồ, các tài liệu truyền thông (tờ rơi, áp phích…) để hỗ trợ cho các địa phương trong triển khai, thực hiện kế hoạch phòng lây truyền 3 bệnh từ mẹ sang con. Thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV, VGB và GM cho tất cả PNMT trên địa bàn theo chương trình hay làm dịch vụ tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Tư vấn, can thiệp điều trị cho thai phụ sớm trong thời gian mang thai theo bảo hiểm y tế hay dịch vụ (nếu có điều kiện). Triển khai điều trị GM, VGB tại tuyến quận, huyện để đỡ tốn kém cho PNMT. Chuẩn hóa quy trình thực hiện 3 bệnh để áp dụng cho tất cả các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân tại TP Cần Thơ.

BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ cũng cho biết: CDC đã mua thuốc điều trị GM và chuẩn bị cấp cho tuyến dưới để điều trị GM. Về vấn đề quản lý PNMT tư vấn, xét nghiệm 3 bệnh HIV, VGB và GM, CDC Cần Thơ sẽ tham mưu Sở Y tế thành phố có văn bản chỉ đạo.

TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi mong Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước loại trừ lây truyền HIV và GM trong những năm tới và tới năm 2030 loại trừ lây truyền VGB. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Cần Thơ triển khai chương trình này. Trong năm tới, WHO sẽ làm việc với Sở Y tế Cần Thơ để triển khai hoạt động này ở đến các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân…  Hiện nay, các nơi này có thực hiện nhưng chúng ta chưa theo dõi, quản lý được số PNMT làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, điều trị, kết quả em bé sinh ra… để chương trình đạt hiệu quả cao nhất".

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết