23/10/2010 - 21:42

Võ sư Võ Thiện Đường
với Lò võ Bạch Hổ vang bóng một thời

Võ sư Võ Thiện Đường
(ảnh chụp lại).

Những năm 1935-1965, Thốt Nốt được coi là trung tâm võ đài của miền Tây Nam bộ. Trong dân gian lưu truyền mấy câu thơ miêu tả vị thế của võ đài Thốt Nốt:

Chợ Thốt Nốt có lập đài khán võ
Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông
Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng
Để anh đi đánh võ kiếm tiền đồng nuôi em

Sau này, võ thuật ở Thốt Nốt không còn cao trào nên người đời mới sửa lại câu mới: “Để anh làm mướn kiếm tiền đồng...”.

Người Thốt Nốt vốn dĩ rất hiền hòa, yêu thích văn thơ, đam mê đàn ca tài tử nhưng vẫn mang trong người cái tính cách từ thời ông cha “mang gươm đi mở cõi”, đương đầu với thú dữ, với ngoại xâm (Xiêm, Pháp) thì tư tưởng “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên” là động lực cho nhiều người đi vào nghiệp võ.

Vùng đất nho nhỏ bên bờ sông Hậu lúc đó có ba lò luyện võ: Lò võ của võ sư Đỗ Văn Hoằng (Ba Hoằng) ở cù lao Tân Lộc; Lò võ của võ sư Sáu Kiết ở Trung An (Trà Ếch); Lò Bạch Hổ của võ sư Võ Thiện Đường ở Trung Nhứt (Trà Bay).

* * *

Võ Thiện Đường hay còn gọi là Năm Đường, sinh năm 1912 tại Tân Lộc Tây, Thốt Nốt. Sau này lập gia đình với bà Trương Thị Út, ông sống luôn bên vợ ở Trà Bay xã Trung Nhứt, Thốt Nốt, nay là phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Từ năm 1930-1937 ông lần lượt thọ giáo với các võ sư: Mã Thành Lèo, Đỗ Thiện Tích, Tô Hùng Bính, Hai Đen, Tư Tống,... là những cao thủ đại diện cho các trường phái võ thuật: Thiếu Lâm Tự, Taekwondo, quyền anh và võ cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu sâu võ Thái Lan để chuẩn bị cho những ngày “xuống núi” đấu đài trên đất Campuchia.

Trải qua 8 năm luyện võ với năm võ sư danh tiếng, ông vẫn chưa an tâm với tay nghề của mình. Ông dành thêm thời gian tập luyện các thế đánh dưới nước mà các vị sư tiền bối chưa từng dạy. Ông nhận biết dưới nước bị lực cản rất lớn, nếu thích nghi các thế đánh dưới nước thì hiệu quả sẽ tăng cao khi giao đấu ở trên bờ... Thậm chí ông còn nghiên cứu cả thế đá của gà chọi... để áp dụng vào thế miếng.

Năm 1938, võ sư Năm Đường bước vào tuổi 27. Ông lại qua tỉnh Xiêm Riệp và thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) Campuchia dấn thân vào con đường nghiệp võ. Ông phải nằm chờ ba tháng để quan sát các trận đánh quốc tế của các võ sĩ Thái, Lào, Campuchia, Miến Điện, Marốc do Pháp tổ chức.

Hồi đó, việc cáp độ giữa các cặp đấu võ đài chỉ chú trọng vào chiều cao, trọng lượng, không phân biệt loại hình võ thuật nào. Nếu hai bên đồng ý là cho thượng đài, thi đấu tự do, không mang găng tay, không đội mũ bảo hiểm, không hạn chế đòn bén... Võ sĩ thua trận có thể chết ngay trên võ đài. Trước khi giao đấu hai bên phải ký vào tờ giao kèo có mất mạng thì thôi... Đối thủ đầu tiên mà ông Võ Thiện Đường bắt thách là một võ sĩ người Thái Lan có thân hình vạm vỡ, rắn chắc, da đen bóng, trước lúc thượng đài miệng niệm thần chú và nhai ngấu nghiến trong miệng thứ bùa ngải gì đó nghe xàm xạp. Võ Thiện Đường cũng có thân hình chắc nịch, làn da màu bánh mật trông có vẻ nhu mì hơn. Ưu thế là ông có chiều cao nhích hơn võ sĩ người Thái, chân tay cũng có phần dài hơn. Võ sĩ Thái chủ quan vì trước nay võ sĩ người Việt chưa có tiếng tăm trong làng võ. Trong khi võ sĩ này đã trải qua mấy trận thắng nốc ao nên rất tự tin. Vào đấu không lâu, võ sĩ người Thái bị Năm Đường đánh gục chỉ bằng một cú đá song phi trúng vào cạnh hàm trước sự ngơ ngác của hàng ngàn khán giả. Trận đầu ra quân rất thuận lợi. Tuy nhiên, Năm Đường vẫn cảm thấy chưa ngon vì đối thủ có phần “nhỏ con” hơn mình.

Một tháng sau, ông thượng đài với võ sĩ người Thái khác. Võ sĩ này cao thủ hơn, kinh nghiệm trận mạc nhiều hơn. Lúc bấy giờ người Việt làm ăn sinh sống ở Nam Vang cũng khá nhiều, biết được thông tin trận quyết đấu giữa võ sĩ Việt Nam với võ sĩ Thái nên kéo lên Xiêm Riệp rất đông để xem và cổ vũ. Còn về phía người Thái thì coi đây là trận phục thù. Hai bên gặp nhau trong khí thế hừng hực... Lúc bấy giờ các thầy dạy võ cho Năm Đường cũng có mặt đầy đủ. Một người bác họ của tôi hồi đó đi theo ông Năm Đường có kể lại mấy ông thầy rất lo ngại vì học trò mình còn non nớt trận mạc nên có ý định hồi trận đấu... Nhưng ông Năm Đường kiên quyết vì “màu cờ sắc áo”. Ngày thi đấu, trước khi leo lên võ đài ông còn nói dặn lại “thầy coi con giải quyết trong vòng 5 phút”. Cả đoàn người đi theo - cả thảy 31 người - gần như nín thở hồi hộp...

Võ sĩ Thái thân hình vạm vỡ cao to. Về hình thể, võ sĩ này rất cân xứng với ông Năm Đường. Đúng là “kỳ phùng địch thủ”.

Sau khi kẻng khai đấu nổi lên, võ sĩ Thái nhún chân bay tấp vào người Năm Đường. Ông cũng rất nhanh nhẹn lách người qua một bên, đối thủ lỡ đà tấp vô dây rào đài rồi lộn ngược một vòng trở ra. Sau lần ra đòn hụt, đối phương càng hung hãn hơn, tiếp tục tấn công. Ông Năm Đường cũng đã bị hai lần trúng đòn nhưng chưa ảnh hưởng đến thể lực. Thoắt một cái, hai võ sĩ tiếp cận sát vào nhau và người ta cũng chỉ nghe tiếng “hự hự”, võ sĩ người Thái nằm sóng sượt trên sàn đài, máu miệng trào ra... Bác tôi kể rằng, người võ sĩ Thái sau đó tỉnh lại mà không chết. Sau trận đấu đó, thầy trò Võ Thiện Đường ở Nam Vang tiếp tục đánh võ đài. Tên tuổi võ sĩ Võ Thiện Đường ngày một vang lừng khắp Đông Dương. Ở Nam Vang, Năm Đường cũng nhận dạy võ cho nhiều võ sinh người Việt, người Khmer, Lào... hơn 5 năm.

Năm 1943, ông Năm Đường về nước vì áp lực của gia đình sợ ông phải “sinh nghề tử nghiệp” nơi đất khách, buộc ông phải cưới vợ, làm ăn. Nhưng trong lòng ông vẫn luôn nặng nợ với nghiệp tổ. Rồi ông lại tiếp tục chu du thư hùng khắp các võ đài Trung, Nam bộ như: Qui Nhơn, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, Gia Định, vòng về các tỉnh thành Tây Nam bộ và chạm trán với những võ sĩ được mệnh danh là “tướng núi”, “thầy gồng” vùng Thất Sơn Châu Đốc... tiếng tăm ông càng vang lừng...

Người đời tặng cho ông cái biệt danh là Bạch Hổ, tức là con cọp trắng: tướng tinh - biểu tượng sức mạnh của Tiết Nhơn Quý trong truyện Tàu.

Võ sư Võ Thiện Đường bắt đầu dạy võ từ những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, đã đào tạo ra nhiều võ sĩ rạng danh. Nhưng mãi đến năm 1959 ông mới thật sự “đăng đàn thượng bảng” và cũng xuất phát từ danh tặng “Bạch Hổ” của người đời dành cho ông, lò võ của ông lấy tên võ đường Bạch Hổ. Tương truyền, bạch hổ còn là truyền thuyết dân gian nói về sự xuất hiện con cọp trắng ở vùng Thốt Nốt vào những năm 1780-1800. Những tháng mùa khô, bạch hổ lưu trú quanh quẩn khu vực từ vàm rạch Thốt Nốt vô Trà Bay, Trà Cui, Bắc Đuông, có lúc vòng lên Bà Chiêu. Đến mùa nước nổi (tháng 8, tháng 9) cọp bạch lội ngang sông lớn qua cù lao Tân Lộc, trú ẩn từ rạch Ông Chủ đến rạch Gừa, rạch Bông Bụp, vì mùa này đất cồn có nhiều gò cao ráo, cũng là chỗ nương thân của nhiều thú hoang làm thức ăn cho cọp... Người cù lao có lập miếu thờ Bạch Hổ gần chùa ông Đạo Xuân, thuộc khu vực Lân Thạnh. Hàng năm đều có tổ chức cúng heo sống, dâng tờ cử (sớ) xin bạch hổ bảo hộ dân làng... Lệ này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay...

Trong những năm 1958-1960, ở Thốt Nốt nổi lên mấy tên cướp rất hung hãn. Ban đêm chúng đến nhà dân để thơ trên bàn thông thiên tống tiền. Bọn chúng cũng đã từng giết những người không đáp ứng đòi hỏi của chúng làm cho dân tình hoảng loạn... Người giàu có trong vùng yêu cầu ông Năm Đường mở trường dạy võ cho gia nhân, con em họ để tự vệ. Võ đường Bạch Hổ được bà con trong vùng gởi con em mình theo học. Nội qui, điều luật của võ đường rất nghiêm ngặt: học võ để cứu người, làm chuyện nghĩa hiệp, giữ gìn luân thường đạo lý, cấm kỵ tà dâm, trộm cướp... Võ sinh vào học phải thắp nhang thề độc giữ môn quy.

Những năm sau, đời sống bà con được yên bình, phong trào võ thuật từ đó cũng chìm lắng. Hình ảnh võ sư Võ Thiện Đường với lò Bạch Hổ vẫn được ca ngợi lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay:

“Thiện Đường danh trấn trong thiên hạ
Bạch Hổ vang lừng khắp bốn phương”

Năm 1985, võ sư Võ Thiện Đường lâm trọng bệnh, vì tuổi già sức yếu, gia đình lại túng hụt, nghèo khó, không tiền chạy chữa thuốc thang, ông qua đời, hưởng thọ 73 tuổi.

Bài, ảnh: ĐOÀN NÔ

Chia sẻ bài viết