17/12/2012 - 22:17

Việt Nam có nhiều sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực

Ngày 17-12 tại Hà Nội, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo "Nghiên cứu về nam tính và phân biệt đối xử giới" nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai như là những đối tác then chốt giúp chấm dứt phân biệt đối xử giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, bà Mandeep K. OBrien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh: Phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều bị coi là một tệ nạn xã hội và vi phạm quyền con người. Điều này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào và cần phải chấm dứt. Nam giới đóng vai trò thiết yếu trong việc chấm dứt bạo lực và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Cũng theo Quyền Trưởng đại diện UNFPA, Việt Nam đã có nhiều các chương trình can thiệp và sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong cuộc chiến chống lại bạo lực giới. Tuy nhiên, các chương trình này cần hướng tới phạm vi rộng lớn hơn để có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài ở Việt Nam.

Nhân dịp này, Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đã công bố 3 nghiên cứu về nguyên nhân sâu phân biệt đối xử giới, làm sao để bạo lực không xảy ra như: Nghiên cứu "Nam tính và bạo lực đối với phụ nữ" tập trung khai thác quan điểm và nhận thức của thiếu niên nam và nữ về bình đẳng giới và nam tính. Nghiên cứu này điều tra học sinh nam và nữ của các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Nam vào năm 2011, cho thấy nam giới được nhìn nhận là có phẩm chất quyết đoán, tự tin không bao giờ làm các công việc của phụ nữ như nội trợ và chăm sóc trẻ. Nghiên cứu khác về "Giới, nam tính và sự ưa thích con trai" ở Nepal và Việt Nam đã công bố kết quả điều tra nam giới trong độ tuổi 18 - 49 ở Hưng Yên và Cần Thơ năm 2011 đưa ra gợi ý cần có các chương trình truyền thông can thiệp lâu dài và toàn diện hơn với mục tiêu hướng tới nam giới ở cấp trung ương và địa phương có tính đến các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể ảnh hưởng đến tư tưởng của họ.

"Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về" là một nghiên cứu thú vị đã phỏng vấn nam giới và phụ nữ ở Hà Nội và Huế vào năm 2011, cho thấy bạo lực hoàn toàn không được xã hội Việt Nam chấp nhận và xã hội ngày càng nhận thức rõ, cả nam giới và nữ giới đều có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt bạo lực.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết