09/06/2009 - 08:22

Đến 17 giờ ngày 8-6

Việt Nam đã có 15 ca dương tính với cúm A(H1N1)

* 4 ca nghi mắc cúm A(H1N1) ở An Giang qua xét nghiệm đều cho kết quả âm tính
* Hội thảo quốc tế về nghiên cứu và phát triển vắc-xin cúm ở người

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 8-6, đã phát hiện thêm 2 ca nhiễm cúm A(H1N1) nâng tổng số người nhiễm cúm A(H1N1) tại Việt Nam lên tổng số 15 ca (14 trường hợp đã xác định chính thức, trường hợp còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm PCR lần 2).

Được biết hai trường hợp được xác định nhiễm cúm mới nhất là N.T.T, 39 tuổi và J. H, 11 tuổi, đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, đi cùng chuyến bay UA 869

Trong tổng số 15 trường hợp có kết quả dương tính với cúm A(H1N1) có 6 trường hợp đi cùng chuyến bay UA 869 từ Mỹ về Việt Nam quá cảnh tại Hồng Kông và hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất vào 23 giờ 30 ngày 5-6. Trên chuyến bay này có 293 hành khách, trong đó có 210 hành khách có địa chỉ cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp cận được 185 người; số còn lại đang tiếp tục truy tìm và yêu cầu gia đình tư vấn, tiếp cận, giám sát.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Do số lượng hành khách có thân nhiệt cao phát hiện tại sân bay ngày càng nhiều, với mức trung bình mỗi ngày phát hiện từ 10 đến 15 người. Vì vậy, với số lượng hành khách cách ly, khảo sát vi rút khá cao, các Bệnh viện: Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 có nguy cơ bị quá tải.

* Hai du học sinh từ Hoa Kỳ trở về nghỉ hè ở ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu và huyện Châu Phú (An Giang), nghi mắc cúm A(H1N1) nhưng qua xét nghiệm của Viện Pasteur (thành phố Hồ Chí Minh) đã cho kết quả âm tính. Trước đó, 2 bệnh nhân này được Bệnh viện Nhật Tân (thị xã Châu Đốc - An Giang) cách ly theo dõi.

Như vậy, cho tới nay, địa bàn An Giang đã có 4 người từ Hoa Kỳ trở về nghi mắc cúm A(H1N1) gồm: 2 vợ chồng ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) đi cùng chuyến bay với bệnh nhân cúm A(H1N1) đầu tiên của Việt Nam và 2 người ở huyện Châu Phú bị sốt nhẹ, nay đã cho kết quả âm tính, được ngành y tế và chính quyền địa phương cho phép không cần cách ly với người thân và cộng đồng, tuy nhiên vẫn tiếp tục phải mang khẩu trang khi ra đường. Cùng với hướng dẫn cách đo thân nhiệt thường xuyên, cơ quan y tế khuyến cáo “các ca đã âm tính” nếu có dấu hiệu sốt, đau họng, tức ngực... phải đến ngay trung tâm y tế địa phương để khám, theo dõi.

* Ngày 8-6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế về nghiên cứu và phát triển vắc-xin cúm ở người. Tới dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Jean Marc Olive, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng với nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia, các loại vắc-xin cúm đang được sử dụng trên thế giới đều được sản xuất trên trứng gà có phôi. Vắc-xin cúm mùa được sản xuất từ 3 chủng chọn lọc cho từng mùa, bao gồm: 2 chủng thuộc type A (H1N1, H3N2) và 1 chủng thuộc type B. Ba chủng được chọn để sản xuất vắc-xin hàng năm do mạng lưới giám sát cúm toàn cầu của WHO quyết định. Năng lực sản xuất vắc-xin cúm trên toàn thế giới hiện nay là khoảng 300 triệu liều vắc-xin tam liên gồm 3 loại (H1N1, H3N2 và B) trong 1 năm. Lượng vắc-xin chủ yếu chỉ được sản xuất ở 9 quốc gia và đa số là vắc-xin bất hoạt và chỉ có 4-5 triệu liều vắc-xin cúm sống giảm độc lực. Như vậy, nếu có xảy ra đại dịch trong một thời gian ngắn với hàng triệu người mắc bệnh thì vắc-xin sản xuất sẽ không đủ đáp ứng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng bàn bạc về các chủ đề: Quản lý và sử dụng vắc-xin cho người, kế hoạch đối với vắc-xin phòng cúm ở người; tình hình nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng cúm; những khó khăn, thành tựu thời gian qua và kế hoạch sắp tới về phát triển vắc-xin cúm gia cầm ở Việt Nam; những hoạt động thử nghiệm lâm sàng sắp tới.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết