09/10/2009 - 09:26

Việt Nam hiện có 400.000 người mù cả hai mắt cần được khám và điều trị

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: trên thế giới có khoảng 314 triệu người bị mù và thị lực thấp cần được khám mắt định kỳ hàng năm, trong đó có khoảng 45 triệu người mù. Trung bình cứ 5 giây thế giới lại có thêm 1 người mù và cứ 1 phút lại có thêm 1 trẻ bị mù; 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn hết sức khó khăn.

Đáng chú ý là 75% nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được như các bệnh: đục thể thủy tinh, glôcôm, thoái hóa hoàng điểm, tật khúc xạ... Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Bệnh viện Mắt Trung ương, ước tính có khoảng 400.000 người mù cả hai mắt; nguyên nhân gây mù chủ yếu vẫn là do đục thủy tinh, chiếm tới 66,1% và hơn một nửa trong số này thuộc diện khó khăn, không đủ điều kiện để phẫu thuật.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Thị giác Thế giới năm 2009” với chủ đề “Bình đẳng giới trong chăm sóc mắt” do Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức ngày 8-10.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ: Ngành Nhãn khoa Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến đã được áp dụng giúp người dân được chăm sóc về mắt ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ mù lòa cao. Để đạt được mục tiêu quốc gia về phòng chống mù lòa, Việt Nam đã ký cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ sáng kiến toàn cầu về “Thị giác 2020” và sẽ ưu tiên dành ngân sách cho Phòng chống mù lòa đến năm 2020.

Để giảm tỷ lệ mù lòa trong cộng đồng, ngành nhãn khoa phấn đấu đến năm 2012 phẫu thuật được 170.000 - 250.000 ca đục thể thủy tinh; mổ khoảng 45.000 ca quặm/năm; triển khai chương trình chăm sóc khúc xạ; xây dựng dự án phòng chống glôcôm trong cộng đồng; mở rộng dự án sàng lọc và điều trị sớm bệnh võng mạc trẻ đẻ non; xây dựng 2 Trung tâm đào tạo chuyên tật khúc xạ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết