24/12/2020 - 09:38

Vững vàng trên đôi chân tật nguyền 

Dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng chị Lê Thị Diễm (42 tuổi) và chị Lâm Hồng Phượng (38 tuổi), cùng ngụ khu vực Trường Hưng, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, luôn có niềm tin và lạc quan trong cuộc sống để nỗ lực vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội.

Chị Diễm nhận may gia công.

Chị Diễm nhận may gia công.

Chị Lê Thị Diễm là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Chị được nhiều người ở khu vực Trường Hưng cảm mến bởi ý chí, nghị lực vượt khó. Tờ mờ sáng, chị dậy chuẩn bị nấu cơm cho chồng mang đi làm. Sau đó, chị dọn hàng tạp hóa tại căn nhà nhỏ cấp 4 khá vững chắc, vừa được anh chị xây dựng. Nhắc về tổ ấm của mình, đôi mắt chị Diễm ánh lên niềm vui và hạnh phúc: “Ông xã đi làm phụ hồ, ngày kiếm được hơn 200.000 đồng. Tôi thì ở nhà bán tạp hóa và nước giải khát, quà bánh ăn vặt cho mấy đứa trẻ trong xóm. Lúc rảnh, tôi nhận hàng may gia công.

Khi mới lọt lòng mẹ, hai chân của chị Diễm bị co quắp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Từ đó, chị luôn mặc cảm, tự ti. Bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy, chơi đùa, chị chỉ ngồi co ro, nhìn dõi theo. Khi trưởng thành, chị càng mặc cảm hơn, nhất là khi thấy bạn bè sắm sửa, mang giày dép đủ kiểu. Chị hay nhìn xuống đôi chân mình mà nước mắt rưng rưng... Cha mẹ, anh chị trong nhà đã động viên, an ủi bằng cách kể cho chị nghe về những trường hợp bị khuyết tật cả hai chân nhưng vẫn lạc quan, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Những câu chuyện về nghị lực vươn lên dần dần tiếp thêm cho chị sức mạnh, giúp chị vơi đi mặc cảm để nỗ lực hơn trong cuộc sống. Chị Diễm bộc bạch: “Niềm vui lớn nhất của tôi là có được một mái ấm gia đình. Chúng tôi sẽ luôn yêu thương, chia sẻ cùng nhau, chí thú làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Chị Phượng (bên phải) mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Chị Phượng (bên phải) mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Trường hợp của chị Lâm Hồng Phượng cũng tương tự. Bà Huỳnh Thị Nhân, mẹ chị Phượng kể: “Phượng được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng lạ một điều, đến 3 tuổi, Phượng mới bắt đầu tập đi, mà là đi thụt lùi. Sau đó, Phượng bị bại liệt nửa thân người, tay chân co quắp lại”. Tuổi thơ của chị Phượng âm thầm trôi qua trong nỗi đau thể xác. Nhưng bù lại chị luôn sống giữa tình yêu thương của cha mẹ, anh chị em. Hiện nay, hai mẹ con chị Phượng sống chung, nương tựa, chăm sóc lẫn nhau. 

Dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng chị Phượng không đầu hàng số phận. Chị vẫn bươn chải, mưu sinh bằng việc bán vé số dạo ở chợ Ba Se. Mỗi ngày, chị Phượng bán hơn 100 tờ vé số, tiền lời kiếm được trên 100.000 đồng. Để bán được hết số lượng vé số như thế, từ tờ mờ sáng, chị đã có mặt ở chợ, rong ruổi khắp các quán xá, các tuyến đường, ngõ hẻm. Anh Nguyễn Quốc Khánh ở chợ Ba Se, cho biết: “Bà con ở đây cảm mến ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của chị Phượng”. Còn với chị Phượng, đó là sự động viên vô cùng quý báu để chị tiếp tục hành trình của mình. Chị nói: “Khi trời trở gió, cơ thể bị đau nhức, việc đi lại càng khó khăn hơn. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng. Ước mơ của tôi là có được một số vốn, mở quán giải khát, bán quà bánh ăn vặt để trang trải cuộc sống”.

Bà Lý Thị Tú Trinh, Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Lạc, cho biết: “Vốn là người yếu thế, chị Lê Thị Diễm và chị Lâm Hồng Phượng được nhận chế độ trợ cấp xã hội 405.000 đồng/tháng. Điều đáng quý là 2 chị vẫn tích cực lao động, từng bước vươn lên ổn định đời sống. Hai chị là tấm gương vượt lên tật nguyền, rất đáng trân trọng, để nhiều người khuyết tật khác noi theo”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết