10/11/2017 - 21:35

Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ

Vượt khó, dạy tốt 

Ở Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (CĐCĐ&NNNB), có nhiều thầy cô được đồng nghiệp, sinh viên học sinh yêu quý bởi năng lực chuyên môn, sự tận tâm và là tấm gương vượt khó.

Tại Hội giảng Giáo viên dạy giỏi khối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lần I năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tháng 10 vừa qua, 5 thầy cô Trường CĐCĐ&NNNB đoạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 3 giải Ba. Đây là kết quả từ nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn của các thầy cô dự thi và tập thể nhà trường.

Thạc sĩ Dương Minh Hiền, giảng viên đoạt giải Nhất, cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi tham gia hội giảng cấp Bộ. Bên cạnh nỗ lực của bản thân, tôi còn được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, hỗ trợ của đồng nghiệp”.

Hầu hết giảng viên của trường đều tham gia bài giảng từ cấp khoa, trường; sau đó được tuyển chọn dự thi cấp thành phố, bộ. Trường thành lập tổ tư vấn (5-6 người) là thầy cô giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm để dự giảng, hỗ trợ giảng viên. Ở mỗi vòng thi, tổ tư vấn sẽ dự giờ ít nhất một vài lần để góp ý, giúp thầy cô hoàn thành tốt bài giảng.

Theo cô Hiền, trong hơn 3 tháng chuẩn bị hội giảng toàn quốc, ngoài việc tìm tài liệu tham khảo, cô còn học hỏi từ đồng nghiệp, bổ sung thông tin vào bài giảng. Tiết giảng về “Ủ men vi sinh làm nệm lót sinh học” đạt giải vừa qua, nếu theo sách vở, chỉ cần trộn bột bắp với men, nhưng thời gian ủ khá lâu, còn nếu trộn thêm cám mịn, thời gian ủ nhanh hơn. Tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, mọi người cho rằng cách trộn thêm cám mịn hiệu quả, vừa ủ men nhanh vừa tăng độ tơi xốp…

Thạc sĩ Dương Minh Hiền đang giảng dạy tại lớp học.

Cô Hiền kể: “Cách vài hôm, tôi giảng thử 1 lần cho các đồng nghiệp xem góp ý. Dần dần, tôi tự tin hơn, cân đối thời gian phù hợp từng nội dung trong tiết giảng, không để “cháy” giáo án”. Cô Hiền có 2 con nhỏ, chồng thường xuyên công tác xa. Những ngày tham dự hội giảng, cô phải nhờ người thân hoặc bạn bè đưa rước con đi học. Sự vất vả, cùng những đêm dài thức trắng cùng bài giảng, được cô Hiền vượt qua bằng lòng yêu nghề, sự kỳ vọng của người thân, đồng nghiệp.

Gia đình của Thạc sĩ Đinh Thị Đào, giảng viên Khoa Nông nghiệp, cũng khá neo đơn. Chồng là bộ đội, thường xuyên vắng nhà; hai con còn nhỏ (lớp 4 và mẫu giáo), được mẹ chồng cô phụ giúp chăm sóc cháu nhưng cụ cũng đã lớn tuổi. Phần lớn việc gia đình do cô Đào gánh vác. Những khó khăn vất vả không thể cản trở việc theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của cô.

Cô Đào nói: “Sau thời gian dạy tại trường, tôi tranh thủ làm tốt việc nhà, lo cho con. Tôi thường thức đến khoảng 1-2 giờ sáng để nghiên cứu tài liệu, làm mô hình. Tuy ông xã thường xuyên đi công tác nhưng là chỗ dựa tinh thần của tôi. Ông xã tôi thường về nhà vào dịp cuối tuần, còn tôi công tác cả ngày nghỉ, nhưng anh không trách mà động viên tôi hoàn thành tốt việc giảng dạy, nghiên cứu”. 

36 tuổi đời, 11 năm tuổi nghề, từ năm 2013 đến nay mỗi năm cô Đào đều đạt giải thưởng cao ở hội thi cấp thành phố, toàn quốc. Năm 2017, cô đạt giải Nhất Hội giảng Giáo viên dạy giỏi khối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp thành phố; được chọn làm giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp bộ; vinh dự nhận Bằng khen của Công đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cô Đào cho rằng: “Người thầy phải truyền đạt kiến thức cho học trò hiểu, nhớ sâu. Tham gia hội đồng chấm thi, tôi học hỏi cách nhận xét của đồng nghiệp khác và khen chê đúng đắn, tế nhị. Qua hội giảng, tôi học hỏi từ đồng nghiệp về chuyên môn, kỹ năng mềm”. Hơn 10 năm qua, cô Đào đều tham gia công tác chủ nhiệm, từ đó hiểu học trò và yêu nghề giáo hơn.

* *  *

Trường CĐCĐ&NNNB hiện có 130 cán bộ, giảng viên; trong đó có 115 giảng viên. Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 70%. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh trường đang chuyển đổi sang mô hình đào tạo theo Luật giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh tạo điều kiện để thầy cô nâng cao trình độ chuyên môn, trường còn tổ chức, tạo điều kiện để giảng viên tham gia hội giảng các cấp để học hỏi, nâng cao tay nghề. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cô Hiền và cô Đào là hai trong số nhiều giáo viên tiêu biểu vượt khó, dạy tốt của trường, từ đó tạo khí thế thi đua dạy tốt, nghiên cứu khoa học trong toàn trường”.

B. KIÊN

Chia sẻ bài viết