10/12/2008 - 08:24

Việt Nam có môi trường thuận lợi để phát triển quyền con người

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2008), ngày 9-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam”.

20 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học được trình bày tại Hội thảo đã đề cập tới nhiều chủ đề về quyền con người có quan hệ đến sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Hòe, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, quyền con người ngày nay ở Việt Nam đã có môi trường thuận lợi hơn để phát triển, đó là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; nền dân chủ XHCN và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ sự hưởng thụ các quyền cơ bản của người dân cao như trong thời kỳ đổi mới. Sở dĩ có được điều đó là vì đổi mới là sự kế thừa những thành quả của các giai đoạn cách mạng trước đây, đồng thời là nhờ những sáng tạo và nỗ lực to lớn của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quan trọng hơn là ở chỗ, sự nghiệp đổi mới có mục đích rất cao là vì hạnh phúc của nhân dân.

Ngay sau khi trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc năm 1977, Nhà nước ta đã nhanh chóng ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có hai công ước bao quát đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, đó là Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị 1966; Công ước quốc tế, về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966. Đồng thời Nhà nước ta đã nội luật hóa các công ước đó vào hệ thống pháp luật quốc gia. Theo thống kê, từ 1986 đến nay, Quốc hội đã thông qua 58 Luật, 43 Pháp lệnh, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các quyền con người như: Bộ luật Hình sự, bộ Luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em... Các đại biểu cho rằng, những quy định của pháp luật Việt Nam ngày nay đã bao quát đầy đủ và tương thích với Luật Quốc tế về quyền con người, từ các quyền dân sự, chính trị đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã phát biểu về các vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tự do ngôn luận; Thành tựu trong việc bảo đảm quyền của người bị tước tự do và đặc xá ở Việt Nam; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng...

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết