15/12/2019 - 10:16

Vụ Tết 

Truyện ngắn: NHẬT HỒNG

 

Canh tác nhiều mùa vụ đón Tết, lại tiếp cận giá cả thị trường nông sản, chú Hai nhận ra một điều: cây trái, rau củ nào mới, sáng tạo là sẽ hút hàng, được giá. Nghệ thuật trên trái dưa hấu cũng là một điểm nhấn mới xuất hiện trong những ngày Tết Nguyên đán, nên chú quyết tâm làm.

Mới bàn tới ý định đó thì thiếm Hai cản: “Dưa hấu bây giờ có ăn quanh năm, nên mấy năm này Tết nhứt ít ai ăn dưa hấu. Vậy mà ông còn đòi trồng, không khéo lỗ, mang nợ nần. Tui thấy cứ như cũ, làm rẫy trồng mấy loại đậu, cà, xà lách, rau thơm cho chắc ăn. Tuy cực công, nhưng chắc ăn không lỗ”. Lời thiếm làm chú trầm ngâm, vì quả thực có lý lẽ. Nhưng chú vẫn quyết một lần thoát khỏi vùng an toàn mùa vụ Tết, chú nói: “Má thằng Tâm để tui thử coi sao”.

Vậy là chú âm thầm chuẩn bị dọn 5 công đất ruộng trồng dưa Tết, lại đi học hỏi những người giỏi nghề. Bữa cơm chiều, lúc đủ mặt cả nhà, chú Hai nói: Xưa kia người ta trồng dưa Tết phần nhiều là để khách mua lựa cặp dưa thiệt đẹp cúng ông bà, sau là để có thêm cây trái đổi món. Bây giờ thị trường có thêm “dưa nghệ thuật” vừa cúng ông bà vừa trang trí mâm ngũ quả, rất đẹp mắt.

- “Dưa nghệ thuật” là sao? - thiếm Hai thắc mắc.

- Trái dưa để lớn bình thường thì nó tròn, xổm; còn dưa nghệ thuật mình cho hình dáng nó như ý muốn. Chẳng hạn như trái dưa vuông, có chữ thư pháp Phúc, Lộc, Thọ, hoặc chữ Xuân trên trái dưa.

Thiếm Hai không khỏi ngạc nhiên:

- Trái dưa tròn sao cho nó vuông được? Lại có chữ nữa. Mình chưa từng làm, không rành kỹ thuật, coi chừng mùa vụ mà thất bại thì nhà mình hết ăn Tết đó ông ơi…

- Tôi đã đến tận những nơi người ta làm thành công rồi, có mấy anh bên Hội Nông dân hướng dẫn trồng, bà yên tâm. Trồng “dưa nghệ thuật” sẽ có huê lợi nhiều, lại không lo dội chợ…

Dù chú Hai hết lời giải thích nhưng thiếm Hai vẫn không đồng tình. Dù vậy, để giữ hòa khí trong nhà, thiếm không thể hiện ra mặt, cũng không to tiếng, chỉ cố vớt vát:

- Ông ơi, trồng dưa theo truyền thống đi. Mình cũng có kinh nghiệm rồi, sẽ có nhiều dưa cặp đẹp, bán cũng có tiền vậy! Cần gì phải làm chuyện nhiều rủi ro…

Chú thiếm Hai, ai cũng giữ ý kiến của mình, không nhượng bộ nhau. Từ khi chú Hai khởi công trồng dưa Tết, không khí trong nhà ngột ngạt. Thấy thiếm Hai lo lắng, chú thận trọng xem lại các nguồn thông tin: giống dưa gì, cách thức để cho trái vuông, ngày giờ đậu trái… Khi đất dọn xong, bờ liếp thẳng tắp, chú Hai lần tay tính ngày, gieo hột. Năm nay nước ít cũng là điểm thuận lợi, nhưng dưa vừa ngã ngọn bò thì hai đợt mưa lớn dồn dập làm cho dưa đang phát triển chợt khựng lại, chùn đọt. Chú Hai chạy đôn đáo học hỏi cách khắc phục. Thiếm Hai mặt mày bí xị: “Tui nói rồi mà, khó trồng lắm!”

Mọi nỗ lực của chú Hai cũng được đền đáp, đám dưa dần dần phát triển trở lại, từng cây dưa cọng mập bỏ vòi bò thấy mê. Chú ngày đêm theo dõi đám dưa lớn từng ngày, mắt không rời từng dây dưa bò, không bỏ sót đọt nào, kể cả những dây xấu nhất. Nằm xuống trước khi ngủ, chú còn rà lại trong trí từng đọt dưa, đọt nào sần sượng, kém phát triển thì sáng hôm sau bồi dưỡng ngay. Những côn trùng có hại, côn trùng có lợi, mật độ con trong mét vuông, chú theo dõi sát sao. Ruộng dưa tươi tốt, phát triển nhanh, ai qua lại cũng trầm trồ.

***

Những ngày không khí trong nhà ngột ngạt, Tâm cố gắng dung hòa bằng cách vừa theo chú Hai ra ruộng phụ giúp chăm sóc dưa, vừa lựa lời nói với thiếm Hai rằng dù vụ dưa này có thất bại, nhà mình cũng không đến nỗi túng thiếu. “Má cứ cho ba được thỏa sức một lần!” - Tâm động viên.

Mỗi sáng sớm chú Hai đi giáp đám dưa mới chịu vô nhà, lại kêu Tâm đến nói:

- Bây coi sao không cho đậu trái thẳng hàng. Đã bảo cách mười hai lá, thì cho đậu trái, mỗi dây mỗi trái không xê dịch, những trái dưa ấy sẽ nằm thẳng hàng và sau này khi cho định hình vuông sẽ lớn nhanh đều nhau.

Tâm giải thích:

- Phải có phương án dự phòng lỡ khi để trái bị côn trùng cạp vỏ có thẹo phải bỏ, chưa nói đến vuột nụ, phải để trái kế đó.

Chú Hai nghe vậy, đưa quyển sổ cho Tâm coi:

- Đây là ba ghi lại kỹ thuật học được nè. Khi dưa để trái lớn đủ thì cho vô nòng để trái dưa sau này thành vuông, trong nòng có nổi cộm những chữ, phước, lộc, thọ… Đến đúng ngày mở ra mới như ý muốn.

Chú cũng cẩn thận ghi thêm cách sử dụng phân, tưới nước, cách phòng trị sâu rầy… Tâm nghe vậy, lại cùng chú Hai bàn bạc kỹ những việc cần làm để có mùa “dưa nghệ thuật” như ý.

Từ lúc đầu, chú Hai đã trao đổi với Tâm việc chọn giống dưa, giống dưa vàng bao nhiêu dây, dưa đen vỏ bao nhiều dây. Tất cả sự việc, chú tính kỹ, hợp với thị trường tiêu thụ sản phẩm và theo thị hiếu của khách hàng. Chú dặn Tâm: “Dưa nghệ thuật, không được lớn quá, cỡ từ 6 tấc hoành đến 8 tấc là cùng, để chưng trên bàn, hoặc trong mâm ngũ quả là vừa đẹp mắt!”.

Tâm nghe lời chú Hai dặn và cố gắng làm theo, nhưng trong lòng đôi lúc cũng mệt mỏi vì căng thẳng và lo lắng. Bởi trên thực tế còn thời tiết, mưa nắng bất thường, có ai lường trước được đâu? Như năm rồi dưa hấu ông Ba Dư còn vài ngày nữa thu hoạch, trời đang nắng bất chợt nện xuống đám mưa nước nổi linh láng, dưa ngập úng hết trọi.

Lo đâu trúng đó, thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, mưa cứ dai dẳng và những đám mưa như trút nước ảnh hưởng đến sự phát triển của dây dưa. Mặc dù chú Hai đã lường trước và có màng phủ, thoát nước tốt không úng ngập, nhưng mưa làm dập lá dưa, chú Hai lo thân dưa bị trầy xước. Mỗi lần thấy mây quầng tụ trên trời, chú Hai và Tâm như ngồi trên đống lửa...

Với sự chăm chút, theo sát của chú Hai và Tâm, rồi đám dưa cũng đến ngày thu hoạch. Sắp tới đích rồi, chú Hai lại nhuốm bịnh, không thể phăm phăm ra ruộng như trước nữa. Thấy chú như vậy, thiếm Hai cũng không còn giận hờn mà lo lắng, động viên chú: “Ba thằng Tâm đã làm hết sức rồi, lời hay lỗ không quan trọng nữa ông à, có sức khỏe đế vui Tết với con cháu là trên hết”. Chú Hai nghe vậy cười cười cầm tay thiếm, không nói gì, chỉ thấy cơn bịnh chợt như biến mất hết trọi.

***

Lúc chú Hai hết bịnh, xuống giường, ra ruộng được, cũng là lúc thương lái từ thành phố đến cắt dưa đem ra chợ Tết. Tính ra vụ Tết này chú lời gấp ba so mấy năm trước. Nhưng công cán và căng thẳng cũng nhiều gấp mấy lần. Hôm nhận tiền bán dưa, thiếm Hai thở phào, cười nói với Tâm: “Đây là ý tưởng đột phá của ba bây đó! Càng già càng hay!”. Chú Hai nói: “Thiệt ra tui quyết làm vụ Tết này là để có dư mà đi hỏi vợ cho thằng Tâm thiệt long trọng. Tâm nó thương con gái nhà người ta, cũng đến lúc cưới rồi”. Tâm nghe nói vậy, chợt thấy mắt cay cay: “Ba à, con lớn rồi, sẽ cáng đáng chuyện nhà, chuyện ruộng rẫy. Ba phải thiệt khỏe mạnh để bên cạnh chỉ dạy con nhiều hơn…”.

Chú Hai với thiếm Hai nhìn nắng Tết, gật gù: “Thằng Tâm trưởng thành, là vụ Tết lớn nhứt của nhà mình rồi”.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Vụ Tết