30/11/2019 - 07:33

Vui buồn cùng “Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân” 

Tập tản văn “Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa ấn hành) của giảng viên đại học - tác giả Hồ Yên Thục mang phong cách “mạng xã hội” với cách viết khá lạ so với các dòng sách về nghề giáo. Thoạt đầu sách gây ấn tượng với cách hành văn, dùng từ sôi nổi, hài hước; nhưng ẩn sâu là những suy ngẫm chín chắn về nghề giáo và giáo dục hiện đại.

Có thể xem sách như cuốn sổ ghi chép đầy ngẫu hứng của tác giả Hồ Yên Thục, bởi mỗi ngày “lên lớp” của cô nếu không phải “lên thẳng trên mây” thì “tuột mood ngay xuống đất”. Sinh viên là nhân vật trung tâm của những câu chuyện và bằng lối dẫn chuyện khéo léo, sự sắp xếp các đoạn tự sự và hội thoại đa tuyến; đã khắc họa nỗi niềm của một giảng viên đại học trẻ luôn tự rèn giũa trong nghề nghiệp và học cách đứng vững trước bộn bề lo toan cuộc sống.

Giảng dạy ở bậc đại học, cô giáo Hồ Yên Thục được xem là người dẫn dường cho sinh viên đến từ nhiều vùng miền của đất nước. Họ có nhiều tính cách, sở trường, sở đoản, thói quen và hoàn cảnh riêng. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, câu nói ấy quả đúng, khi mà qua lời kể của tác giả, chỉ riêng câu chuyện điểm danh, kế sách khất làm bài tập nhóm cũng trăm phương nghìn kế. Hay có khi cả lớp cùng làm bài sai một kiểu khiến người thầy hoang mang: không lẽ mình sai, trò đúng?

Tác giả còn kể những câu chuyện cho thấy tình thầy trò chân thành, tình đồng nghiệp quý mến và nhiệt huyết với công việc trao truyền thi thức. Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân hóm hỉnh nhận định giọng văn của Hồ Yên Thục có sự tươi trẻ, cập nhật ngôn ngữ “mạng xã hội” khi kể những tình huống khó đỡ của thầy cô vừa thương vừa nghiêm khắc trước những sinh viên ngô nghê quá mức hay lười phấn đấu trong học đường: “Một tập tản văn thú vị, sắc sảo và cả hài hước về tâm lý giáo dục và khủng hoảng giáo dục hiện nay”.

Hơn hết, tác giả, vốn là thạc sĩ Quản lý giáo dục (Đại học Portsmouth, Anh), bày tỏ rằng người thầy cũng là con người và dẫu có nghiêm khắc cũng là mong sinh viên tự giác rèn giũa tinh thần tự học. Từ sinh viên cá biệt đến trò ngoan trò giỏi, ai cũng có cơ hội để thành nhân - thành công trong tương lai nếu biết tự thân phấn đấu. Nhiều lúc, người thầy cũng thầm cảm ơn sinh viên đã giúp họ khẳng định lại ý nghĩa của nghề giáo. Và tuy không đưa người học đi hết cuộc đời nhưng ở một thời điểm nào đó, người đưa đò thầm lặng ấy đã đóng dấu hành trình của mỗi sinh viên không chỉ ở điểm số hay tấm bằng tốt nghiệp; mà là tinh thần cố gắng để hoàn thành mỗi chặng đường trong cuộc đời còn dài phía trước...

Q.M

Chia sẻ bài viết