02/08/2015 - 15:33

VIẾNG ĐỀN THỜ BÁC Ở CÙ LAO DUNG...

Thời gian diễn ra Tuần lễ du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long 2015 tại TP Cần Thơ, tôi có dịp đến Cù lao Dung, vào dâng hương viếng Bác. Thật bất ngờ trước vẻ đẹp của khuôn viên đền, lẫn trong gian (chính) thờ Người. Càng bất ngờ hơn khi được biết đã có không ít du khách từ nhiều miền đất nước đến đây, thành kính cúi đầu thương nhớ Bác...

DẤU ẤN MỘT CÔNG TRÌNH!

Qua nhiều tư liệu cho thấy: Tương tự khoảng 30 ngôi đền, phủ thờ Bác ở 7/13 tỉnh, thành vùng sông nước Cửu Long, đền thờ Bác ở Cù lao Dung (Sóc Trăng) được xây dựng từ sau khi Bác qua đời - trong bối cảnh đạn nổ bom rơi, đối phương không ngừng đánh phá. Cụ thể, sau nhiều tháng chuẩn bị và hơn 3 tháng được nhân dân quyên góp, xây dựng ráo riết trong ánh hoàng hôn hoặc bóng đêm, đền thờ Bác ở Cù lao Dung đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1970. Thoạt tiên, "đền" chỉ bằng vật liệu tre lá, tọa lạc tại ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì (huyện Long Phú cũ), nay thuộc xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung.

Ngày ấy, đền thờ Bác cách đồn địch không xa, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ vẫn thường xuyên tới viếng thăm, cúng bái. Thậm chí, sau Hiệp định Paris 1973, nhiều người lính quốc gia cũng ghé vào thắp hương ngưỡng vọng Bác Hồ... Người dân Cù lao Dung chẳng ai quên việc xây dựng đền thờ Bác đã khó, việc bảo vệ đền càng khó hơn. Và, với lý lẽ sắc bén cùng thái độ kiên quyết của bà con vùng đất cù lao, tên trưởng đồn đã chùn tay, không dám đốt đền - sau khi bất ngờ phát hiện và hùng hổ đòi hủy diệt nơi thờ cúng Bác!

Những năm đầu sau giải phóng, đền hư hỏng, được sửa chữa nhỏ. Năm 1989, đền được trùng tu, với sự đóng góp bằng khoảng một phần ba của bà con Cù lao Dung trong tổng kinh phí trùng tu trên 35 triệu đồng. Lúc này, đền được xây theo kiểu kiến trúc dân gian "Một gian, hai chái bát dần tứ tượng", trên diện tích đất tròm trèm 6.680 mét vuông - hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác. Cuối năm 2001, đền thờ Bác được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Đến nay, nơi này lại được trùng tu, mở rộng ra hơn 21.000 mét vuông, với kinh phí đầu tư 30 tỉ đồng. Khi khánh thành (năm 2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự, trồng cây lưu niệm...

Từ khi Sóc Trăng thành lập huyện mới Cù lao Dung (2002), năm nào địa phương cũng tổ chức mừng sinh nhật Bác, sau nâng lên thành lễ hội... Dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác vừa qua, Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Sóc Trăng đã tổ chức ngày hội "Tuổi trẻ làm theo lời Bác" dành cho giới trẻ các tỉnh khu vực đồng bằng cụm sông Hậu tham dự tại đền thờ...

Khi tôi về Cù lao Dung, ngày hội ấy đã qua non tháng rưỡi, vậy mà nhiều bà con vẫn như còn tươi nguyên cảm xúc nhớ về ngày hội... Nào là chuyện giới trẻ dâng hương, báo công với Bác; chuyện kết nạp đoàn viên mới; chuyện thanh niên tham gia diễn đàn "Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác" - kết hợp khen thưởng 19 tấm gương tiêu biểu trong phong trào này. Nào là việc triển lãm hội thi ảnh "Sức sống tuổi trẻ Sóc Trăng hôm nay"; chuyện khánh thành trường tiểu học An Thạnh Đông và trường mẫu giáo Hoa Mai (xã An Thạnh Tây); chuyện 50 học sinh nghèo hiếu học, vượt khó của huyện nhà được trao 50 suất học bổng; v.v ...

BÁC KÍNH YÊU ƠI, CHÚNG CON XIN HỨA...

"Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người..." (Bác ơi! - Thơ Tố Hữu)

 Đền thờ Bác ở Cù lao Dung.

Khi viết hai câu thơ này trong sổ ghi cảm tưởng tại đền thờ Bác ở Cù lao Dung, Phó bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng Phan Văn Sáu, chỉ huy trưởng lớp "Học kỳ quân đội tỉnh Sóc Trăng lần thứ II năm 2013" lòng hẳn dâng trào niềm thương nhớ Bác! Thật cảm kích và tin tưởng làm sao trước những dòng chữ chân thành: Tập thể lớp Học kỳ quân đội tỉnh Sóc Trăng lần thứ II năm 2013 đến dâng hương và báo công với tấm lòng thành kính. Nguyện suốt đời "Học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu!".

Không chỉ Phan Văn Sáu, hầu như tất cả thanh niên, học sinh, cán bộ, chiến sĩ các cấp trong tỉnh hoặc TP Sóc Trăng khi đến thăm đền thờ Bác nơi đây, đều bày tỏ sự tri ân, và xin hứa "làm theo tấm gương sáng ngời của Bác". Đại diện đoàn tham quan, về nguồn của Hội Liên hiệp phụ nữ phường 9, TP Sóc Trăng, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Doan, trịnh trọng: "Phụ nữ phường 9 xin hứa với Bác: Suốt đời phấn đấu rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người; Giữ gìn và phát huy phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang - góp phần xây dựng nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Hay như đại tá Nguyễn Văn Vĩnh, thay mặt đoàn Công an huyện Mỹ Tú "Chúng tôi nguyện sẽ noi gương và học tập, làm theo lời Bác dạy đối với Công an nhân dân". Hoặc, thay mặt Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Hồ Tấn Thịnh hứa sẽ là "Lương y như từ mẫu mà Bác đã dạy tập thể ngành y chúng cháu", v.v...

Đến dâng hương, khấn nguyện và thầm thì với Bác những lời hứa, lời tâm sự, hoặc bày giãi nỗi lòng... không chỉ có người Sóc Trăng. Còn có những du khách đến từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, TP Hồ Chí Minh, thậm chí đến từ Gia Lai - hoặc cả những cán bộ hưu trí từng công tác cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, v.v...

Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015), cùng với tập thể Đài truyền thanh TP Tân An (Long An), Trưởng Đài Hồ Thị Ngàn với nét chữ nắn nót, bày tỏ: "Chúng tôi tự nhủ với lòng phải cố gắng làm việc tốt hơn. Đặc biệt nhớ đến Người, những người làm báo chúng tôi quyết tâm học theo cách làm báo của Người, luôn giữ cho mình lửa nghề rực cháy, "bút sắc, lòng trong"...".

Xúc động hơn cả khi đọc được những dòng lưu niệm của ông Ngô Sĩ, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai (nguyên văn của ông - NV), thay mặt đoàn "chiến sĩ kháng chiến bị địch bắt tù đày trong những năm kháng chiến ở miền Trung - Gia Lai - KonTum", xin được trích đoạn như sau:

"Bác kính yêu,

Tưởng nhớ Bác, chúng cháu nguyện suốt đời học tập và làm theo lời Bác, nêu gương sáng cho con cháu mai sau!

Xin cảm ơn Đảng bộ, nhân dân Sóc Trăng nói chung, Cù lao Dung nói riêng đã đổ bao công sức, cả máu xương để gìn giữ nơi thiêng liêng này cho cả nước được đến tưởng niệm Bác!".

Còn nhiều, nhiều nữa những tiếng lòng chân thật của những người từng tìm đến nơi này viếng Bác...

Riêng tôi, xin cúi đầu mong Bác thứ tha, bởi là dân Sóc Trăng, mà mãi 40 năm sau ngày giải phóng, tôi mới đặt chân đến nơi đây! Hơn thế, trải gần 28 năm công tác, soi rọi lại thấy mình chưa đóng góp gì đáng kể cho tỉnh nhà (cũng như với cả vùng sông nước Cửu Long) - vốn vẫn còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn!

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết