01/03/2024 - 12:20

Vĩnh Long phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-12-2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu về xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư và nhiều mô hình sản xuất NNCNC. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định cần tháo gỡ về công tác này trong thời gian tới.

Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Tỉnh Vĩnh Long đã ban hành một số chính sách tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu và chuyển giao, duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển NNCNC, như Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 23-3-2023 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển NNCNC, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Các chính sách này quy định sử dụng lồng ghép nguồn ngân sách để hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống chuồng lạnh khép kín, xây dựng mới hoặc mua sắm mới trang thiết bị chế biến, bảo quản lạnh nông sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP... phục vụ phát triển NNCNC.

Nhiều diện tích cây trồng cạn ở Vĩnh Long ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Trong ảnh là khu tưới phun mưa cho cây rau trồng trong nhà màng ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân.

Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục mời gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2021-2025, trong đó có 10 dự án sản xuất NNCNC. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Vĩnh Long, có 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư ước tính 8.425 tỉ đồng được mời gọi đầu tư tại các huyện: Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn và Mang Thít. Năm 2023, trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tỉnh có 9 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 24,7 tỉ đồng; nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 47 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tổng số vốn đăng ký là 762,6 tỉ đồng) và có 40 dự án được cấp chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư (tổng vốn đăng ký tương đương 8.092 tỉ đồng), trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6,85 triệu USD. Mức độ đầu tư và khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân dần cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ đã mạnh dạn thuê đất để mở rộng diện tích, chủ động sản xuất theo quy trình đồng bộ, đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa,... để tạo ra sản phẩm đủ lớn về số lượng, chất lượng, an toàn, giá thành thấp, cạnh tranh cao.

Xây dựng nhiều mô hình sản xuất NNCNC

Song song đó, tỉnh Vĩnh Long chú trọng xây dựng các khu sản xuất NNCNC, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao thông qua các dự án, chương trình, các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản tích hợp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, gia tăng giá trị, đảm bảo đầu ra và thân thiện môi trường. Kết quả phát triển NNCNC của tỉnh trong những năm qua thông qua áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP, hữu cơ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến nay, toàn tỉnh có 42 cơ sở sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP và tương đương, an toàn dịch bệnh. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 9 cơ sở với tổng diện tích sản xuất 117,1ha, sản lượng 44.654,8 tấn/năm; lĩnh vực chăn nuôi, có 27 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh, 70 trang trại, trại nuôi gà thịt (sản lượng 7.974 tấn/năm) và 9 trại nuôi heo (sản lượng 2.948 tấn/năm) được chứng nhận VietGAHP và tương đương; lĩnh vực thủy sản, có 6 cơ sở được chứng nhận với sản lượng sản xuất 12.447 tấn/năm và 54 triệu con giống/năm.

Đến giữa tháng 1-2024, toàn tỉnh có 300 cơ sở được cấp 341 mã số còn hiệu lực (tăng 217 cơ sở và 248 mã số so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có có 86 cơ sở được cấp 122 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 2.418,7ha; 78 cơ sở được cấp 78 mã số vùng trồng nội địa và có 12 cơ sở được cấp 13 mã số cơ sở đóng gói. Lĩnh vực thủy sản có 7 cơ sở được cấp 8 mã số nuôi động vật hoang dã dưới nước; lâm nghiệp có 117 cơ sở được cấp 120 mã số nuôi động vật hoang dã trên cạn. Toàn tỉnh có hơn 13.200ha cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (chiếm 14,4% tổng số diện tích cây trồng cạn).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận hữu cơ, gồm: 168ha trồng lúa của Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi, HTX Nông nghiệp làng hữu cơ Hiếu Thuận ở xã Hiếu Thuận (huyện Vũng Liêm) và HTX nông nghiệp Tân Tiến ở xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình); 38,56ha mô hình trồng dừa hữu cơ của 93 hộ nông dân xã Trung An (huyện Vũng Liêm), đang tiếp tục mở rộng sang các địa phương khác; 10ha vùng trồng cam của HTX Nông nghiệp Phương Thúy (huyện Trà Ôn); 12ha mô hình cải xà lách xoong ở xã Thuận An (thị xã Bình Minh), sản lượng 2 vụ đạt 1,3 tấn/1.000m2. Hiện, tỉnh xây dựng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cây dừa 30ha tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm…

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tuy bước đầu đạt kết quả đáng kể, nhưng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Các mô hình chỉ ở mức độ trình diễn, diện tích và số lượng cây trồng, vật nuôi theo công nghệ cao còn thấp và sản phẩm đầu ra còn khó khăn. Đặc biệt khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn và quỹ đất dành cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực này do giá thuê hoặc mua đất còn cao. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập và phát triển, nhất là ở vùng nông thôn, là rào cản lớn để xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay các dự án được mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao được triển khai vào thực tế rất thấp. Tỉnh chưa hình thành vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chưa có doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định. Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm hỗ trợ phát triển hợp tác xã; sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa... đã được ban hành, song việc triển khai/tiếp cận chính sách chưa hiệu quả, chưa kịp thời.

Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết