30/11/2020 - 12:55

Vĩnh Thạnh hỗ trợ nông dân sản xuất lúa đông xuân 

Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2020-2021, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống trên 25.096ha, ước tổng sản lượng khoảng 188.225 tấn lúa hàng hóa. Để đạt kế hoạch này, Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" vào sản xuất. Đặc biệt khuyến cáo nông dân xuống giống lúa đông xuân theo lịch thời vụ, né rầy, phòng tránh dịch bệnh…

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh gieo sạ lúa đông xuân 2020-2021.

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh gieo sạ lúa đông xuân 2020-2021.

Theo lịch thời vụ, từ ngày 20 đến cuối tháng 11-2020, nông dân huyện Vĩnh Thạnh tập trung xuống giống lúa đông xuân. Vì đây là thời điểm có điều kiện thời tiết thích hợp cho sản xuất và phát triển cây lúa. Đồng thời, thời điểm xuống giống cũng tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng; thời gian giãn cách giữa hai vụ lúa tối thiểu 3 tuần, không để tình trạng trên cùng một cánh đồng, cùng một đê bao có nhiều trà lúa khác nhau… Ông Võ Văn Hòa, ở xã Vĩnh Trinh, cho biết: "Hiện nay, ruộng của tôi đã xuống giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, lúa nảy mầm phát triển tốt. Năm nay, tôi áp dụng biện pháp sản xuất theo kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", sử dụng giống lúa xác nhận gieo sạ theo ngành Nông nghiệp hướng dẫn. Vì, canh tác lúa theo kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" vừa giảm chi phí sản xuất, quản lý được dịch bệnh, vừa cho năng suất khá cao...".

Đến thời điểm này, hầu hết các xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Thạnh đã đồng loạt xuống giống lúa đông xuân 2020-2021. Cơ cấu giống lúa được ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đặc biệt quan tâm, hướng dẫn nông dân gieo sạ phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ, như: Jasmine 85, OM 5451, Đài Thơm 8, OM18 và một số giống khác khi có doanh nghiệp bao tiêu ngay từ đầu vụ với giá cả hợp lý, như: RVT, nàng hoa 9, ĐS1, nếp… Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống cấp xác nhận hoặc tương đương, hạt giống phải sáng màu, sạch bệnh, không lẫn hạt lúa cỏ… để gieo sạ. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng hướng dẫn, nhắc nhở nông dân trước khi sạ 10 ngày nên thử độ nảy mầm của hạt giống, cần loại bỏ lô giống có tỷ lệ nảy mầm thấp, hoặc thời gian nảy mầm kéo dài. Lượng giống gieo sạ hàng phải đạt 80-100 kg/ha; sạ tay từ 100-120 kg/ha, tối đa không quá 150 kg/ha... nhằm đảm bảo tốt cho việc chăm sóc, phòng trị bệnh hại cho lúa.

Để đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ lúa đông xuân, huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân trong từng khu vực đê bao tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, xới đất và ngâm lũ để rơm rạ có thời gian phân hủy, tạo thuận lợi cho lúa đông xuân phát triển tốt. Từng khu vực đê bao tổ chức họp dân để thống nhất lịch xuống giống cũng như những giải pháp cần thiết để liên kết nông dân thực hiện gieo sạ đồng loạt trên cùng cánh đồng… Bên cạnh đó, các hoạt động gia cố bờ vùng, bờ thửa đủ cao cũng được tập trung thực hiện nhằm phòng tránh nước tràn bờ khi triều cường lên cao; trang, sửa, trục, trạc tạo mặt ruộng bằng phẳng; nạo vét mương, rãnh đủ sâu, đủ rộng để việc tưới, tiêu hay siết nước giữa vụ được thuận lợi; tổ chức thu gom, diệt trừ hiệu quả chuột, ốc bươu vàng trên nền ruộng trước, trong và sau khi xuống giống, nhất là trong giai đoạn lúa non… Đặc biệt ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh hướng dẫn, chuyển giao và ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hướng đầu tư hợp lý, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Trong đó tập trung áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện môi trường, nhằm hạn chế sâu bệnh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm (kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới ướt khô xen kẽ…) và tổ chức các điểm trình diễn để nông dân tiếp cận quy trình sản xuất theo các kỹ thuật nêu trên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, vụ lúa đông xuân năm nay, Vĩnh Thạnh tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa, liên kết trong sản xuất và bao tiêu lúa giống; vận động nông dân tuân thủ hợp đồng đã thỏa thuận trong áp dụng quy trình sản xuất, trong bán lúa hàng hóa thông qua hợp đồng với doanh nghiệp; đồng thời củng cố và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch hại lúa các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò lực lượng khuyến nông, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật cơ sở để hỗ trợ nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân - vụ lúa chính trong năm.

UBND huyện Vĩnh Thạnh yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, sâu bệnh để thông tin dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh kịp thời giúp nông dân chủ động theo dõi, phòng trừ hiệu quả và bảo vệ tốt vụ lúa đông xuân 2020-2021. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt cho nông dân, nhất là hướng dẫn nông dân biện pháp quản lý hiệu quả lúa cỏ ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống; phối hợp các xã, thị trấn phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi giúp tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ lúa giống…

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Vụ lúa đông xuân 2020-2021, Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm với mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất. Hướng dẫn nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy theo lịch thời vụ; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, nhất là kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" vào sản xuất; vận động nông dân tích cực chăm sóc, bảo vệ tốt ruộng lúa góp phần thắng lợi vụ lúa đông xuân 2020-2021".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết